Gã trai trộm laptop về chỉ để... ngắm
Ngày 25/9, công an phường Dịch Vọng Hậu Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, đang tạm giữ Vũ Thành Chung (sinh năm 1977, ở Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) để làm rõ hành vi trộm cắp tài sản. Trước đó, ngày 24/9, siêu thị điện máy Pico, Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội phát hiện một đối tượng nghi trộm cắp đã báo công an phường Dịch Vọng Hậu.
Tại cơ quan công an, Chung khai nhận, trước đó đã gây ra nhiều vụ trộm cắp ở các siêu thị điện máy khác. Bất kể camera, nhân viên bán hàng khá đông, sau vài vòng lượn quanh các siêu thị điện máy ở Hà Nội, gã trai đã nhanh chóng khoắng hàng cho vào túi rồi nhanh chân chuồn mất. Sau khi tốt nghiệp một trường cao đẳng, Chung làm nhân viên cho một công ty dịch vụ viễn thông. Gia đình khá giả không để Chung thiếu thốn gì nhưng anh ta lại có sở thích trộm đồ công nghệ. Những thứ trộm được Chung không đem bán, cũng không đem ra sử dụng mà anh ta chỉ để ở nhà để... ngắm.
Đối tượng Chung có sở thích quái gở trộm laptop về… ngắm.
Cách đây khoảng một tháng, tại siêu thị Pico, Xuân Thủy, Chung cũng lấy một máy tính xách tay nhãn hiệu Vaio màu trắng, trị giá khoảng 26 triệu đồng. Khoảng tháng 4/2013, tại siêu thị HC - Phạm Văn Đồng, Chung lấy trộm một laptop nhãn hiệu Tosiba PT 320L 00T009. Ngày 14/9, tại siêu thị điện máy Cầu Giấy, anh ta trộm 1 Samsung Galaxy note 3.
Theo tìm hiểu của PV, đây không phải là trường hợp hy hữu mà thực tế rất nhiều trường hợp có sở thích quái gở như: Ngửi mùi quần áo mới, ngắm đồ công nghệ… phải nhập viện tâm thần. Các bác sỹ cho hay, phần lớn những người có biểu hiện "nghiện" - có sở thích gì đó thái quá được xem là một hành vi bất ổn của con người. Tuy nhiên, trong nền y học hiện đại bây giờ, đó là một loại bệnh chứ không đơn thuần là tính cách như nhiều người vẫn nghĩ.
Trao đổi với PV, bác sỹ Nguyễn Văn Dũng- Viện Sức khoẻ tâm thần quốc gia cho biết, ông đã trực tiếp điều trị bệnh cho hai bệnh nhân nam mắc chứng "nghiện" đồ công nghệ và quần áo hàng hiệu. Họ phải nhập viện điều trị vì rối loạn tâm thần với những biểu hiện "ảo thị". Lý giải về những bệnh nhân bỏ tiền ra mua đồ công nghệ về chỉ để… ngắm, bác sỹ Dũng cho hay: "Những người bị ảo thị, họ sẽ bị chi phối về hình ảnh mà mình đã nhìn thấy. Chỉ cần nhìn thấy chiếc máy tính, Iphone… là họ không cưỡng lại được. Trong đầu nghĩ ra mọi cách để sở hữu nó, thậm chí là trộm cắp".
Đặc biệt, trong một lần đến làm việc tại bệnh viện Tâm thần Trung Ương, chúng tôi đã được bác sỹ Nguyễn Thị Hương Xuân, nguyên trưởng khoa Tâm thần Nhi (Khoa 3, bệnh viện Tâm thần Trung ương I) kể về trường hợp của nhiều bệnh nhân đến điều trị tại khoa tuổi đời còn rất trẻ. Đa số các trường hợp này là do những phản ứng với bố mẹ và do các em nghiện "công nghệ". Nhiều em phát cuồng về những món đồ công nghệ như: Iphone, máy tính bảng… có ứng dụng cao để khám phá "thế giới thu nhỏ". Thế nhưng, ngay khi cha mẹ các em từ chối đòi hỏi, lập tức các em rơi vào stress và mắc bệnh tâm thần, trầm cảm không giao tiếp với những người xung quanh.
