Theo đó, VCCI đã có đợt khảo sát về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp tại TP HCM và một số địa phương đối với những doanh nghiệp có quy mô nhỏ. Kết quả cuộc khảo sát và những số liệu của cơ quan chức năng cho thấy, có ít nhất 30% doanh nghiệp đã rời thị trường. 70% còn lại cũng hết sức khó khăn, phần lớn là thua lỗ.
Ngoài ra, VnExpress cũng dẫn lời ông Lộc cho biết, hầu hết doanh nghiệp sống được đến thời điểm này là nhờ “lương khô” - những gì họ tích lũy được từ nhiều năm.
Hai năm qua, có gần 100.000 doanh nghiệp rời thị trường (Ảnh minh họa)
Theo dự báo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư thì năm nay có khoảng 50.000 doanh nghiệp rời thị trường, cộng với 49.000 của năm ngoái là xấp xỉ 100.000. Con số này tương đương với một nửa số doanh nghiệp “chết” trong vòng 20 năm qua, kể từ khi có Luật Doanh nghiệp.
Nói về nguyên nhân của những sự việc trên, theo ông Vũ Tiến Lộc trước hết do sự tác động của các chính sách kinh tế đến hoạt động của doanh nghiệp.
Ngoài ra, những doanh nghiệp còn sống sót đa phần là những công ty có quy mô vừa, được lãnh đạo bởi các doanh nhân trẻ, được đào tạo bài bản, quản trị tài chính tốt.
Để các doanh nghiệp có điều kiện phát triển, vượt qua khó khăn, Nhà nước cần có sự hỗ trợ chi phí, nhất là trong các khoản thuế và chính sách lương. Thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam hiện cao hơn so với các nước trong khu vực. Như Thái Lan, họ vừa giảm từ 30% xuống 23%. Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) đều đang áp thuế với khu vực vừa và nhỏ là 17%, trong khi ở Việt Nam hiện vẫn là 25%.
Nhận định về triển vọng của doanh nghiệp trong thời gian tới, ông Lộc cũng cho biết thêm, với tình hình hiện nay, doanh nghiệp sẽ còn khó khăn trong vòng 1- 2 năm tới. Doanh nghiệp chỉ thực sự phất lên được nếu có những chính sách và những sự thay đổi tích cực.
Khánh An (tổng hợp/VnExpress)