Ngày 28/12, tọa đàm “Xây dựng chính sách pháp luật thúc đẩy sự phát triển của trò chơi trực tuyến tại Việt Nam” được tổ chức trong bối cảnh chuyển giao mạnh mẽ các hình thức giải trí trên nền tảng KHCN.
Phát biểu tại Toạ đàm, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông nhận định, ngành game đang là một mũi nhọn trong nền kinh tế số của Việt Nam.
Tới thời điểm hiện tại, trào lưu toàn cầu KHCN hay xuất khẩu nội dung số, ngành game mobile như một điểm sáng bởi có thể tiếp cận được thị trường người dùng trên toàn cầu.
Ông lấy ví dụ về công ty Sky Mavis sáng tạo game Axie Infinity đã tạo được tiếng vang trên toàn cầu trong thời gian qua. Từ đó, có thể thấy rõ tiềm năng của game mobile Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp công nghệ điện tử Việt Nam nói riêng trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, ngành này cũng đang đối mặt với nhiều rào cản về vấn đề pháp lý cho doanh nghiệp như thủ tục đăng ký hoạt động, tính toán tài sản số ra sao, thuế được quy định gồm những gì. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cũng như xã hội còn nhiều câu hỏi cho sự đóng góp của ngành này đối với kinh tế - xã hội Việt Nam.
Bởi trong sức nóng về các vấn đề tài sản số, đồng tiền số thời gian vừa qua, một mặt góp phần thúc đẩy cho công nghệ, một mặt khác lại tạo ra nhiều lo lắng, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta chưa có hành lang pháp lý rõ ràng, quy trình về mặt phát hành tài sản chưa sẵn sàng, sẽ gây ra nhiều vấn đề về tranh chấp hay xu thế lừa đảo người dùng qua không gian mạng.
Tiềm năng lớn cần được bảo vệ bởi luật pháp
Theo ông Dương Vi Khoa, Phó Chủ tịch Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam, game online cũng đã được phát triển gần 20 năm, gần đây bắt đầu có sự phát triển lên hệ thống game thể thao và trở thành một bộ môn thi đấu thể thao điện tử.
Sau này nhờ công nghệ livestream, bộ môn này lại càng phát triển mạnh mẽ hơn và trở thành xu hướng của giới trẻ hiện đại không chỉ ở Việt Nam mà trên cả toàn cầu.
Điều đó cho chúng ta thấy, thị trường công nghệ số nói chung và game nói riêng đang phát triển rất mạnh. Do đó, khi có chính sách, yếu tố hỗ trợ từ các cơ quan quản lý một cách chính thống, phù hợp, ngành này có thể phát triển vượt bậc hơn.
Ông lấy ví dụ như việc game thi đấu được Nhà nước chính thức coi là một bộ môn thể thao, thì có thể đi thi rất nhiều các cuộc thi lớn trên thế giới cũng như khu vực, phải kể đến SEAGAME, ASIAD…Từ đó tạo nên tên tuổi của quốc gia trên thị trường quốc tế cũng như thu hút nhiều nguồn lực đầu tư, hợp tác.
Về vấn đề này, CEO 9x Nguyễn Thành Trung, Founder & CEO công ty Sky Mavis chia sẻ, nhìn từ góc độ tích cực, thực tế cho thấy, từ đầu năm 2021, sự tác động của blockchain, game blockchain lên thị trường là rất lớn.
Ông cho biết, từ vị trí một nước phát triển, phát hành game, thì giờ đây Việt Nam chúng ta còn đang được biết đến là một quốc gia có phong trào cũng như năng lực rất mạnh trong việc xây dựng game trên nền tảng blockchain.
Đối với những người làm game như CEO Trung, đây như một luồng gió mới. Bởi, thay vì vật lộn với thị trường game truyền thống vốn đã rất cạnh tranh, thì hiện giờ có rất nhiều động lực để làm ra sản phẩm lớn hơn nữa, phục vụ thị trường.
Đối với doanh nghiệp blockchain nói riêng và khởi nghiệp nói chung, đều đang rất sôi sục với những dự án mới. Ông cho rằng đó là một điều đáng mừng trong cách thức tiếp cận vấn đề, nhìn nhận thị trường của doanh nghiệp.
