Chẳng biết từ bao giờ, MPK trở thành một phần của Đà Lạt. Nếu chịu khó lang thang phố núi, có thể người ta sẽ bắt gặp Phước khùng đang lui cui đâu đó chụp ảnh bằng cái máy cũ mèm. Hoặc, sẽ gặp gã ở cà phê Tùng, chiếc bàn trong góc cửa là nơi gã thường ngồi. Đây là quán cà phê nổi tiếng nhất Đà Lạt, ra đời năm 1958. Phước khùng cũng sinh năm 1958 và dường như cũng là kẻ thuộc hàng được biết đến nhiều nhất ở xứ sương mù.
Nguyễn Văn Phước
Tuổi thơ đầy bụi bặm
Nhắc tới thành phố Đà Lạt là ta phải nhắc đến Phước khùng, một nhiếp ảnh gia nổi tiếng bậc nhất ở thành phố sương mù hiện nay. Người dân ở đây quen gọi gã với biệt danh MPK (M - Michel tên thánh), PK (Phước "khùng"), bởi những phong cách chụp hình của gã chẳng giống ai.
Nguyễn Văn Phước sinh ra trong một gia đình khá giả trên đất Đà Lạt, Phước là con thứ 9, lại là con út nên càng được mọi người trong gia đình quan tâm chăm sóc. Tuổi thơ của Phước gắn liền với những giấc mơ rất hồn nhiên, Phước luôn mơ được bay như chim, nói chuyện với trăng sao gió mây Phước muốn tự tìm cho mình những triết lý riêng, vậy là Phước đùng đùng ra đi từ đó mọi người xung quanh gọi Phước với biệt danh "khùng". Phước khùng bắt đầu đi bụi đời khi mới 13 tuổi, mọi người nói gã là đi bụi đời nhưng đối với gã bụi đời là hạt bụi lăn vào đời, gã muốn mở trang sách cuộc đời ra để cảm nhận bằng tất cả ngũ quan, nhằm mục đích gì thì chưa biết, cứ cảm nhận cuộc đời cái đã.
Phước “khùng” tự mình quăng vào đời sống ồn ã, tự kiếm việc làm thuê để sống, vất vả có, bị hắt hủi có, sau này tù tội cũng có. Lạ một điều bụi đâu thì bụi, có một thời gian dài cứ 8h sáng là gã có mặt ở thư viện trên đường Thủ Khoa Huân (Đà Lạt) để đọc sách. Nhiều lúc gã đọc từ sáng đến tận chiều tối, quên cả ăn trưa đến khi thư viện đóng cửa mới chịu về. Đọc rồi còn viết truyện, làm thơ, cứ linh tinh cả. Nhiều lúc đọc lại mình tự cười thích lắm rồi, Phước “khùng” tâm sự.
Lăn lộn ngoài cuộc sống với những hành tung bất định, Phước khùng phải cái tội hay nghĩ, hay suy tư và buột miệng nói ra những điều kỳ quặc, quái dị. Bạn bè bụi đời, dân lao động, bạn bè nghệ sĩ sau này cứ nhắc đến là gọi thằng khùng nhưng ai nấy đều yêu mến gã. Phước “khùng” tâm sự: "Khi tôi 14 tuổi, một hôm đủ tiền phì phèo điếu Capstan bên ly đen, trong quán người ta mở đĩa Select songs của Christoph, mải nghe, say quá, nghe như quên hết, đến bài thứ 8, tự mình nhập vào một trạng thái rất la. Một người la lên: "Ê Phước!". Tôi ngơ ngác nhìn ra, biết điếu thuốc đã cháy vào ngón tay rồi, nhưng không thấy đau đớn! Nỗi đau nhân thế trong lòng hình như tan biến.
Đấy là lần đầu trong đời nhận ra một lẽ gì quan trọng. Nhiều năm sau, tôi càng ngẫm về những điều gần gũi với sự giải thoát, con đường thanh lọc tâm hồn, đôi mắt nhìn nhận thiên nhiên và cuộc sống, con đường tự trải, tự tri, tự ngộ. Rồi tôi tự thấy mình trở thành Phật tử lúc nào không biết. Mặc dù ngày xưa, tôi lớn lên trong một gia đình Công giáo".
