Xuyên Việt, xuất ngoại và trở thành “Vua đồ cổ gốm sứ”
Gọi gã là "bụi đời" bởi cái chất chơi hết mình, sống thẳng thắn chân thật và sẵn sàng phượt hàng tháng trời chỉ để tìm thú vui. Gã là Đinh Công Tường (SN 1968, ngụ phường Hiệp Thành, quận 12, TP.HCM) "ông vua đồ cổ" gốm sứ Việt Nam. Gã với dáng người nhỏ thó, nước da xạm đen vì sương gió, nhưng miệng lưỡi, hành động thì nhanh lẹ đến lạ.
Gã đi đến đâu kết bạn đến đó, từ vương giả đến dân lao động ai ai cũng quý mến. Bởi thế gã thường xuyên "vớ" được những món hàng cổ độc đáo mà không ai có được. Gã lấy tiền làm ăn đi mua đồ cổ cũng chỉ để thỏa mãn đam mê, đến hồi gã còn dành dụm cất nguyên căn nhà ba tầng rộng 600m2 chỉ để những "món đồ cưng" mà mình sưu tầm được. Gần 20 năm chơi đồ cổ gốm sứ, gã chưa bao giờ bán đi dù là một mảnh vỡ nào.
Đinh Công Trường trao quà từ thiện ở Kon Tum năm 2012.
Ở Việt Nam, gã lùng sục khắp hang cùng ngõ hẻm để tìm bằng được những món đồ yêu thích. Bước vào nhà chào chủ nhà xong là gã ngó trước, ngó sau xem có gì cổ quý không, y như gã ăn trộm vậy. Gã cho biết: "Tôi đi tìm nhiều vùng từ mạn Bắc đến khu Nam. Nhiều khi đêm hôm thuê ghe thuyền đi giữa sông không một bóng người, hay mướn xe ôm chở trong đêm vắng là chuyện thường. Có lần tới nhà dân để mua cây mai chấn thủy, tôi thấy người ta có một cái tô bị mẻ một miếng làm tô cơm cho chó ăn, nhưng nhìn chất thì là đồ cổ rất lâu năm rồi. Tôi hỏi mua thì bị chủ nhà mắng: "Mày điên à, tô bể cho chó ăn mày mua chi?". Qua hôm sau tôi xuống bứng cây mai thì bà này giấu cái tô đi, tôi hỏi thì họ ngần ngừ mãi mới bán. Chuyến đó tôi vớ quả bở vì mua được đồ cổ xịn, giá rẻ".
Những chuyến xuyên Việt của anh Tường luôn là những chuyến đi thú vị. Ngoài mục đích nhập hàng cho công ty, gã còn lân la xem ai có đồ cổ thì tìm mua. Gã kể lại: "Năm 2011 qua Hồng Kông, tôi tá túc tại nhà người quen ở vùng ngoại ô. Tôi để ý thấy nhà hàng xóm có cái bình đẹp quá mới lấp ló hỏi, người ta hỏi cái bình cắm hoa này mua chi. Người ta không biết đó là hàng cổ, phải dẫn họ đi nhậu làm thân một trận người ta mới bán cho 500 "đô" Hồng Kông (hơn 10 triệu đồng). Chuyến đó khi về, đồ cổ của tôi mang nhiều gần bằng tiền cáp mua cho công ty".
Trong chuyến đi Singapore năm 2012, suýt nữa gã phải hủy chuyến bay về nước vì mê đồ cổ. Gã phát hiện căn nhà nọ có một cái đĩa cực độc, cổ và đẹp. Gã lân la dò hỏi để tìm mua nhưng nhiều lần không thành. Gã kể: "Tôi "canh" nhà ông đó cả 5 ngày trời mà không gặp, người ta cứ đi làm đóng cửa kín mít. Đến cuối ngày thứ 5, khi mà thời gian buộc tôi phải quay về nhà bạn ở cách đó khá xa để sáng sớm mai bay về nước thì chủ mới xuất hiện. Lúc đầu ông này không định bán, cứ đội giá trên trời. Tôi thì gấp gáp quá, nhưng mê nên mới mua với giá cao. Nhưng niềm vui là cuối cùng cũng mua được, đó cũng là cái duyên. Có người bỏ rất nhiều tiền nhưng chưa chắc đã mua được món đồ mình muốn".
Trong kho tàng đồ cổ gốm sứ của mình, Công Tường là người sở hữu nhiều hàng độc nhất. Gã sở hữu các món hàng từ thế kỷ 17, hàng thời Tống, Á, Âu, Tây, Tàu món gì cũng có. Những món vô giá phải kể đến: Tô triều đình Huế (chỉ dùng cho vua chúa, quan lại, hiện tại chỉ gã còn), tô một trăm chữ bùa (chỉ dùng trong triều đình để biểu hiện sự may mắn), bình vuông (chỉ còn vài cái), bình Bát huệ tôn (mua năm 1989, mua ở Cà Mau, mất ba tháng trời).
Cặp bình độc nhất vô nhị là cặp bình hình thoi, với nước men trắng xanh cực hiếm, rất khó làm, gã nói phải đeo mấy năm trời mới mua được ở Tiền Giang. Ngoài ra gã còn có cặp bình hoa dành cho công chúa, chiếc đĩa Mai Hạc cực độc chỉ xài trong phủ vua chúa có câu thơ Nôm ghi: "Nghêu ngao vui thú yên hà/ Mai là bạn cũ, hạc là người quen". Có nhiều cao nhân cho rằng đây là câu thơ do Nguyễn Du đề khi viếng một lò sứ ở Trấn Cảnh Đức năm 1813. Những món đồ ấy nhiều người trả hàng tỷ đồng nhưng gã nhất quyết không bán.
