Một tiểu phẩm hài có nhân vật là một người Trung Quốc, giả làm người châu Phi đã bị chỉ trích là phân biệt chủng tộc sau khi được phát sóng trên chương trình truyền hình Tết Nguyên đán ở Trung Quốc, mặc dù một số người ở quốc gia này vẫn không hiểu họ đã vô tình xúc phạm điều gì, theo Washington Post.
Gala Năm mới là chương trình giải trí dịp Tết Nguyên Đán hàng năm của đài CCTV, thu hút được lượng khán giả lên đến 800 triệu người và được cho là một trong những chương trình được xem nhiều nhất trên thế giới.
Đoạn tiểu phẩm gây tranh cãi mang nội dung tôn vinh quan hệ Trung - Phi vốn trở nên sâu sắc trong vài năm trở lại đây, nhưng có nhiều quan điểm nói cách thể hiện của nhà đài Trung Quốc bị phản cảm về mặt văn hóa.
Đoạn kịch dài 13 phút mở màn với bản nhạc Waka Wak của nữ ca sĩ Colombia Shakira, với sự tham gia của những người châu Phi mặc trang phục ngựa vằn, sư tử và các nữ diễn viên đóng vai tiếp viên trên tuyến đường sắt cao tốc do Trung Quốc mới xây ở Kenya.
Sau đó một người phụ nữ da đen đề nghị người MC nam giả vờ làm chồng để mẹ cô gái không bắt cô đi xem mặt. Một nữ diễn viên Trung Quốc bước vào sân khấu - đóng vai mẹ của cô gái châu Phi bằng cách tô mặt với màu da nâu, độn ngực, độn mông, theo sau bởi một diễn viên trong bộ trang phục khỉ.
Tuy nhiên, người vợ thực sự của nam MC sau đó xuất hiện khiến màn lừa dối chấm dứt. Nhưng người mẹ châu Phi vẫn vui vẻ nói bà không tức giận vì "Trung Quốc đã làm rất nhiều cho châu Phi".
"Tôi yêu người Trung Quốc! Tôi yêu Trung Quốc ", nữ diễn viên đóng vai người mẹ châu Phi hô lên.
Dù vở kịch nhằm tôn vinh quan hệ Trung - Phi, vụ việc gây ra những lời chỉ trích lan rộng trên các phương tiện truyền thông xã hội bên ngoài Trung Quốc, với nhiều người ở châu Phi hoặc cộng đồng Châu Phi ở các quốc gia khác.
Ở Trung Quốc, các nhóm người châu Phi phàn nàn nhiều trên các kênh thảo luận xã hội trên mạng. "Đây là chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, các phương tiện truyền thông nước ngoài sẽ nổ tung", một người dùng viết trên Weibo .
Một số ý kiến của người Trung Quốc lại cho rằng, điều này hoàn toàn bình thường. "Đây là chương trình được phát sóng vào dịp tết Nguyên đán. Nếu có bất kỳ hành vi phân biệt chủng tộc thì nó đã không được chiếu", Xue Lixia, 20 tuổi, nói.
Xã hội Trung Quốc phần lớn là dân tộc Hán và sự nhạy cảm về chủng tộc nói chung ít rõ rệt hơn so với phương Tây. Hành vi tô mặt giả vờ làm người da đen đặc biệt gây khó chịu ở Mỹ vì mối liên quan chặt chẽ với chế độ nô lệ và sự ám ảnh chống lại người Mỹ gốc Phi.
Truyền hình Trung Quốc từng bị cáo buộc về phân biệt chủng tộc trước đây. Trong một quảng cáo được phát sóng vào năm 2016, một phụ nữ Trung Quốc trẻ tuổi đã sử dụng chất tẩy rửa để thay đổi một người đàn ông da đen trở thành một người đàn ông Trung Quốc thanh lịch. Đơn vị sản xuất sau đó đã phải lên tiếng xin lỗi.