Cứ lăn lộn như thế, gã ngày càng coi trời bằng vung, đến năm 15 tuổi gã khùng đã biết nhảy đầm, rồi sa chân vào chốn ăn chơi hư hỏng bởi cái sống gấp và thực dụng thời đó. Rồi một thời gian gã phải trả giá cho những cuộc ăn chơi vô độ của mình, lúc đó gã mới thấm thía hết cuộc đời của thằng dân bụi, gã bắt đầu cảm thấy cô đơn đến kinh sợ. Những lúc ấy quán cà phê Tùng ở phố núi Đà Lạt, đã chia sẻ nỗi cô đơn và nhen nhóm lên trong gã một lẽ sống có ý nghĩa hơn ở đời này. Gã muốn làm một cái gì đó để thay đổi cuộc đời, thay đổi bản thân gã nhưng gã không biết bắt đầu từ đâu. Bây giờ quan trọng nhất đối với gã là giải quyết cái ăn cho qua ngày, thế là gã bắt đầu xin đi bốc vác hàng hóa ở các khu chợ trên Đà Lạt. Mỗi ngày công việc bốc vác gã cũng kiếm được 36 đồng, gã bắt đầu cảm thấy trân trọng những đồng tiền kiếm được bằng mồ hôi công sức của mình và cuộc sống bắt đầu có ý nghĩa đối với gã.
MPK đang chụp hình
Gã khùng trở thành nghệ sĩ
Phước “khùng” đang dần quen với công việc bốc vác hàng ngày. Tuy nhiên, chợt một lần đi chơi xuân với nhóm bạn, thấy mấy người bạn làm nghề chụp hình cho khách du xuân trên Đà Lạt, công việc chỉ là bấm tạch, tạch mỗi một tấm đã có 3 đồng, gã nghĩ số tiền kiếm được mỗi ngày như thế cũng bằng cả tháng trời gã làm nghề bốc vác. Bắt đầu trong đầu gã hiện lên hình ảnh mình cầm máy ảnh và chụp liên tục cho khách không chút ngơi tay chẳng mấy chốc đã kiếm được bộn tiền. Để biến ước mơ thành hiện thực, ngay sau hôm đó gã bắt đầu dành dụm từng hào một từ việc bốc vác hàng ngày của mình. Sau một thời gian làm việc tích cực, gã đã dành dụm được 30 ngàn và mua cho mình một chiếc máy ảnh Nikon SM2 để bắt đầu công việc chụp ảnh thuê.
Khi mới vào nghề chụp ảnh, gã thường chạy theo du khách lên các đồi ở Đà Lạt, vào rừng thông, đi thăm thác để chào mời, bấm máy cho người ta. Vào mỗi dịp tết nhu cầu chụp hình của khách rất nhiều, có khi kiếm được vài ba chỉ vàng một ngày. Có nhiều tiền quá dễ dàng, gã lại trở về cuộc sống ăn chơi, nhậu nhẹt như lúc xưa. Tự dưng một hôm, đang bước theo khách bỗng gã sực nghĩ: "Trời ơi Phước, mày có biết cứ đi thế này mãi rồi mày thành con heo không. Ngước nhìn bầu trời lộng lẫy, gã đưa bàn tay lên, tay kia bấm một nhát, thu trọn bàn tay chới với mây trời lồng lộng".
Bức ảnh này đã nghiệm cho gã một suy nghĩ và đi đến một lẽ sống: "Có nghĩa là trên đời này, khát vọng của con người luôn vô hạn nhưng sức con người thì chỉ có hạn. Nếu sống chỉ biết kiếm tiền, ăn nhậu, chơi bời thì không biết bao nhiêu cho thỏa mãn dục vọng". Gã nghĩ sự giả dối trên đời này sẽ bớt đi khi lòng tham của con người được lắng xuống. Từ đó gã bỏ nghề làm nhiếp ảnh kiếm tiền khách du lịch mà lao vào con đường ảnh nghệ thuật để làm đẹp cho đời như một lẽ sống tự nhiên.
Có bao nhiêu tiền, gã dốc ra mua phim chụp chơi. Hơn 20 năm qua, đó là niềm đam mê lớn nhất của gã. Thậm chí, nghiện bấm máy đến nỗi rình một hạt sương cũng phải bấm cho sướng tay, cho đủ các góc của nó. Thế mà hầu như không hỏng, mà gã lại được những bộ ảnh với nhiều vẻ đẹp khác nhau về một đối tượng. Mà đối tượng của gã là hoa, lá, quả, mưa, trăng, sương, nhụỵ hoa, nắng và gió, lại có mắt của biết bao côn trùng, có cả những cái bóng của người in trên mặt đất nữa với những hình dáng tự tri, tự kỷ, tự thắng.
