Các nhà lãnh đạo từ nhóm 7 quốc gia có nền kinh tế công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) mới đây đã cam kết huy động 600 tỷ USD từ cả nguồn vốn công và tư nhân trong vòng 5 năm. Số tiền nhằm mục đích tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng cần thiết ở các quốc gia đang phát triển và đối trọng với sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) trị giá hàng tỷ USD của Trung Quốc.
Theo đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo G7 khác đã công bố thỏa thuận "Đối tác về Cơ sở hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu" (PGII) tại cuộc họp thượng đỉnh thường niên của nhóm được tổ chức tại Schloss Elmau, miền nam nước Đức vào năm nay.
Mỹ sẽ huy động 200 tỷ USD từ quỹ liên bang và đầu tư tư nhân trong 5 năm tới để hỗ trợ các dự án ở quốc gia có thu nhập thấp và thu nhập ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như cải thiện sức khỏe toàn cầu, bình đẳng giới và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. Các nước còn lại của G7 sẽ huy động 400 tỷ USD.
"Tôi muốn nói rõ rằng đây không phải là viện trợ hay từ thiện. Đó là một khoản đầu tư sẽ mang lại lợi nhuận cho tất cả mọi người bao gồm cả người dân Mỹ và người dân của tất cả các quốc gia của chúng ta", Tổng thống Biden tuyên bố. Ông nói thêm rằng quỹ sẽ giúp các quốc gia "chứng kiến những lợi ích cụ thể của việc hợp tác với các nền dân chủ".
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết châu Âu sẽ huy động 300 tỷ Euro cho quỹ này nhằm tạo một giải pháp thay thế bền vững cho Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khởi động vào năm 2013.
Nhà Trắng cho biết: "Đây sẽ chỉ là bước khởi đầu: Mỹ và các đối tác G7 cũng sẽ tìm giải pháp để huy động thêm hàng trăm tỷ USD vốn từ những đối tác cùng chí hướng khác, các ngân hàng phát triển đa phương, các tổ chức tài chính phát triển, quỹ tài sản có chủ quyền,..."
Các mục tiêu rõ ràng của sáng kiến do Mỹ dẫn đầu là hướng tới châu Phi, Nam Mỹ và phần lớn châu Á cũng nằm trong tầm ngắm, theo France24.
Cùng với các thành viên G7 và Liên minh châu Âu (EU), Washington cũng sẽ cung cấp 3,3 triệu USD hỗ trợ kỹ thuật cho Viện Pasteur de Dakar ở quốc gia Senegal vùng Tây Phi, nhằm phát triển cơ sở sản xuất vắc-xin linh hoạt quy mô công nghiệp. Cơ quan Phát triển Quốc tế của Mỹ (USAID) cũng sẽ cam kết lên tới 50 triệu USD trong vòng 5 năm cho Quỹ Khuyến khích Chăm sóc Trẻ em toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (WB).
Bà Friederike Roder, phó chủ tịch nhóm vận động phát triển bền vững Global Citizen, nhận định các cam kết đầu tư có thể là "một khởi đầu tốt đẹp" hướng tới sự tham gia nhiều hơn của các nước G7 tại các quốc gia đang phát triển và giúp củng cố tăng trưởng toàn cầu mạnh mẽ hơn cho tất cả mọi người.
Bà cho biết trong nhiều thập kỷ các nhà lãnh đạo G7 hứa sẽ phân bổ ít nhất 0,7% tổng thu nhập quốc dân (GNI) cho viện trợ quốc tế , nhưng vào năm 2021 các nước G7 không đạt được một nửa mục tiêu đó mà chỉ cung cấp 0,32%. Bà Friederike Roder nói: "Nền kinh tế thế giới sẽ không phục hồi bền vững nếu bỏ qua các nước đang phát triển".
Phạm Hà Thanh (theo Reuters, France 24)