Khi trả lời về vấn đề game có ảnh hưởng như thế nào đối với các ngành nghề khác, ông Trung bộc lộ quan điểm cá nhân, từ những ngày đầu thành lập công ty, với anh, game là một hình thức hiệu quả, đưa mọi người, kể cả những người ít tiếp xúc với công nghệ, có thể biết tới công nghệ mới.
Sau một thời gian, thực tế chứng minh đây là suy nghĩ đúng. Ông ví dụ, trước đấy có những người thậm chí chưa có tài khoản ngân hàng, nhưng thông qua game đã lập tài khoản, ví điện tử, thực hiện trao đổi, mua bán qua công nghệ số…
Nếu đi qua con đường truyền thống của ngân hàng và tài chính thì có thể mất rất nhiều năm mới có thể dịch chuyển người dùng.
Bên cạnh đó, vui cũng có thể thúc đẩy các ngành khác cùng phát triển, trước hết là những ngành có liên quan trực tiếp như công nghệ truyền thống. Theo đó, phải có kiến thức nền, cấu trúc hệ thống công nghệ thì mới có thể ứng dụng thành công.
Ngoài ra, những ngành như tài chính, luật cũng là những ngành cần phát triển thì mới có thể theo kịp được sự phát triển của công nghệ mới.
“Thiệt thòi" do hệ thống pháp lý không đảm bảo
Về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho bộ môn này, ông Nguyễn Quang Đồng cho rằng Việt Nam đang có nhiều “thiệt thòi".
Sở dĩ do khung pháp lý ở Việt Nam vẫn chưa đủ theo kịp thực tế, nên rất nhiều doanh nghiệp game phải đăng ký thành lập tại Singapore, “tôi gọi đó là một thiệt thòi", ông nhấn mạnh.
Ông giải thích thêm, khi cộng đồng làm công nghệ phải tìm đến nước ngoài để được đảm bảo về mặt pháp lý, đóng thuế cho nước ngoài thay vì Việt Nam trong khi đội ngũ phát triển hay vận hành đều hoạt động ở Việt Nam.
Nhận xét về những điểm chưa thống nhất và còn thiếu về luật pháp cho phát triển ngành game trên nền tảng công nghệ mới, ông Trương Thanh Đức, Công ty Luật TNHH ANVI bày tỏ: “Về những xu hướng công nghệ mới như blockchain, tài sản số, phải thừa nhận một cách chính thức bởi điều đó đã đang và chắc chắn sẽ tồn tại, phát triển mạnh hơn nữa. Tuy nhiên, hiện nay tất cả đều đang hiểu và bàn theo cách còn “bỏ ngỏ””.
Cụ thể, theo Điều 3.27, Nghị định 72 quy định, đơn vị tiền ảo là một loại công cụ cung cấp dịch vụ, dùng để trao đổi mua bán điểm thưởng, các vật phẩm trong trò chơi.
Mặt khác, Thông tư 24 có giải thích vật phẩm ảo, đơn vị ảo, tiền thưởng, không phải là tài sản, không có giá trị quy đổi thành tiền, thẻ thanh toán, phiếu thưởng, hoặc giao dịch có giá trị bên ngoài trò chơi điện tử. Đặc biệt, quy định không được mua, bán vật phẩm ảo, tiền thưởng giữa những người chơi với nhau.
Do vậy, nếu như chúng ta muốn thay đổi quan điểm, dần dần vận động xây dựng khung chính sách riêng thì cần đi từ những Thông tư, Nghị định như trên trở lên. Ông cho biết thêm, hiện tại thông tư không có cơ sở pháp lý được công nhận nhiều, nên cần phải có luật.
Ông chỉ ra thêm, Bộ luật Dân sự, điều 105 có quy định 4 loại tài sản. Trong đó, tiền ảo không phải vật, cũng không phải một loại tiền dù gọi là tiền ảo, bởi không có mối liên hệ nào về tiền đối với Pháp luật Việt Nam.
Nếu trong Hệ thống Pháp luật Việt Nam thì phải được gọi là “tiền điện tử" hay “tiền mã hoá", nhưng hai khái niệm này lại có sự khác biệt giữa Việt Nam và nước ngoài.
Bên cạnh đó, tiền ảo cũng không phải giấy tờ có giá trị. Vậy nên, ông cho rằng tiền ảo sẽ thuộc nhóm thứ tư - quyền tài sản, và có những điểm đặc biệt hơn, tuy nhiên, cho tới bây giờ đây vẫn còn là vấn đề còn nhiều tranh cãi, chưa thống nhất.