G20 kêu gọi cải tổ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc

Thứ 4, 20/11/2024 06:00

Lãnh đạo các cường quốc G20 kêu gọi mở rộng thành phần Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cải thiện sự đại diện của các khu vực và các nhóm chưa được đại diện.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần thứ 19 ở Rio de Janeiro, Brazil, các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới thảo luận về nhiều vấn đề, từ biến đổi khí hậu đến các cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine, Gaza và Lebanon…

Tuy có những sự tương phản rõ rệt giữa các cường quốc thế giới, nhưng một số thành công vẫn đạt được và một số điểm vẫn được thống nhất, kết tinh trong tuyên bố chung của hội nghị.

G20 kêu gọi cải tổ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc- Ảnh 1.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết, hầu hết các quốc gia thành viên đều thừa nhận nhu cầu cải tổ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Ảnh: Express Tribune

Trong tuyên bố kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh Rio de Janeiro, diễn ra ngày 18-19/11, các nhà lãnh đạo G20 đã nhất trí kêu gọi cải tổ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Theo tài liệu được công bố trên trang web G20, những người tham gia cho rằng cần phải củng cố vai trò của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc "là cơ quan thảo luận, hoạch định chính sách và đại diện chính của Liên Hợp Quốc", bao gồm cả trong các vấn đề duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thông qua tương tác được cải thiện và tăng cường với Hội đồng Bảo an".

"Chúng tôi cam kết cải tổ Hội đồng Bảo an thông qua một cuộc cải cách mang tính chuyển đổi, phù hợp với thực tế và nhu cầu của thế kỷ 21, giúp Hội đồng này trở nên đại diện hơn, toàn diện hơn, hiệu quả hơn, dân chủ hơn và có trách nhiệm hơn, đồng thời minh bạch hơn đối với toàn bộ thành viên Liên Hợp Quốc", tuyên bố nêu rõ.

Các nhà lãnh đạo G20 kêu gọi "mở rộng thành phần Hội đồng Bảo an, cải thiện sự đại diện của các khu vực và các nhóm chưa được đại diện, chẳng hạn như: châu Phi, châu Á - Thái Bình Dương, châu Mỹ Latinh và Caribe".

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo kêu gọi tăng cường vai trò của Hội đồng Kinh tế và Xã hội (ECOSOC).

Trước đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết, hầu hết các quốc gia thành viên đều thừa nhận nhu cầu cải tổ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, thay mặt Tổng thống Nga Vladimir Putin tại G20, lưu ý rằng, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nên được mở rộng tới các nước châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh, chứ không phải các nước phương Tây.

Ngoài vấn đề cải tổ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm nay, với chủ đề "Xây dựng một thế giới công bằng và một hành tinh bền vững", cũng kêu gọi ngừng bắn "toàn diện" ở Gaza và Lebanon, đồng thời nhấn mạnh nhu cầu hợp tác về biến đổi khí hậu, giảm nghèo và đánh thuế giới siêu giàu.

Đã có hy vọng rất cao rằng các nhà lãnh đạo G20 sẽ giúp tăng thêm nhiệt cho các cuộc đàm phán về khí hậu đang bị đình trệ tại COP29 ở Azerbaijan.

Tuy nhiên, trong tuyên bố cuối cùng của mình, G20 chỉ thừa nhận nhu cầu "tăng đáng kể nguồn tài chính cho khí hậu từ hàng tỷ USD lên hàng nghìn tỷ USD từ mọi nguồn". Điều quan trọng là họ không nói ai sẽ cung cấp hàng nghìn tỷ USD đó.

Về cuộc chiến ở Ukraine, chủ đề này chiếm ưu thế trong chương trình nghị sự vào ngày đầu tiên của Hội nghị Thượng đỉnh G20 sau khi Washington "bật đèn xanh" cho Kiev tấn công vào lãnh thổ Nga bằng tên lửa tầm xa do Mỹ cung cấp.

Trong tuyên bố cuối cùng của mình, các nhà lãnh đạo G20 đã đạt được sự đồng thuận hẹp về Ukraine, hoan nghênh "tất cả các sáng kiến có liên quan và mang tính xây dựng" về đàm phán hòa bình. Tuy nhiên, tuyên bố không đề cập đến chiến dịch quân sự của Nga.

Một trong những vấn đề quan trọng nhất đối với Tổng thống nước chủ nhà G20 năm nay Luiz Inacio Lula da Silva là xây dựng một liên minh toàn cầu chống đói nghèo, và ông đã đạt được thành công ban đầu khi khởi động sáng kiến này ngay từ đầu Hội nghị Thượng đỉnh, thu hút được 82 quốc gia tham gia.

Liên minh này nhằm mục đích thống nhất các nỗ lực quốc tế để cung cấp tài chính cho chiến dịch chống đói nghèo và sao chép các chương trình đã chứng minh được tính thành công ở một số quốc gia. Mục tiêu là tiếp cận được nửa tỷ người vào cuối thập kỷ này.

Minh Đức (Theo TASS, Digital Journal, Al Jazeera)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.