"Gã gàn" của xóm núi
Cách trung tâm Hà Nội chừng 130km về hướng Tây Bắc, tìm đến xóm Mỏ, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, hỏi thăm anh Kiều Văn Kiên (SN 1977), bà con dân tộc nơi đây chẳng ai không biết. Họ biết đến anh Kiên bởi nhiều lẽ, từ việc anh là số ít người Kinh hiếm hoi đang làm ăn sinh sống tại đây, đến cách anh hành xử thân thiện với bà con lối xóm... Nhưng cái cách khiến người thanh niên ngoài 30 tuổi gốc Hà Nội được bà con ấn tượng và yêu quý nhất chính là việc anh đã bỏ bao công sức và tiền bạc để gây dựng hẳn một bảo tàng văn hóa Thái đồ sộ, với hàng nghìn cổ vật quý giá do chính anh lặn lội đi khắp các vùng miền để sưu tầm lại.
Ngồi nhâm nhi chén trà chát tại căn nhà sàn 2 tầng cũng chính là nơi trưng bày đồ vật của bảo tàng văn hóa Thái, anh Kiên nở nụ cười thật tươi, đưa đôi tay sần sùi chai sạn nắm chặt tay rồi rồi mở đầu câu chuyện một cách rất vui vẻ nhưng cũng đầy sâu lắng: "Nhiều người vẫn gọi vui tôi là "gã gàn" của xóm Mỏ vì sở thích và cách sống, tức là bỏ chốn phồn hoa đô thị để lên rừng làm một công việc không giống ai. Nhưng ngày ngày nhìn những gì mình đang đóng góp cho vùng đất này ngày một dày thêm, tôi lại thấy ấm lòng và nguyện sẽ cả đời gắn bó với chúng". Rồi vẫn với chất giọng trầm trầm, anh Kiên say sưa kể lại với tôi về những gì đã trải qua trong quá khứ, khi định mệnh khéo léo kéo anh dừng chân ở mảnh đất hoang sơ này.
Anh Kiên kể, anh vốn là một chàng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Thế nhưng vì ngột ngạt với cảnh xe cộ phố xá nên ngay từ thời còn học phổ thông cho đến khi lên đại học, anh vẫn luôn có xu hướng "xê dịch", đi đó đi đây. "Lần đầu "liều mình" mạo hiểm của tôi là năm lớp 8, khi tôi lấy xe đạp chạy một lèo mấy chục km ra ngoại thành chơi và cảm nhận thấy không khí gần với thiên nhiên thật thoáng đãng và dễ chịu. Kể từ lần ấy, thú đi xa như ngấm vào máu khiến tôi "nghiện", hễ cứ có dịp nghỉ dài ngày nào là tôi lại rủ rê bạn bè đi phượt. Nếu không ai đi, tôi cũng tự một mình vác ba lô đi ngao du trên mọi cung đường của Tổ quốc. Và sau tất thảy, tôi thấy Tây Bắc là đẹp nhất. Tôi yêu cái đẹp hoang sơ của núi rừng và con người nơi đây từ bao giờ không hay", anh Kiên tâm sự.
Anh Kiên vô cùng tự hào về bảo tàng của mình.
Thế rồi, nhờ cái sự duyên kỳ ngộ sắp đặt, vào năm cuối đại học, anh Kiên tình cờ quen với một cô gái người dân tộc Thái tên là Khà Thị Lê (ở xã Xăm Khòe, huyện Mai Châu, Hòa Bình). Nước da trắng mịn, dáng người dong dỏng cao cùng vẻ đẹp đằm thắm của cô gái miền sơn cước đã khiến chàng trai gốc Hà Nội như chết lặng ngay từ cái nhìn đầu tiên. Vẻ thật thà, chân chất của cô gái vùng cao, cùng ánh mắt đượm buồn xa xăm đã theo anh Kiên về tận Hà Nội, khiến anh thao thức, nhung nhớ. Kể từ ngày ấy, cứ có dịp rảnh rỗi là anh lại nhằm quốc lộ 6 thẳng tiến về Mai Châu tìm gặp cô gái xinh đẹp Khà Thị Lê để trò chuyện. Và tình yêu của họ đơm hoa kết trái, cả hai yêu nhau say đắm lúc nào không hay.
Sau một thời gian, nhận thấy thời điểm đã chín muồi, anh Kiên quyết định ngỏ lời cầu hôn với chị Lê và được chị chấp thuận. Phần vì chiều vợ, phần vì trót yêu con người và cuộc sống nơi đây, anh Kiên đã đưa ra một quyết định gây "sốc" là sẽ định cư trên quê hương của vợ. Thông báo của cậu con trai như quả bom nổ giữa nhà, bố mẹ anh Kiên sau phút giây lặng đi, đã quyết liệt phản đối ý định đó. Họ cho rằng nó hoàn toàn "điên rồ" và "không thể chấp nhận được". Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực thuyết phục, cuối cùng gia đình anh Kiên cũng đành nhượng bộ, để anh và chị Lê định cư hẳn trên Hòa Bình.
