Nhưng khi ra tòa, những kẻ buôn người "cáo già" vẫn luôn tìm cách giở mọi chiêu trò, liên tục phản cung, thậm chí "tố" bị điều tra viên ép cung khiến HĐXX phải quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.
Song, sự ma mãnh của chúng đã bị nữ kiểm sát viên điều tra đầy kinh nghiệm Huỳnh Thị Kim Thu "bóc mẽ"...
Chân dung gã hướng dẫn viên du lịch kiêm buôn người
Chị Huỳnh Kim Thu - kiểm sát hình sự tại VKSND thị xã Vị Thanh, tỉnh Cần Thơ (cũ) nói, ớn lạnh nhất đối với chị có lẽ việc được phân công đi cùng CQĐT khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi...
Chỉ mới ngửi mùi máu thôi chị đã hoa mắt chóng mặt, muốn ói chứ chưa nói gì đến việc phải đến bên tử thi, trực tiếp chứng kiến các bác sĩ pháp y mổ xẻ để xem xét và phán đoán nguyên nhân tử vong.
Nhưng rồi mọi khó khăn, nỗ lực của chị đã được ghi nhận. Từ một kiểm sát viên sơ cấp, chị đã trải qua vị trí phó viện trưởng VKSND thị xã Vị Thanh và giờ đây là phó phòng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự (VKSND tỉnh Hậu Giang).
Chị đã tham gia giải quyết được hàng trăm vụ án hình sự nghiêm trọng xảy ra tại địa bàn trong suốt 17 năm qua.
Gã hướng dẫn viên du lịch kiêm buôn người Nguyễn Hoài Thanh.
Trong thời gian công tác, chị Thu bảo khó khăn nhất là gặp phải các vụ án mờ, án truy xét... đặc biệt là một số vụ mua bán phụ nữ. Điểm chung của những vụ này là người bị hại sau khi bị bán qua Trung Quốc, trốn ra được mới tìm cách tố giác kẻ đã lừa đảo mình.
CQĐT chỉ có nguồn chứng cứ duy nhất là lời khai của những người vừa trốn về, còn nhân chứng, vật chứng, các tài liệu liên quan khác thì rất ít, thậm chí không thu thập được.
Vụ án Nguyễn Hoài Thanh phạm tội Buôn bán phụ nữ do chị làm kiểm sát điều tra xảy ra cách đây chưa lâu là một trong những vụ khiến chị phải "đau đầu".
Theo kết luận điều tra thì Nguyễn Hoài Thanh (SN 1981, ngụ tại số 157 ấp Hưng Thành Đông, xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) có nghề hướng dẫn viên du lịch và đang làm việc tại TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Qua một người bạn, Thanh có quen với một người tên Mây ở Kiến Thụy, Hải Phòng. Đầu năm 2009, Mây gọi điện cho Thanh nói là có người em tên là Ngô Văn Dương (SN 1981, trú tại TP.Hải Phòng) vào TP. Hồ Chí Minh tìm việc làm và nhờ Thanh giúp đỡ.
Gặp nhau ở TP. Phan Thiết, Dương nói với Thanh là mình có người chị gái đang làm nhà hàng tại Hồng Kông - Trung Quốc, cần tuyển nhân viên nữ, lương mỗi tháng là 15 triệu đồng. Dương cam kết nếu Thanh tìm người sẽ trả công cho 2 triệu đồng/một người. Nghe vậy, Thanh đồng ý và ráo riết tìm người theo yêu cầu của Dương.
Do có quen biết trước với chị Võ Thị Mộng Th. (quê ở tỉnh Hậu Giang nhưng đang làm tại TP.Phan Thiết) nên Thanh đã gặp Th. nói chuyện. Tin tưởng Thanh nên Th. đã đồng ý và rủ thêm hai người bạn nữa là Nguyễn Thị Kim Ng. (cùng quê) và Nguyễn Thị Nh. (quê ở huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang) cùng đi.
Có "hàng", Thanh cùng Dương đón xe ô tô khách đưa 3 cô gái trên ra Móng Cái - Quảng Ninh, sau đó đi đò sang Trung Quốc, đến nhà chị họ của Dương nghỉ lại qua đêm.
Sáng hôm sau, Thanh và Dương bán Th. cho một chủ chứa cũng tên Thanh với giá 7.500 nhân dân tệ (tiền Trung Quốc), còn Ng. và Nh. bị bán cho một người phụ nữ Trung Quốc khác (không biết tên) với giá 14.000 nhân dân tệ. Sau khi bị bán vào động mại dâm Th. và Nh. mỗi ngày phải tiếp ít nhất là 2 khách, nhiều nhất là 8 - 9 khách.
Sau hai tháng bị bán vào "tổ quỷ" một lần, lợi dụng sơ hở của bà chủ, Th. đã gọi điện về báo cho gia đình. Sau đó, chú ruột của Th. đã đến công an tỉnh Hậu Giang trình báo và công an tỉnh Hậu Giang đã báo lên C14 (nay là C45-bộ Công an) phối hợp với công an tỉnh Quảng Ninh, công an Trung Quốc giải thoát cho Th..
Khi Dương và Thanh đưa trót lọt ba cô gái sang Trung Quốc, Thanh được Dương trả tiền công 5 triệu đồng. Chưa dừng lại ở đó, Thanh còn tiếp tục đến nhà chị Nguyễn Thị B. (ở quận 6, TP. Hồ Chí Minh) nói là có người bà con làm nhà hàng ở Trung Quốc không có người phục vụ và nhờ chị B. giới thiệu người giúp. Nếu được, Thanh sẽ trả hoa hồng 3 triệu đồng/ người.
