Vừa đến cổng Ga Hà Nội (phía đường Lê Duẩn), xe chúng tôi lập tức bị "bao vây" bởi một đội ngũ xe ôm. Bắt được "sóng", một người trong nhóm lên tiếng: "Em mua vé đi đâu, mua mấy vé, anh lấy cho". Biết mục đích của chúng tôi muốn mua 4 vé đi Sài Gòn sau Tết Nguyên đán, anh này vẫy tay gọi một chị đang ở phía bên kia đường. Người phụ nữ kia tất tả chạy sang tự giới thiệu tên Hương rồi đặt thẳng vấn đề: "Ngoài tiền vé ra em cho chị xin 200 ngàn đồng/vé tiền "phụ phí". Tôi ngỏ ý muốn mua với số lượng nhiều, chị này cho biết: "Chú em an tâm. Muốn mua bao nhiêu cũng được. Bọn chị có "nguồn" mà!?. Mua nhiều chị giảm giá cho".
Thấy chúng tôi tỏ vẻ băn khoăn, chị này tiếp lời: "Nếu không tin tưởng, em cứ kiểm tra lại rồi báo cho chị. Nếu chị bán vé giả, gian dối thì đã không trụ được ở đây hàng chục năm nay. Cứ lấy số điện thoại của chị, cả ngày chị đều ở ga. Nếu đồng ý, em đặt cọc trước mỗi vé 100 ngàn đồng. Tuần sau chị giao vé và nhận số tiền còn lại".
"Cò" chèo kéo hành khách trước cổng Ga Hà Nội.
Vào đến sảnh nhà ga, chúng tôi tiếp tục được nhiều "cò" vé khác đeo bám, mời chào. Họ thường vào vai xe ôm để "qua mặt" lực lượng bảo vệ. Một "cò" trung tuổi tiếp thị: "Em đồng ý lấy vé, anh sẽ đưa em về nhà để ghi biên nhận và thu tiền đặt cọc. Bọn anh "bám rễ" hàng chục năm ở đây rồi, làm ăn đảm bảo uy tín".
Theo ghi nhận của PV, "phụ phí" thống nhất của các "cò" vé tại khu vực ga Hà Nội đi trong dịp Tết là 200 nghìn đồng cho mỗi vé. Những thành viên trong đội phải đảm bảo quy ước không được "phá giá". Đội ngũ "cò" đều khẳng định, hành khách mua vé loại nào cũng có, đi ngày nào cũng được, chỉ cần đặt cọc 100.000 đồng/vé và để lại thông tin người đi tàu, 1 tuần sau là có vé.
Bà Phùng Lý Hà, phó trưởng Ga Hà Nội thừa nhận, sau hơn một tuần tổ chức bán vé tàu Tết, đến thời điểm hiện tại vẫn có rất ít hành khách đến mua. Bình quân mỗi ngày Ga Hà Nội chỉ bán được 30 - 40 vé tàu Tết. Con số này tương đối thấp so với nhu cầu thực của hành khách đi lại trong dịp Tết. "Nếu hành khách không mua vé sớm để cận Tết mới bắt đầu đổ dồn đi mua, lợi dụng dịp đông người, các đối tượng phe vé sẽ ra sức chèo kéo, bắt chẹt hành khách. Chính vì thế, hành khách nên đi mua vé sớm, tránh tình trạng bị "cò" vé lợi dụng chặt "chém", bà Hà khuyến cáo.
Trước hiện tượng "cò" vé vẫn "lộng hành" làm "dịch vụ" xung quanh khu vực nhà ga, đại diện Ga Hà Nội cho biết đã thực hiện nhiều biện pháp xử lý nhưng do thiếu về nhân lực, chế tài nên gặp rất nhiều khó khăn. Lực lượng bảo vệ nhà ga túc trực thường xuyên không cho các đối tượng cò mồi, phe vé vào khu vực sảnh để chèo kéo khách. Nhà ga cũng liên tục phát thông báo tới hành khách cảnh báo không mua vé ở bên ngoài cửa.
"Tuy nhiên, lực lượng này chỉ có thể đuổi được các đối tượng phe vé ra khỏi khu vực quầy bán vé của ga. Nếu các đối tượng bán vé hoạt động dưới lòng đường Lê Duẩn thì chúng tôi cũng đành bó tay. Bởi địa phận này không thuộc quản lý của nhà ga", vị này nói.
Giá vé tăng 5% so với Tết Nhâm Thìn Được biết, Ga Hà Nội tổ chức bán vé tàu tết rộng rãi cho hành khách dưới nhiều hình thức tại các nhà ga như bán lưu động, qua hệ thống tin nhắn SMS. Nhân viên sẽ đưa vé đến tận nhà miễn phí trong phạm vi dưới 7km, thu phí dịch vụ đối với cự ly đưa vé từ 7km trở lên. Để điều tiết luồng hành khách, ngành đường sắt cũng sẽ điều chỉnh tăng giá vé tàu Thống Nhất đối với chiều đông khách tối đa là 3% so với Tết năm trước. Riêng trong thời gian cao điểm của Tết Quý Tỵ, giá vé sẽ được điều chỉnh tăng trung bình 5% so với Tết Nhâm Thìn 2012. |
A.V