Đại diện công ty Formosa Hà Tĩnh vừa cho biết, sẽ phối hợp với chính quyền thị xã Kỳ Anh hỗ trợ các trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác chăn nuôi lợn thu mua, sử dụng sản phẩm thịt lợn để phục vụ nhu cầu của cán bộ, công nhân viên của công ty.
Cụ thể, Formosa sẽ tăng lượng thịt trong khẩu phần ăn của các cán bộ, công nhân; bổ sung nguồn thực phẩm cho các bếp ăn tập thể tại công ty, để đảm bảo trung bình mỗi tháng sẽ thu mua được khoảng 19.000kg thịt lợn giúp bà con chăn nuôi tại Hà Tĩnh. Nằm trong chuỗi này, trước mắt, phía công ty này cũng đã thu mua gần 1.000kg thịt lợn quyên tặng cho 120 hộ nghèo, cô nhi viện đóng trên địa bàn thị xã Kỳ Anh.
Công ty Formosa Hà Tĩnh hứa, sẽ tiếp tục đồng hành cùng với chính quyền và các hộ chăn nuôi lợn để góp phần giúp đỡ người dân vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Trước đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có Công văn số 2601/UBND-DL về việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thịt lợn cho người chăn nuôi gửi Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa. Nội dung công văn nhằm đề nghị công ty này cùng tham gia tiêu thụ và chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi lợn trên địa bàn, từng bước vượt qua đợt khủng hoảng.
Theo công văn, UBND Hà Tĩnh đề nghị công ty Formosa xem xét, phối hợp, hỗ trợ với các trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh để thu mua sử dụng sản phẩm thịt lợn phục vụ nhu cầu của cán bộ, công nhân viên của công ty, bổ sung nguồn thực phẩm cho các bếp ăn của tập thể công ty.
Suốt 4 tháng qua, giá thịt lợn của người nông dân xuống thấp đến mức kỷ lục. Giá lợn hơi xuất chuồng tại tỉnh Đồng Nai, một trong những địa phương đứng đầu cả nước về chăn nuôi, đã xuống mức khoảng 22.000 - 28.000 đồng/kg, giảm 40% so với giá bình quân năm 2016. So với giá thành hiện nay, người chăn nuôi đang lỗ khoảng 7.000 - 11.000 đồng/kg. Tình cảnh tương tự cũng diễn ra tại các tỉnh thành khác, trong đó có Hà Tĩnh khi giá lợn hơi bán tại chuồng, trại xuống thấp kỷ lục, chỉ còn khoảng 23.000 - 25.000 đồng/kg, giảm gần 50% so với trước. Giá thịt lợn hơi giảm mạnh và ở mức thấp được xác định là do mất cân bằng cung - cầu. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng dư thừa vẫn là do không chủ động được thị trường, phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Thế nên, khi Trung Quốc ngừng mua, siết chặt việc xuất nhập khẩu qua đường tiểu ngạch, lợn Việt Nam bị ách tắc đầu ra và giá giảm mạnh. Bên cạnh đó, thời gian qua, khi thấy giá lợn hơi tăng mạnh, người chăn nuôi ồ ạt vào đàn, cũng khiến nguồn cung vượt quá nhiều so với nhu cầu thực tế của thị trường. |
Ngân Hà