Chị B. đồng ý và đã tìm được 4 người gồm: Lê Thị Thu L. (quê xã Phong Hòa, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp); Huỳnh Thị Kim X. (quê ở tỉnh Đồng Tháp); Lin Đ. (chưa rõ địa chỉ) và Lê Thị Lo. ( SN 1972 là mẹ của Kim X.).
Cuối tháng 2/2009, Thanh mua vé máy bay cho 6 người (trong đó có cả Thanh và Dương) bay ra Hà Nội. Dương đã dẫn L. và Lin Đ. sang Trung Quốc trước và nói sẽ quay lại đón những người còn lại. Nhưng chờ đến 3 ngày vẫn không thấy Dương quay lại nên Thanh, B., Lo. và X. đã trở về Nam.
Đưa được L. sang Trung Quốc, Dương tiếp tục bán cô này vào động mại dâm của bà Thanh. Tại đây, L. đã gặp Nh. (người đã bị bán trước đây). Ngày 20/6/2009 Nh. và L. được một người Trung Quốc giúp đỡ trốn về Việt Nam.
Gần một năm sau, Nguyễn Thị Kim N. cũng đã tìm cách trốn thoát được về nhà. Riêng với Lin Đ., hiện vẫn chưa xác định được tung tích. Ngô Văn Dương đã bỏ trốn ngay sau khi bị phát hiện phạm tội, còn Nguyễn Hoài Thanh bị bắt từ ngày 19/11/2009. Mãi đến hơn một năm sau, vào ngày 13/06/2011, Dương mới bị bắt theo lệnh truy nã của CQĐT - công an tỉnh Hậu Giang.
Kiểm sát viên Huỳnh Kim Thu giữ quyền công tố tại một phiên tòa.
Giở trò ma mãnh vẫn không thoát tội
Thế nhưng trong quá trình truy tố, xét xử, Nguyễn Hoài Thanh và Ngô Văn Dương đều phản cung chối tội. Thanh khai rằng y không biết được mục đích của Dương là tìm phụ nữ đưa sang Trung Quốc làm gái bán dâm, bản thân Thanh cũng muốn đi làm như các bị hại. Thanh không nhận bất cứ khoản tiền nào từ Dương.
Số tiền mà Thanh khai tại CQĐT là tiền do Dương mượn Thanh trước đó. Về việc tại sao trước đây trong quá trình điều tra y khai nhận một đằng nay lại khai một khác, Thanh "nại" ra rằng sở dĩ có chuyện này là vì ĐTV đã ép buộc Thanh phải khai như vậy.
Ngoài việc chối tội, Thanh còn yêu cầu phải đưa chị B. vào vòng tố tụng với vai trò bị can, chứ không phải là người liên quan. Hắn luôn miệng đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Hậu Giang "giải oan" cho mình.
Còn Dương thì khai rằng không liên quan gì đến vụ án, y chỉ là người làm công, giúp việc, đưa đò chở người sang Trung Quốc. Thủ phạm của vụ án là Nguyễn Hoài Thanh và người tên Mây chứ không phải là hắn...
Là một người giữ vai trò kiểm sát điều tra, chị Thu bình tĩnh vạch ra các mâu thuẫn trong lời khai của các bị can. Theo kiểm sát viên Thu thì Thanh đang có nghề nghiệp hướng dẫn viên du lịch ổn định tại Bình Thuận, tự nhiên bỏ việc đi tìm người cho Dương rồi lại cùng với Dương đưa người sang Trung Quốc mà không nhận bất cứ đồng tiền công hay lợi ích vật chất là việc khó có thể xảy ra.
Đã thế, sau khi đưa chị Th., Kim Ng. và Nh. đi trót lọt, Thanh còn quay trở lại TP. Hồ Chí Minh lừa chị B., tiếp tục dụ dỗ thêm 5 phụ nữ khác cùng đi. Đây là việc làm có tính toán của các bị can chứ không phải như Thanh khai không biết gì.
Còn lời khai liên quan đến "số tiền vay" của Thanh đã bị chị Thu vạch trần bằng việc cho đối chất giữa hai bị can Thanh và Dương. Riêng việc Thanh "nại" đã bị ĐTV ép cung, chị Thu đã chủ động bàn với các cơ quan tiến hành tố tụng để làm sáng tỏ vấn đề.
Sau khi hồ sơ được trả lại để điều tra bổ sung, một đoàn kiểm tra liên ngành đã được thành lập. Sau một thời gian xác minh, đoàn thanh tra kết luận khi điều tra viên vào Trại tạm giam làm việc đều có sự chứng kiến của cán bộ trại. Việc khai báo của Thanh là hoàn toàn tự nguyện nên việc Thanh khai là bị ép cung là không có căn cứ.
Trò lấp liếm bị điều tra viên bắt bài Với Ngô Văn Dương, việc phản cung chối tội cũng đã bị nữ kiểm sát viên bác bỏ. Dương cho rằng việc đưa các cô gái ra biên giới chỉ là để tạo công ăn việc làm cho họ. Nữ kiểm sát viên truy: Tại sao có ý tốt như thế, bị can lại không thông qua các công ty môi giới, sao phải lén lút đi bằng đò ngang vào đêm tối và giữ hết CMND của họ. Chỉ là tìm việc giúp thì sao lại có sự giao dịch, trả giá giữa Dương và bà Thanh (chủ chứa)... Những lý lẽ cùng dẫn chứng nêu trên của nữ kiểm sát viên khiến bị can không lý giải được. Vụ án sau đó tiếp tục được đưa ra xét xử, Ngô Văn Dương, Nguyễn Hoài Thanh đều phải nhận mức án 10 năm tù giam như đề nghị của VKS. |
Vịnh Nghi