Theo số liệu của Tổng cục Thuế, lượng xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thực hiện đăng ký nộp lệ phí trước bạ trong ngày 1/12 đạt mức 11.286 xe, gấp gần 10 lần so với mức 1.187 xe những ngày cuối tháng 11/2021.
Nguyên nhân do Chính phủ vừa ban hành Nghị định 103/2021/NĐ-CP. Theo đó, từ ngày 1/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022, mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất lắp ráp trong nước bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP ngày 21/02/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 140/2016/NĐ-CP về lệ phí trước bạ; các Nghị quyết hiện hành của Hội đồng nhân dân hoặc Quyết định hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
Từ 1/6/2022, mức thu lệ phí trước bạ trở về mức cũ.
Đây là lần thứ hai trong 2 năm vừa rồi lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được giảm một nửa, trước những tác động của dịch Covid-19 đến doanh nghiệp sản xuất trong nước. Sau thời gian này, mức thu lệ phí trước bạ tiếp tục trở về mức trước đây, theo quy định tại Nghị định 20/2019/NĐ-CP của Chính phủ, tương đương từ 10%-12% giá ô tô tùy theo địa phương.
Việc giảm phí trước bạ sẽ làm giảm đáng kể chi phí lăn bánh một chiếc xe ôtô mới được lắp ráp trong nước. Trong khi đó lượng xe nhập khẩu tiêu thụ không có biến động quá lớn (giảm từ 1.300 chiếc xuống còn 1.079 chiếc).
Chính sách theo Bộ Tài chính sẽ kích cầu tiêu dùng cũng như thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước nối lại chuỗi cung ứng, tăng mở rộng đầu tư. Không chỉ có vậy, việc lượng xe ô tô tiêu thụ lớn cũng tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách, góp phần đảm bảo các cân đối vĩ mô, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.