Gã "bụi đời" Đinh Công Trường nâng niu các "báu vật". (AnhrH.M).
Bỏ tiền tỷ đi làm việc thiện
Hơn 80.000 cổ vật gốm sứ Trung tâm sách Kỷ lục gia Việt Nam công nhận anh Đinh Công Tường là người sở hữu nhiều đồ cổ gốm sứ nhất Việt Nam năm 2011. Anh Tường cho biết, hiện anh có một "bảo tàng" thu nhỏ chứa khoảng hơn 80.000 đồ cổ gốm sứ. Nhiều loại cổ quý hiếm chỉ mình anh còn giữ. |
Chẳng ai nghĩ một người như gã lại suốt ngày chăm chăm đi làm từ thiện. Lý do cũng rất đơn giản, thuở nhỏ gã quá khổ. Gã ngậm ngùi nhớ lại: "Tôi đi bán báo, làm người kéo rác từ khi chưa đầy 10 tuổi. Thói đời oan nghiệt, tôi nhỏ con lại đen đúa nên người ta sỉ vả hoài. Có bữa đang bán vì mệt tôi vịn tay vào ghi đông xe đạp, ông già chủ xe lấy chổi đập tôi, bắt tôi xé báo chùi sạch ghi đông xe đạp mới cho đi. Rồi có lúc những gã uống cà phê chọc ghẹo kêu tôi cởi quần mới mua báo, thế mà tôi cũng cởi để bán được tờ báo. Lại có người tốt cho tôi ổ bánh mì, ai ngờ lại bị thiu. Ăn xong, hôm đó tôi đau bụng, không bán được tờ báo nào, bị lỗ, về chủ sạp báo sỉ vả, nhiếc móc. Tôi ức cuộc đời lẽ nào mình lại chịu cái phận tủi nhục bị hắt hủi, ăn đồ thiu vậy sao?".
Nghèo đâu phải là cái tội... Hai năm sau khi qua Lào, gã lại cùng đoàn qua Campuchia làm từ thiện bên khu Biển Hồ của người Việt Nam. Dân ở đây không gạo, không tiền. Họ sống trên những chiếc ghe thuyền đơn sơ, trẻ em thì không được ăn học tử tế. Gã đến từng khu phát quà, rồi lên một lớp học từ thiện để cho quà hỗ trợ các em. Lớp học này cũng rất đặc biệt, lớp học trên ghe với thầy giáo già và những đứa trẻ nheo nhóc. Nếu kế hoạch từ thiện mang đi là 1000 phần quà thì bao giờ gã cùng đoàn cũng phải mang theo 2000 phần vì đi đường cứ thấy ai khổ là tặng quà. Sống đời như thế gã mới thấy an nhàn tâm khảm, bởi với gã "nghèo đâu phải là tội". |
Từ những cái oan khiên của cuộc đời, khi có chút tiền bạc ky cóp từ làm ăn, gã lại đem đi làm từ thiện. Cặp bình Thạnh Hóa Niên Chế ra đời thế kỷ 17, gã mua 120 triệu đồng, mang đi đấu giá ở Bình Định được 1,2 tỷ đồng gã cho dân nghèo hết. Ít ai biết rằng để có cặp bình ấy, gã đã đi tới đi lui 11 lần chủ nhà mới chịu bán.
Gã cho biết: "Năm 2009, tôi về Xã Thuận Điền, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre chơi, thấy đường nhớt, học sinh đi học bê bết bùn đất trên quần, có đứa còn ngã khóc lên khóc xuống. Tôi thầm nghĩ chắc tụi nhỏ thế nào cũng bị chọc ghẹo mà tự ti, bỏ học. Tôi liền bỏ tiền đầu tư xây con đường bê tông cho tụi nhỏ đi học". Rồi vô số đợt gã cùng năm bảy người hùn tiền lại để làm từ thiện khắp miền Nam tới miền Bắc. Có lần gã đi cả tháng trời chỉ để làm từ thiện.
Năm 2008, cơn bão lớn làm một chiếc xe bị cuốn trôi, chết nhiều người ở Đắk Lắk, gã cũng xăm xăm đi cứu trợ, dù phải lội sình lội mương. Gã kể: "Lần lụt ấy, vừa cho xong gói mì người ta đã xé ra ăn khiến tôi rớt cả nước mắt. Rồi có lần cùng đoàn đi cứu trợ ở tỉnh Quảng Ngãi, vùng đồng bào dân tộc. Tôi cho họ gói mì, họ tưởng là bánh, bóc ra ăn mà cười nắc nẻ. Ở những vùng khổ ải ấy, ngay cả bản thân tôi cùng đoàn từ thiện nhiều lần phải dừng giữa đường để nấu mì ăn vì quán xá không có, dân thì quá nghèo".
Đáng nhớ nhất với gã có lẽ là lần từ thiện xuyên Việt năm 2008. Gã kể lại: "Lần ấy chúng tôi đi hết 18 ngày, lòng vòng miền Trung rồi xuyên qua tỉnh Sa-va-na-khẹt của Lào, làm từ thiện luôn. Tỉnh đó rất là nghèo, người ta mừng mà khóc nức nở luôn. Những đồ từ thiện của chúng tôi cũng rất thiết thực: Mùng, mền, gạo, dầu ăn, mì tôm, nước tương, thuốc Tây, nên cái gì họ cũng dùng được. Đến khi ra về, từng đoàn người chạy theo tiễn chúng tôi mà nước mắt giàn giụa, nhìn lại các em nhỏ tôi lại thấy sao mà mình may mắn quá, còn các em tội quá".
Hoàng Minh