Các nhà lãnh đạo của nhóm 7 quốc gia có nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã có những cuộc thảo luận "rất mang tính xây dựng" trong việc đưa ra mức giới hạn khả thi đối với dầu nhập khẩu từ Nga, hãng tin Bloomgerg ghi nhận chia sẻ mới đây của quan chức chính phủ Đức trước hội nghị thượng đỉnh G7 thường niên kéo dài từ 26/6-28/6/2022.
Cơ chế giá như vậy sẽ đặt ra giới hạn trần đối với nhập khẩu dầu từ Nga, được áp đặt đơn phương bởi mỗi quốc gia tham gia và giúp ngăn cản Nga có thể bán với giá cao hơn. Đề xuất này là một phần trong các cuộc thảo luận rộng hơn của G7 về biện pháp nhằm tăng cường sức ép nhằm vào Điện Kremlin liên quan cuộc xung đột tại Ukraine mà không gây ra áp lực lên lạm phát toàn cầu.
Xung đột tại Ukraine, tình trạng thiếu hụt lương thực và nhiên liệu cũng như triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm sẽ là những vấn đề trọng tâm của hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay, đang diễn ra tại Schloss Elmau - khu nghỉ dưỡng lâu đài trên núi ở miền nam nước Đức.
Mỹ, Canada và Anh đã tuyên bố cấm nhập khẩu dầu của Nga trong khi các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cũng đã đạt được sự thống nhất về lệnh cấm một phần đối với dầu thô nhập khẩu từ Moscow.
Tuy nhiên, việc giá năng lượng tăng cao đã khiến phương Tây quan ngại rằng những lệnh cấm vận như vậy có thể không thực sự gây thiệt hại cho Nga. Bất chấp các lệnh trừng phạt từ phương tây, Moscow vẫn có nguồn thu lớn từ hoạt động xuất khẩu dầu và khí đốt ngay cả khi lượng xuất khẩu bị giảm.
Theo hãng tin Bloomberg, các quan chức cho rằng việc áp đặt giới hạn giá đối với dầu xuất khẩu từ Nga có thể là giải pháp cho tình thế khó xử trên. Đồng thời, giới hạn giá cũng tránh dẫn tới thắt chặt hơn nữa nguồn cung dầu và gây lạm phát.
Giới hạn giá là một trong số các phương pháp có thể gia tăng sức ép kinh tế nhằm vào Nga mà không làm giá dầu toàn cầu tăng vọt hơn nữa, theo hãng tin Reuters. Bởi biện pháp này chỉ làm giảm doanh thu chứ không phải lượng dầu đưa ra thị trường.
G7 cũng đang thảo luận sự cần thiết phải kết hợp mục tiêu khí hậu đầy tham vọng với nhu cầu của một số quốc gia về việc khai thác các mỏ khí đốt mới, trong bối cảnh châu Âu đang gấp rút cắt giảm nhập khẩu khí đốt của Nga.
Phạm Hà Thanh (theo Bloomberg, Reuters)