Bác sỹ Dũng cũng kể về trường hợp một bệnh nhân tên Vũ Thanh B. (Hà Nội) có sở thích quái gở ngắm quần áo hàng hiệu. B. nhập viện trong tình trạng rối loạn tâm thần. Vốn gia đình có điều kiện, từ nhỏ B. luôn được mẹ sắm đồ xịn nên lúc nào cậu cũng mê mẩn với thú mua sắm quần áo hàng hiệu. Sở thích đó lại càng trỗi dậy trong B. khi cậu thường xuyên được mua đồ hàng hiệu xách tay từ nước ngoài về. Điều này làm cuộc sống của B. hoàn toàn bị đảo lộn và gây cho cậu những khó khăn về cảm xúc. Trừ thời gian đi làm, hễ về nhà là B. lại lôi đống đồ hàng hiệu ra ngắm. Hễ vào ngày nghỉ cuối tuần B. lại tìm đến các shop đồ hiệu để được chiêm ngưỡng những món đồ mình thích. B. mua đồ về chất đầy không phải do nhu cầu sử dụng mà B. không thể cưỡng lại được ham muốn phải sở hữu bằng được món đồ mà mình thích chỉ để… ngắm.
Ảnh minh họa
Thích ngắm đồ vật - Rối loạn tâm thần?
Nhận định về thực trạng có nhiều bạn trẻ phải nhập viện vì "nghiện" ngắm đồ vật, bác sỹ Dũng gọi đó là một tình trạng rối loạn hành vi được điều khiển bởi các xung động cưỡng chế mà người mắc phải không thể kiểm soát được. Người mắc chứng ảo thị thường bị thôi thúc bởi cảm giác phải sở hữu những món đồ mà đôi khi nó không thật sự cần thiết cho bản thân họ và cho những người xung quanh. Khởi đầu của quá trình đi mua sắm bao giờ cũng giống nhau, lúc đầu họ bị thôi thúc bởi ý nghĩ phải đến siêu thị, lúc đó họ chỉ nghĩ mình đến để xem hoặc mua một đến hai món đồ với những mục đích rõ rệt. Tuy nhiên, khi ra về họ thường mang theo rất nhiều thứ mua được mà đôi khi họ cũng không biết mua với mục đích gì và có thể họ sẽ chẳng bao giờ sử dụng chúng. Với những người "nghiện" đồ vật khi trong túi không có tiền thì họ lại nảy sinh ý xấu trộm cắp vặt.
Theo bác sỹ Lê Minh Công - Phó trưởng khoa Tâm lý lâm sàng, bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, với những người gặp phải chứng bệnh thích ngắm đồ vật, khi họ đến những nơi mua sắm thường có những biểu hiện háo hức, cơ thể bắt đầu chiết xuất ra chất cacbolin kích thích các dây thần kinh khiến tim đập nhanh, rộn ràng, phấn khích. Ngược lại, khi không được đến các trung tâm mua sắm, không được nhìn thấy hàng hóa, đồ vật họ sẽ trở nên bực dọc, cáu bẳn, bức xúc trong người hoặc nặng hơn là la hét, đập phá đồ đạc.
Cũng theo BS. Công, có những bệnh nhân có biểu hiện bị loạn đồ vật, tức là họ chỉ muốn nhìn thấy đồ vật mà họ thích. Cũng có những bệnh nhân bị chứng "ảo thị" hoặc "ảo thanh", luôn nhìn thấy hoặc nghe có tiếng nói trong đầu (như có người nói thật) xui khiến mua thứ này thứ kia mà không cưỡng lại được. Với những người mắc bệnh nặng còn trộm cắp để thoả mãn nhu cầu của mình.
"Với những người trẻ, nguyên nhân chủ yếu khiến họ mắc vào chứng bệnh này là vì tâm lý ham chơi, tò mò, thích ăn diện, sính hàng hiệu… Cũng có những người trẻ tìm đến mua sắm như một cách trốn tránh những áp lực của cuộc sống, nỗi cô đơn hoặc những sang chấn tâm lý trong cuộc sống gia đình, công việc và dần trở thành nghiện", bác sỹ Công khuyến cáo.
Theo các bác sỹ sức khỏe tâm thần, hiện chưa có một loại thuốc nào đặc trị căn bệnh này. Phương pháp điều trị chủ yếu vẫn là các biện pháp tâm lý trị liệu. Bên cạnh đó, còn phải sử dụng các biện pháp giúp ổn định hành vi. Các thuốc bổ trợ trong quá trình điều trị sẽ giúp loại bỏ động cơ thúc đẩy. Nếu được chẩn đoán và điều trị, bệnh nhân có thể khỏi hoặc giảm bệnh trong thời gian rất ngắn. |
Ngân giang