Doanh thu FPT Telecom hơn 12 nghìn tỷ, chỉ mới đóng 200 triệu
Tại Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 24/7/2015 phê duyệt chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020, Thủ tướng Chính phủ quy định các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài chính vào Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích, mức đóng góp là 1,5% tổng doanh thu các dịch vụ viễn thông.
Theo báo cáo của Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích Việt Nam, từ năm 2015 tới nay các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông đều thực hiện chế độ báo cáo doanh thu và kê khai thực hiện nghĩa vụ tài chính vào Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích theo đúng quy định của Chính phủ. Chỉ duy nhất có Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom) là không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ này.
Cụ thể, theo quy định thì các doanh nghiệp hàng quý phải đăng ký và nộp nghĩa vụ tài chính viễn thông công ích, tuy nhiên công ty FPT Telecom từ năm 2015 và 2016 tới nay chỉ duy nhất 1 lần đóng số tiền là 200 triệu đồng, sau đó không đóng nữa và thực tế xác định theo mức 1,5% tổng doanh thu của hai năm thì mức đóng góp của FPT Telecom có thể gấp hàng trăm lần con số 200 triệu.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất của FPT Telecom, năm 2015 doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 5.580 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 882 tỷ đồng. Năm 2016, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ là 6.693 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.010 tỷ đồng. Quý I/2017, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp này đạt 1.754 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 221 tỷ đồng.
Theo Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích, do FPT Telecom không thực hiện kê khai doanh thu dịch vụ viễn thông nên Quỹ này chưa xác định chính xác số tiền mà FPT Telecom còn nợ. Nhưng với kết quả doanh thu như trên, nếu bóc tách phần doanh thu kinh doanh dịch vụ viễn thông ra, từ năm 2015 đến hết quý I/2017 số tiền mà FPT Telecom còn nợ Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích chắc chắn cao hơn hàng trăm lần con số 200 triệu đồng mà FPT Telecom đã nộp.
Trong hai năm qua Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích Việt Nam đã nỗ lực kết nối để làm việc với lãnh đạo FPT Telecom nhưng không nhận được sự hợp tác. Ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích Việt Nam cho hay, Quỹ đã nhiều lần gửi công văn trao đổi và cử đoàn cán bộ sang làm việc để lắng nghe cùng tháo gỡ vướng mắc, nhưng phía FPT Telecom liên tục lấy lý do lãnh đạo bận, đi vắng và xin hoãn làm việc.
Ngày 3/10/2016, Thứ trưởng bộ TT&TT Phạm Hồng Hải đã ký công văn gửi Hiệp hội Internet Việt Nam và Công ty FPT Telecom. Nội dung văn bản của Bộ TT&TT khẳng định, các quy định về thành lập, cơ chế hoạt động của Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích được thể hiện, rõ ràng, đầy đủ tại Luật Viễn thông và Nghị định 25/2011/NĐ-CP. Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020 khi xây dựng đã được gửi đến nhiều bộ, ngành tham gia nghiên cứu xây dựng trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm từ các quốc gia khác và đã lấy ý kiến các doanh nghiệp viễn thông. Chương trình Viễn thông công ích là một chính sách lớn của Đảng và nhà nước đã thực hiện từ nhiều năm nay, vì vậy FPT Telecom cần thực hiện nghiêm túc các quy định về đóng góp cho Quỹ cũng như tham gia triển khai các Chương trình Viễn thông công ích đến năm 2020. Nhưng cho đến nay FPT Telecom vẫn phớt lờ không thực hiện.
Tổng giám đốc FPT muốn "tự nguyện đóng góp"?
Trả lời ICTnews về quan điểm của FPT Telecom khi từ chối thực hiện nghĩa vụ tài chính vào Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích theo quy định của Chính phủ, ông Bùi Quang Ngọc, Tổng giám đốc FPT cho biết, về quy định các doanh nghiệp viễn thông phải nộp 1,5% doanh thu cho Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích, FPT Telecom đã nhiều lần gửi văn bản kiến nghị lên các cơ quan chức năng giải trình và đề xuất bỏ quy định này, hoặc nếu duy trì thì nên áp dụng trên tinh thần tự nguyện đóng góp của doanh nghiệp. Bởi các lý do sau: các doanh nghiệp viễn thông đang phải đóng phí thương quyền (0,5% doanh thu) nộp vào ngân sách nhà nước. Việc phải nộp thêm phí viễn thông công ích với tỷ lệ 1,5% doanh thu sẽ đẩy doanh nghiệp viễn thông như FPT vào tình trạng "1 cổ 2 tròng".
Tổng giám đốc FPT cũng chia sẻ rằng, việc yêu cầu đóng góp dựa theo phần trăm doanh thu là không hợp lý. Việc kinh doanh của nhiều doanh nghiệp hạ tầng đang rất khó khăn. Nhiều doanh nghiệp không có lãi, hoặc lãi thấp. Mảng kinh doanh hạ tầng Internet của FPT Telecom trong 2 năm gần đây không còn tăng trưởng do phải đầu tư mạnh vào hạ tầng cáp quang. Con số 1,5% doanh thu mà doanh nghiệp viễn thông phải nộp cho Quỹ có thể tương đương 1/3, một nửa hoặc thậm chí là tất cả lợi nhuận làm ra của doanh nghiệp.
Trong khi đó, ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích cho rằng, việc các doanh nghiệp viễn thông thực hiện nghĩa vụ tài chính vào Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích là quy định của Chính phủ, dù FPT Telecom có đưa ra kiến nghị, đề xuất nhưng Chính phủ chưa ban hành quy định nào khác thay thế quyết định 1168 thì FPT Telecom vẫn phải thực hiện. Hiện các các doanh nghiệp có giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông đều kê khai và nộp Quỹ đầy đủ, chỉ có duy nhất FPT Telecom là đang cố tình chây ì không thực hiện, gây khó khăn cho Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích và tạo ra sự bất bình đẳng với các doanh nghiệp khác.
Được biết, Thanh tra bộ Thông tin và Truyền thông đang tiến hành thanh tra tại FPT Telecom và một trong số những nội dung thanh tra liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ tài chính với Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích nói trên.
Theo Ictnews