Thông báo từ Hội nghị thượng đỉnh nhóm 7 quốc gia có nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) mới đây cho biết các nhà lãnh đạo sẽ làm việc cùng những đối tác để thành lập "Câu lạc bộ Khí hậu" vào cuối năm nay.
"Câu lạc bộ Khí hậu, với tư cách là một diễn đàn liên chính phủ với tham vọng lớn, về bản chất sẽ bao trùm và mở cửa cho các quốc gia cam kết thực hiện đầy đủ Thỏa thuận Paris và các quyết định theo sau đặc biệt là Hiệp ước khí hậu Glasgow, thúc đẩy các quốc gia hành động đến cùng", theo thông báo của Hội nghị.
Các nhà lãnh đạo cam kết về ngành đường bộ sẽ được khử cacbon ở mức cao vào năm 2030 trong khi ngành điện được khử phần lớn hoặc hoàn toàn cacbon vào năm 2035. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo cho biết sẽ ưu tiên "các bước cụ thể và kịp thời hướng tới mục tiêu đẩy nhanh loại bỏ sản xuất điện than trong nước”.
Hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay diễn ra trong bối cảnh các nước đang đối mặt với nhiều bất ổn về địa chính trị và kinh tế, xung đột Nga - Ukraine và giá dầu khí biến động đã “phủ bóng” tại các phiên thảo luận. Thông báo của Hội nghị đề cập đến tình hình thị trường năng lượng hiện nay và khả năng áp đặt giới hạn giá đối với dầu của Nga trong thời gian tới.
Các quan chức G7 trong đó bao gồm Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng biện pháp giới hạn giá sẽ hạn chế nguồn thu từ năng lượng của Nga, trong khi vẫn đảm bảo nguồn cung cho người tiêu dùng phương Tây.
Thông báo Hội nghị cho biết: "Chúng tôi sẽ hành động ngay lập tức để đảm bảo nguồn cung năng lượng và kiểm soát sự tăng giá do điều kiện thị trường bất ổn, bao gồm cả khả năng áp đặt các biện pháp bổ sung như giới hạn giá"; "Chúng tôi tái khẳng định cam kết loại bỏ dần sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga mà không ảnh hưởng đến các mục tiêu về khí hậu và môi trường của mình".
Theo hãng tin CNBC, bất chấp những cam kết trên, một số nội dung trong thông báo của G7 có thể vấp phải ý kiến trái chiều từ các tổ chức môi trường phản đối việc tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Một mặt, tài liệu cam kết chấm dứt "sự hỗ trợ mới trực tiếp từ công chúng cho lĩnh vực năng lượng nhiên liệu hóa thạch quốc tế vào cuối năm 2022", mặt khác nhấn mạnh sẽ có ngoại lệ trong "những trường hợp nhất định được xác định rõ ràng cho quốc gia phù hợp với giới hạn mức tăng nhiệt độ trung bình của trái đất ở ngưỡng 1,5 độ C và các mục tiêu của Thỏa thuận Paris".
Thông cáo cho biết “Trong bối cảnh hiện tại và với mục tiêu đẩy nhanh thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga, chúng tôi nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc tăng cường cung cấp LNG và thừa nhận rằng đầu tư vào lĩnh vực này là cần thiết để ứng phó với cuộc khủng hoảng”.
LNG là khí tự nhiên hóa lỏng, được biết đến như một loại nhiên liệu hóa thạch. Các nhà lãnh đạo G7 cho rằng trong những trường hợp đặc biệt như vậy, việc đầu tư vào lĩnh vực khí đốt có thể được xem là "phù hợp như một phản ứng tạm thời".
Phạm Hà Thanh (theo Reuters, CNBC)