Mặc dù bị cáo đang bị ung thư gan giai đoạn cuối, nhưng qua xem xét tính chất mức độ, vai trò của bị cáo là chủ mưu cầm đầu, giết người có tổ chức, vì động cơ đê hèn… HĐXX đã tuyên phạt Ngô Quang Chướng mức án tử hình thay vì án chung thân trước đó.
Bị cáo Chướng bi thảm cuối cuộc đời. |
Kế hoạch tàn độc
Đúng 8h, chiếc xe chở bị cáo Ngô Quang Chướng đỗ trước sân tòa. Rất đông người nhà của bị cáo cũng như phía bị hại có mặt để theo dõi phiên xử.
Bị cáo được lực lượng áp giải trên một chiếc xe lăn. Trông gương mặt của bị cáo đã hốc hác, xanh xao đi rất nhiều… Mặc dù các luật sư bào chữa cho phía bị cáo đề nghị cần trưng cầu giám định pháp y vì bị cáo đang bị bệnh hiểm nghèo… nhưng những đề nghị này không được chấp nhận.
Theo nội dung vụ án, Ngô Quang Chướng và Đăng Văn Sỹ vốn từ miền Bắc vào Nam mưu sinh. Sau thời gian gặp lại, họ trở nên thân thiết rồi góp vốn để cùng thực hiện ước mơ trở thành đại gia đất đai. Chướng làm giám đốc, Sỹ là phó. Mấy năm đầu, tình cảm bằng hữu bạn bè, anh em công ty còn gắn bó. Tuy nhiên càng lúc Chướng càng có nhiều khuất tất, cố ý lập hồ sơ bồi thường khống, bán đất nền sai quy định vào dự án nhà ở trên 90ha ở xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn.
Nhận thấy cách làm ăn của cấp trên sẽ có ngày rước họa vào thân nên ông Sỹ ra sức góp ý, can ngăn, nhưng Chướng vẫn bỏ ngoài tai. Không những thế, Chướng còn cho đàn em là xã hội đen đến tận nhà ông Sỹ ghé dao vào cổ và dọa nếu cứ tố cáo sẽ bị đâm chết.
Mâu thuẫn giữa Chướng và Sỹ ngày càng tới vực sâu. Chướng đã chủ động “tìm người” để trừ khử ông Sỹ. Chướng chủ động cho Vũ Văn Luân (Luân “con”- là đàn em của trùm giang hồ đất cảng Dung Hà) một nền đất 100m2 ở dự án của Chướng nhằm để Luân mang ơn. Sau đó, Chướng kể sự việc có mâu thuẫn với ông Sỹ cho Luân nghe và yêu cầu Luân “giúp đỡ”.
Tuy nhiên, ông Sỹ không sợ mà còn tiếp tục làm đơn mạnh mẽ hơn để phơi bày thói du côn cũng như những sai phạm nghiêm trọng của vị giám đốc này. Ngày 15/10/2009, Chướng được Sở Kế hoạch Đầu tư (KHĐT) TP. Hồ Chí Minh mời lên làm việc để trình bày rõ sự việc mà ông Sỹ tố cáo. Trước đó mấy ngày, Chướng đã gọi điện cho Luân lên kế hoạch sát hại ông Sỹ khi cuộc họp ở sở KHĐT kết thúc và được Luân đồng ý.
Sau đó Luân đã gọi điện kêu nhiều đàn em khác để thực hiện phi vụ này. Sáng sớm ngày 15/10, Nguyễn Thế Việt đàn em của Luân “con” cùng Trần Văn Khoa, Bùi Quốc Huy, Ngô Chí đã chuẩn bị đầy đủ hung khí, có mặt quanh sở KHĐT để nhận dạng ông Sỹ, bố trí phương án “tác chiến” và chờ lệnh của Chướng.
Khoảng 11h trưa cùng ngày, cuộc họp kết thúc, Chướng nhắn tin cho Việt biết là cuộc họp đã xong và hãy chuẩn bị tư thế. Khi ông Sỹ vừa đi xe máy ra khỏi Sở KHĐT thì nhóm của Việt bám theo. Đến đường Hai Bà Trưng, Quận 1, Huẩn vượt xe máy ép ông Sỹ vào lề đường, còn Chướng ngồi sau đâm 2 nhát vào người ông Sỹ. Ông Sỹ hô cướp, đồng bọn của chúng lên ngăn cản. Một số tên đã chạy thoát, còn tên Huy bị quần chúng bắt giữ. Ông Sỹ được đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong sau đó.
Quả báo cuối đời
Sau một tháng gây án, những kẻ tội đồ đã được cơ quan chức năng tóm gọn Với hành vi đó, Ngô Quang Chướng bị TAND TP.HCM tuyên án chung thân. Luân “con” bị tuyên án tử hình, Trần Văn Khoa và Ngô Chí Huẩn nhận mức án 20 năm tù về tội giết người…
Xét thấy bản án trên của TAND TP.HCM là chưa tương xứng với tội ác của Chướng nên gia đình bị hại đã kháng cáo và Viện trưởng VKSND TP.HCM kháng nghị đề nghị tử hình với Ngô Quang Chướng vì Chướng là người chủ mưu, cầm đầu, phạm tội có tổ chức, vì động cơ đê hèn. Tuy nhiên ở cấp phúc thẩm vẫn giữ y án sơ thẩm.
Bản án này sau đó đã bị Chánh án TANDTC đã kháng nghị và đề nghị Hội đồng thẩm phán TANDTC xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy án phúc thẩm để xét xử lại. Ngày 14/3/2013, Hội đồng Giám đốc thẩm TANDTC đã có quyết định hủy án phúc thẩm, giao TANDTC tại TP.HCM xét xử lại với Ngô Quang Chướng.
Phía gia đình bị hại cũng có kháng cáo đề nghị tử hình với bị cáo. Tại phiên tòa, bị cáo Chướng nằm bẹp trên chiếc xe lăn, lâu lâu mới đáp được một vài lời của HĐXX. Được nói lời nói sau cùng, bị cáo Chướng thều thào:
“Tôi thành thật xin lỗi gia đình bị hại. Tôi biết gia đình bị hại phải đi lại nhiều lần từ ngoài Bắc vào rất tốn kém, tôi muốn được bồi thường số tiền đó cho bên gia đình. Nếu gia đình không chấp nhận thì tôi có chết cũng áy náy lắm…”.
Kết thúc phiên tòa, HĐXX đã chấp nhận một phần kháng nghị của VKSND TP.HCM và kháng cáo của gia đình bị hại, đồng thời bác kháng cáo của bị cáo và tuyên tăng án tử hình với bị cáo Ngô Quang Chướng.
Theo Hoàng Ngọc Quý (Pháp luật Việt Nam)