Bao nhiêu điều giản dị và nhỏ bé bị xao nhãng, bị quên lãng, thậm chí bị sự phũ phàng giẫm lên, thế mà vào khi vào ống kính của gã, chúng run rẩy, long lanh, huyền nhiệm, chúng muôn màu sắc và hình thức, chúng làm gã cũng run lên và phấn chấn như trẻ con luôn lạ lẫm và ngơ ngác trước vạn vật. Gã tâm sự có lần ngồi bên bờ sông Hoài, nhìn phố cổ Hội An lung linh trong nước đang lay động, nước rung nhẹ đủ để không vỡ hình, phố đang uốn éo như một vũ điệu mà kết thúc sẽ là sự tan biến. Gã quỳ xuống bấm một tràng dài. Có lúc rình chụp hoa đẹp ở trên, bất thần nhìn xuống thấy sương lung linh bé xíu trong gốc cỏ.
Tác phẩm trong bộ ảnh Mầm của MPK
Với hơn 20 cuộc triển lãm ảnh, mỗi lần hàng trăm bức, hầu hết là triển lãm cá nhân, bắt đầu từ năm 1993 tại nhiều tỉnh thành như: TP.HCM, Đà Lạt, Đà Nẵng, Vũng Tàu, đến Sương tháng Tư (ở Việt Art Hà Nội). Trong mỗi bức ảnh của gã đều mang các trạng thái, vị trí, sắc màu khác nhau của những giọt sương, đã chứng minh những chân lý giản dị như thế. Bởi vì chúng đẹp một cách sinh động và huyền diệu, nên chúng xứng đáng là những phần không thể thiếu của đời sống kỳ vĩ này. Người ta hỏi gã: "Qua những bức ảnh, những triển lãm của mình, anh muốn thể hiện điều gì?". Gã trả lời: "Nói thế nào nhỉ! Chỉ vì đẹp mà thôi! Tôi muốn chụp chúng vì chúng đẹp! Tôi muốn cảm nhận, chiêm ngưỡng mà không nói".
Phước “khùng” quan niệm khi con người nhìn thấy vẻ đẹp của thiên nhiên thì tâm hồn họ sẽ được bình an và khi đó họ mới biết yêu nhau một cách trọn nghĩa. Con người là một thực thể của thiên nhiên nên phải hòa vào thiên nhiên. Cho nên các bộ ảnh của Phước “khùng” hoàn toàn lấy từ thiên nhiên một cách thật thà không dàn dựng, không photoshop. Phước “khùng” hồn nhiên, nhưng đấy là cái hồn nhiên của một người lớn tuổi đã trải qua nhiều thăng trầm của cuộc đời, chứ không phải cái hồn nhiên nhăng nhít được nữa. Sáng tạo, chính là nằm trong sự hồn nhiên đó.
Nỗi buồn khi "Đà Lạt không còn là Đà Lạt" Suốt mấy chục năm qua, gã lăn lộn như người hoang, đi khắp các ngõ cùng xóm cụt để theo chim, bướm, hoa lá, mây trời, sương gió mà thỏa chí đam mê cái nghề nhiếp ảnh tự do của mình. Gắn bó gần cả đời với thành phố hoa, gã tường tận từng bờ cỏ, hàng rào hoa dại. Mỗi đổi thay nhỏ của thành phố này gã đều nhận ra. Gã khẳng định một cách cực đoan rằng Đà Lạt bây giờ không còn là Đà Lạt nữa. Gã đang nhớ về Đà Lạt những năm xưa, đến cái hoa dại bé tí rung rung trong gió sớm cũng đẹp. Bây giờ phố núi đang nóng dần lên, hoa anh đào xuân nở, xuân không, còn dã quỳ nở loạn cả lên vì thời tiết bất thường. |
Luôn săn tìm sự trong trẻo, tinh khôi Hàng ngày, cứ từ 5h đến 8h sáng, người dân Đà Lạt luôn gặp một gã khùng, cao dong dỏng, tóc xõa buông thả xuống quá vai, râu ria lởm chởm, ăn vận bụi bặm, xộc xệch. Gã bước lững thững như vô định qua khắp các vạt cỏ, chân đồi, rặng cây, rừng và thác hoặc đi, hoặc loay hoay các kiểu, hoặc nằm dài trên cỏ ướt chờ đợi, rình rập. Bạn bè mắng gã: "Khùng kia! Việc gì phải lê la cho tội! Cứ phun nước máy làm sương rồi chụp có phải hơn không!". Gã thầm tự nhủ: "Bọn chúng chả biết được rằng, nước máy đã bị đục rồi, còn sương trong trẻo lắm, có chụp sương mới thấy nó tinh khiết, khôi nguyên và tươi sáng. Sự phản màu của cảnh vật xung quanh vào sương non ấy, đỏ, xanh, vàng cũng êm dịu, tươi tắn”. Rõ ràng những điều khác người của gã đã làm cho gã trở thành một nhiếp ảnh gia lập dị nhất Việt Nam hiện nay. |
Thế Quyết - Hoàng Minh