Hôm thứ Năm ngày 2/12, Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) đã khởi kiện để gây cản trở một thỏa thuận trị giá 40 tỷ USD, trong đó nhà sản xuất chip ở Thung lũng Silicon Nvidia đã tìm cách mua nhà thiết kế chip Arm (Anh). Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) là một cơ quan độc lập của chính phủ Mỹ có nhiệm vụ chính là thực thi dân sự luật chống độc quyền và thúc đẩy bảo vệ người tiêu dùng.
Các quan chức FTC cho rằng nếu trót lọt, việc Nvidia mua lại Arm sẽ trở thành một trong những thương vụ sáp nhập lớn nhất trong lịch sử ngành công nghiệp chất bán dẫn.
Thỏa thuận sẽ mang lại cho Nvidia quá nhiều quyền lực, gây tổn hại đến cạnh tranh và tăng giá đối với người tiêu dùng. Holly Vedova, người đứng đầu văn phòng cạnh tranh FTC, cho biết: “Các công nghệ tương lai phụ thuộc vào việc duy trì sự cạnh tranh và sự tiên tiến của thị trường chip hiện tại”; "Thỏa thuận này sẽ làm bóp méo sự tăng trưởng của Arm trong thị trường chip. Việc cho phép kết hợp các công ty sẽ làm suy yếu các đối thủ của Nvidia một cách không công bằng”.
Đại diện phía công ty Nvidia cho biết họ sẽ đấu tranh với vụ kiện của FTC và công ty "sẽ tiếp tục làm việc để chứng minh rằng giao dịch này là mang lại lợi ích cho ngành và thúc đẩy cạnh tranh".
Vụ kiện được đưa ra sau nhiều tháng xem xét kỹ lưỡng từ các cơ quan quản lý ở cả Washington và châu Âu. Hành động chống lại thương vụ này của FTC được dẫn dắt bởi Bà Lina Khan, một người chỉ trích gay gắt về việc công ty lớn sáp nhập gây tổn hại đến cạnh tranh và giá tiêu dùng.
Steven Weber, giáo sư thuộc Đại học California, cho biết: “Bà Lina Khan thể hiện rõ rằng muốn giảm sự tập trung doanh nghiệp trong các lĩnh vực kinh tế quan trọng trong khi đây là hai công ty rất lớn có thị trường hội tụ”. Ông nhận định công ty Nvidia (Mỹ) đã trở thành nhà cung cấp hàng đầu cho công nghệ dựa vào trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học (ML), trong khi công ty Arm (Anh) thiết kế các chip hiệu suất cao cung cấp năng lượng cho điện thoại thông minh và các thiết bị khác. Weber cho biết thêm rằng “Bạn có thể nhận thấy tiềm năng sức mạnh thị trường khi hai công ty kết hợp sẽ khiến các đối thủ cạnh tranh khó tiếp cận với những công nghệ mới nhất để xây dựng sản phẩm AI”.
Khi thỏa thuận được công bố vào tháng 9/2020, Giám đốc điều hành Nvidia, Jensen Huang tuyên bố việc mua lại sẽ "tạo ra công ty máy tính hàng đầu cho thời đại của trí tuệ nhân tạo", đồng thời cam kết sẽ không can thiệp vào mô hình kinh doanh của Arm. Công ty Arm được ví von là "Thụy Sĩ" của ngành công nghiệp bán dẫn vì nó cung cấp thiết kế chip cho bất kỳ công ty nào có nhu cầu, bao gồm cả các công ty công nghệ lớn như Apple và Amazon.
Thỏa thuận này sau khi công bố đã gây ra quan ngại cho một số gã khổng lồ công nghệ như Alphabet, Qualcomm và Microsoft. Họ cho rằng việc sáp nhập sẽ giúp Nvidia gia tăng quá nhiều ảnh hưởng đối với Arm và Nvidia có khả năng truy cập vào thông tin bí mật của các đối thủ cạnh tranh- điều này đã được FTC nhắc đến trong đơn khiếu nại.
Vụ kiện từ các cơ quan quản lý Mỹ được đưa ra trong bối cảnh tình trạng khan hiếm chip vẫn đang tàn phá chuỗi cung ứng và gây trở ngại trong quá trình phục hồi nền kinh tế toàn cầu. Hãng sản xuất ô tô lớn GM (Mỹ) đã buộc phải đóng cửa một số dây chuyền sản xuất lắp ráp cho đến tháng Ba năm sau.
Hà Thanh (theo Reuters, NPR)