Hành trình gian khó tìm cổ vật
Sau khi "dẹp yên" được dư luận trong người thân, anh Kiên bắt đầu bắt tay vào một cuộc sống khác hẳn với những gì mình có ở Hà Nội. "Đó thực sự là những tháng ngày vô cùng gian khổ, nhưng vợ tôi vốn là cô gái thông minh nên cũng nhanh chóng dạy cho tôi hiểu được lễ giáo của người vùng cao", anh Kiên tự hào nhớ lại.
Do khác nhau về dân tộc, vùng miền nên ban đầu, anh Kiên phải tìm hiểu phong tục, tập quán, văn hóa của người Thái để ứng xử với nhà vợ cho phải đạo, đúng lễ nghĩa. Anh học tiếng nói, chữ viết của người Thái và dành nhiều thời gian tìm hiểu về cuộc sống của người dân. Từ những điều được nghe kể và những chuyến đi tới các bản làng, anh hiểu hơn về những giá trị truyền thống, văn hóa độc đáo của cộng đồng người Thái. Và rồi, văn hóa của đồng bào Thái Mai Châu đã ngấm vào người lúc nào không biết.
Trong lần đến chơi nhà người bác của vợ, anh Kiên bỗng bị thu hút bởi một số đồ dùng săn bắn để trên gác bếp. Tò mò, anh xin phép gia chủ được xem và tấm tắc khen đẹp. Chủ nhà thấy anh thích thú với những thứ đồ cũ ấy thì tặng luôn bởi với chủ nhà, những thứ đó chỉ làm chật thêm gác bếp. Thật không ngờ, đó là những vật được làm cách đây mấy chục năm và bây giờ gần như đã không còn gia đình nào lưu giữ. Hiểu được giá trị của những đồ vật hiếm hoi, đồng thời chứng kiến vô số đồ vật cổ của người Thái bị những tay đi buôn thu mua về xuôi để bán, trong đầu chàng trai trẻ bỗng nảy ý nghĩ sưu tập những cổ vật của người Thái Mai Châu. Kể từ ngày ấy đến giờ, cái duyên với văn hóa Thái ngày càng gắn chặt với anh hơn bởi những tháng ngày rong ruổi tìm kiếm cổ vật. Anh cứ mải miết đi tìm với nỗi niềm sợ thời gian sẽ làm hư hỏng, thất lạc đi những hiện vật mang giá trị tinh thần quan trọng, để rồi chúng không bao giờ tồn tại nữa. "Lập bảo tàng ngoài việc muốn cho những thế hệ sau biết về cuộc sống của ông cha, tôi còn coi đây như một món quà để tặng vợ, người mà tôi thương yêu hết mực. Khi biết tôi yêu thích văn hóa Thái đến vậy, cô ấy dù bận việc vẫn cùng tôi rong ruổi khắp nơi để thu mua những đồ vật quý hiếm", anh Kiên chia sẻ.
Nhắc lại những kỷ niệm trong quãng thời gian bôn ba đi tìm kiếm những cổ vật, anh Kiên kể rằng có những lần phải đi tới 300km để tìm được vào nhà một người dân có đồ vật quý. Đường rừng núi không có quán xá, anh phải mang theo cơm nắm, muối vừng để ăn dọc đường. Đang đi còn gặp trời mưa, đường trơn trượt, xe bị ngã suýt bỏ mạng dưới vực thẳm, may có bà con dân tộc đi qua cứu giúp.
Sau quãng thời gian đi sưu tầm đồ vật cổ của người Thái, năm 2010, anh Kiên đã xin phép phía chính quyền địa phương, dựng hẳn bảo tàng văn hóa Thái để làm nơi trưng bày, giới thiệu nền văn hóa này cho mọi người cùng được biết, đồng thời góp phần to lớn vào việc thúc đẩy du lịch ở Mai Châu, Hòa Bình. Kể từ khi lập ra đến nay, đã có hàng nghìn lượt du khách trong và ngoài nước tìm đến, không ít người đã thích thú khi được nhìn thấy những cổ vật xa xưa đầy tính sáng tạo của ông cha ta.
Bộ sưu tập vô giá Nói về gia tài mà anh cất công sưu tầm, anh Kiên cho biết đã có trong tay gần 1.000 cổ vật. Trong số cổ vật đó, quý nhất là 3 cuốn gia phả của dòng tộc người Thái cách đây trên 200 năm. Những cuốn gia phả này đã ố vàng theo thời gian, gáy đã sờn hết, nhiều chữ trong đó bị mờ không còn đọc được. Đa số những cổ vật anh sưu tập được là những dụng cụ gắn bó với sinh hoạt hàng ngày của người Thái ngày xưa như: Đèn đất, đèn soi, đèn đi tuần của quan lang thời trước; bộ đồ cúng của thầy mo; bộ sưu tập nhạc cụ; bộ dụng cụ chế biến lương thực; Bộ dụng cụ săn bắn hái lượm và bộ trang sức gồm dây xà tích, vòng bạc, hoa tai... |
Long Nguyễn