Một năm khó khăn của nền kinh tế
Giữa vòng xoáy của đại dịch Covid-19 trong năm 2021 và sức ảnh hưởng tàn khốc của nó, nhiều doanh nghiệp trải qua những khó khăn chưa từng có. Đã có nhiều doanh nghiệp không trụ nổi và buộc phải rút lui khỏi thị trường. Cũng có thời điểm, hoạt động sản xuất bị đình trệ, nền kinh tế có dấu hiệu đứt gãy.
Một khảo sát trong năm 2021 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, xấp xỉ 94% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch, khoảng 71% doanh nghiệp tiếp tục giảm doanh thu so với năm trước đó, 96% doanh nghiệp gặp các vấn đề liên quan đến tiếp cận khách hàng, mất cân đối dòng tiền, quản lý nhân công hoặc đứt gãy chuỗi cung ứng.
Các số liệu từ điều tra toàn quốc của VCCI chỉ rõ, 91% doanh nghiệp đã phải chấp nhận giảm quy mô lao động trong thời kỳ dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Cùng với đó, dù đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm, tuy nhiên giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2021 vẫn còn rất chậm.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương nhìn nhận, nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021 có rất nhiều khó khăn và thách thức đan xen. “Đây là năm thứ hai liên tiếp nền kinh tế đối mặt với thách thức về ổn định vĩ mô, sản xuất kinh doanh, lao động, việc làm, an sinh xã hội, an ninh trật tự an toàn xã hội”, Thứ trưởng nói.
Thực tế cho thấy, dù đã có rất nhiều chính sách để vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa khôi phục phát triển kinh tế, xã hội nhưng Việt Nam vẫn không thể đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra từ đầu năm.
Còn nhớ tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội của Quốc hội ngày 9/11, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, 4/12 chỉ tiêu Quốc hội giao sẽ không đạt được, trong đó có tăng trưởng GDP ở mức 6%. Một con số tăng trưởng GDP cả năm 2021 được người đứng đầu Bộ này đưa ra là ở mức 3,5 - 4%.
Còn tại buổi tổng kết kinh tế 2021 vừa qua, Tổng cục Thống kê đã công bố kết quả tăng trưởng GDP năm 2021 đạt 2,58%. Với kết quả này thì trong 2 năm liên tiếp, Việt Nam đã không hoàn thành kế hoạch tăng trưởng, không đạt được mục tiêu chung của kế hoạch 5 năm 2021 – 2025.
Năm 2021 cũng là năm mà hàng loạt các chính sách hỗ trợ được đưa ra để hỗ trợ doanh nghiệp, tuy nhiên, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đưa ra rất kịp thời và có ý nghĩa nhưng chưa đủ về phạm vi, quy mô để nền kinh tế sớm phục hồi và tăng trưởng trở lại như trước khi có dịch.
Ông cho rằng, suy giảm kéo dài sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, các kế hoạch 5 năm, chiến lược 10 năm và có nguy cơ lỡ nhịp với xu hướng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.
Nói về triển vọng kinh tế trong năm 2022, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5% sẽ là bài toán nhiều thách thức, nhiệm vụ trong năm cũng sẽ nặng nề hơn năm 2021. Động lực giải pháp để thực hiện thành công kế hoạch năm 2022 sẽ cần rất nhiều động lực.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, với kịch bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra, nếu triển khai nhanh đề án Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022 - 2023 thì Việt Nam có thể lấy lại được tốc độ tăng trưởng 6% trong năm 2022
Thu hút đầu tư vượt khó, xuất nhập khẩu lập kỷ lục
Giữa khá nhiều thông tin kém tích cực thì điểm sáng nổi bật của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021 chính là thu hút đầu tư nước ngoài.
Tính đến ngày 20/12/2021, đã có 31,15 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, tăng 9,2% so với năm 2020. Số vốn này được rót vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo có vốn lên đến 12,78 tỷ USD, chiếm 58,2% tổng vốn đăng ký- đây cũng là lĩnh vực dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Đánh giá về vấn đề này, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng: “Số lượng cam kết của các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam vẫn tăng bất chấp những trở ngại của đại dịch là điều rất đáng mừng. Thực tế, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước khi công tác nước ngoài đều gắn với xúc tiến đầu tư, đây là một hiệu ứng rất tốt cho triển vọng đầu tư nước ngoài tại Việt Nam”.
Đồng quan điểm, TS.Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư nước ngoài (VAFIE) nhìn nhận: "Kết quả tích cực từ thu hút đầu nước ngoài cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt niềm tin rất lớn vào mắt xích Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu".
Ông cho rằng, các địa phương cần tiếp tục chuẩn bị tốt nguồn lực để kêu gọi sự quan tâm của các nhà đầu tư. Đặc biệt, phải nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công để tạo sự lan toả đến đầu tư tư nhân và khu vực FDI.
Bên cạnh đó, vị Phó Chủ tịch VAFIE cũng nhấn mạnh việc Việt Nam cần tích cực và hiệu quả thế mạnh của các hiệp định thương mại tự do đã ký nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động thương mại quốc tế, đẩy mạnh xuất khẩu, đồng thời tăng cường cơ hội thu hút và tận dụng dòng vốn FDI vào thị trường trong nước.
Bên cạnh việc thu hút đầu tư nước ngoài vượt khó, một kết quả khá sáng của nền kinh tế 2021 chính là kim ngạch xuất nhập khẩu lập kỷ mới, vượt mốc 600 tỷ USD.
Cụ thể, tính chung năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước và là mức cao kỷ lục mới. Trong năm 2021, Việt Nam có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, kết quả này đã đưa Việt Nam vào top 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Nhìn chung, xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường trọng điểm đều duy trì được tốc độ tăng trưởng cao.
Ngoài ra, các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, đã qua giai đoạn thực thi ban đầu, các doanh nghiệp đã dần thích nghi với các cam kết của Hiệp định cùng với lộ trình thuế nhập khẩu của các đối tác sẽ tiếp tục được xóa bỏ hoặc cắt giảm, tạo thêm lợi thế cạnh tranh cho hàng của Việt Nam.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, sau 3 năm thực hiện Hiệp định CPTPP và hơn 1 năm thực hiện EVFTA đã có những tác động rất tích cực đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, nhất là từ những thị trường mà Việt Nam chưa từng ký FTA. Đơn cử, nhờ CPTPP, xuất khẩu hàng hóa sang Canada, Mexico và Peru đều có mức tăng trưởng từ 25 - 30%/năm.
Riêng với thị trường EU, Việt Nam đã được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) nhưng EVFTA mở ra những cơ chế ưu đãi mang tính chất bền vững, lâu dài.