Với việc Hạ viện Mỹ từ chối viện trợ cho Ukraine, các chính trị gia phương Tây khác đang tìm kiếm một nguồn thay thế. Con mắt của họ đổ dồn vào khối tài sản trị giá gần 300 tỷ USD của Nga đã bị đóng băng kể từ khi nước này mang quân vào Ukraine 2 năm trước.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire hôm 28/2 đã công khai thách thức quan điểm của người đồng cấp Mỹ rằng việc kiếm tiền từ tài sản bị đóng băng của Nga là hợp pháp, cho thấy sự chia rẽ sâu sắc giữa các nước G7.
Ông Le Maire, phát biểu sau cuộc họp với các quan chức tài chính G7, đã bác bỏ quan điểm của Mỹ, và cho biết Pháp tin rằng không có đủ cơ sở luật pháp quốc tế để tiến hành động thái này và cần phải làm việc thêm.
Vị quan chức Pháp nhấn mạnh, bất kỳ động thái nào như vậy cần phải nhận được sự hậu thuẫn đầy đủ của luật pháp quốc tế và cần có sự ủng hộ của tất cả các thành viên thuộc Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20), bao gồm Nga, Trung Quốc và các quốc gia khác vốn không cùng chí hướng với Mỹ.
Các quan chức G7 đã mất cả năm trời qua vật lộn để thống nhất về những việc cần làm với tài sản thuộc chủ quyền của Nga đang bị phương Tây phong tỏa theo sau chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine từ tháng 2/2022. Các nhà lãnh đạo G7 đã yêu cầu tìm ra các giải pháp khả thi trước Hội nghị Thượng đỉnh của nhóm vào tháng 6 tới ở Italy.
Cân nhắc
Cuộc tranh luận của nhóm G7 trong tuần này, bên lề cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính từ các nền kinh tế lớn toàn cầu G20 ở Sao Paulo, Brazil, cho thấy phương Tây vẫn còn nhiều điều cần cân nhắc.
“Đây không hẳn là một cuộc đối đầu. Chúng tôi đang tiếp tục thảo luận ở hậu trường hướng tới một mục đích chung, đó là tìm kiếm các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế”, Thứ trưởng Tài chính Nhật Bản phụ trách các vấn đề quốc tế, Masato Kanda, nói với các phóng viên sau cuộc họp của các Bộ trưởng G7 hôm 28/2.
Các quốc gia phương Tây đã phong tỏa khoảng 260 tỷ Euro (282 tỷ USD) chứng khoán và tiền mặt của Nga, hơn 2/3 trong số đó nằm ở Liên minh châu Âu (EU). Tập thể phương Tây đồng ý rằng những khoản tiền đó sẽ không được trả lại cho Nga trừ khi nước này cam kết giúp đỡ tái thiết Ukraine.
Với việc Nga đang chiếm thế thượng phong trên tiền tuyến khi cuộc xung đột đã bước sang năm thứ 3 và viện trợ từ Washington đang phải đối mặt với những rào cản tại Quốc hội Mỹ, những động thái từng được coi là có rủi ro cao lại được đem ra bàn.
Mỹ đang dẫn đầu nỗ lực này, với việc Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hôm 27/2 nói với các phóng viên rằng có cơ sở pháp lý và đạo đức rất vững chắc về việc thu được giá trị từ tài sản của Nga, tịch thu hoàn toàn hoặc sử dụng chúng làm tài sản thế chấp.
Vương quốc Anh và Canada bày tỏ ủng hộ việc tiến tới tịch thu tài sản thuộc chủ quyền của Nga bị đóng băng để giúp Ukraine. Nhưng Pháp và Đức, cùng với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), đều tỏ ra cực kỳ thận trọng.
Họ lo lắng về sự trả đũa của Điện Kremlin nhắm vào các tài sản châu Âu ở Nga, cũng như tác động đến sự ổn định tài chính và vị thế của đồng Euro như một đồng tiền dự trữ.
Có lập luận cho rằng một động thái quyết liệt như vậy sẽ tạo tiền lệ xấu – thúc đẩy các quốc gia khác từ chối dự trữ bằng đồng tiền của phương Tây để tránh trường hợp một ngày nào đó họ cũng phải chịu những hình phạt tương tự.
“Chúng ta hiện không có cơ sở pháp lý để tịch thu tài sản của Nga”, Bộ trưởng Tài chính Pháp Le Maire nói, cho biết rằng cần có sự đồng thuận quốc tế rộng rãi.
“Cơ sở pháp lý này phải được không chỉ các nước châu Âu, các nước G7 chấp nhận, mà còn bởi tất cả các quốc gia thành viên của cộng đồng thế giới, và ý tôi là tất cả các quốc gia thành viên của G20. Chúng ta không nên tạo thêm bất kỳ hình thức nào gây chia rẽ giữa các nước G20”, vị quan chức Pháp nói.
Moscow đã nhiều lần tuyên bố sẽ đáp trả tương xứng nếu phương Tây động đến tài sản của Nga.
Chờ đợi
Trong khi chờ đợi một chính sách tham vọng hơn, EU đang dần đạt được tiến bộ với các kế hoạch đánh thuế bạo lợi đối với lợi nhuận do các quỹ cố định của Nga tạo ra. Hôm 28/2, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đề nghị sử dụng số lợi nhuận thu được để mua vũ khí cho Ukraine.
Lợi nhuận lên tới 4,4 tỷ Euro (4,8 tỷ USD) vào năm ngoái. Tính đến tháng 12/2023, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính nhu cầu tái thiết của Ukraine là 486 tỷ USD.
Ông Le Maire lập luận rằng việc EU cân nhắc sử dụng lợi nhuận từ các tài sản bị phong tỏa của Nga đã là một bước tiến đáng kể. Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cũng đồng tình với quan điểm này.
Ông Lindner nói với các phóng viên rằng ông ủng hộ việc sử dụng tiền lãi tích lũy từ các tài sản bị phong tỏa của Nga để hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến chống lại Moscow, gọi đây là “bước đi thực tế, an toàn về mặt pháp lý và có thể được thực hiện nhanh chóng”.
Washington ủng hộ ý tưởng đánh thuế bạo lợi, nhưng cho rằng hành động mạnh hơn cũng vẫn hợp lý.
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Kanda từ chối bình luận về lập trường của Tokyo, nhưng cho rằng ý tưởng về thuế bạo lợi có thể nhận được sự đồng tình từ G7 và cộng đồng quốc tế rộng lớn hơn.
“Liệu có thực hiện các bước tiếp theo hay không sẽ là điều cần thảo luận thêm, bao gồm cả những bước đi nào được chấp nhận theo luật pháp quốc tế”, vị quan chức Nhật Bản nói.
Các chuyên gia cho biết có thể mất một năm hoặc hơn để khai thác giá trị từ khối tài sản. Hầu hết, nếu không phải tất cả các quốc gia nắm giữ tài sản của Nga, sẽ cần phải thông qua luật pháp trong nước để thực hiện được các hành động này.
Bà Yellen hôm 27/2 cũng thừa nhận có những rủi ro, nhưng hạ thấp mối lo ngại của một số người châu Âu rằng việc tịch thu tài sản của Nga sẽ làm suy yếu vai trò của đồng USD, Euro hoặc Yên Nhật với tư cách những đồng tiền dự trữ toàn cầu quan trọng.
Minh Đức (Theo Reuters, Bloomberg)