Thương hiệu nửa thế kỷ
Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng (Licogi) được thành lập cuối năm 1995 trên cơ sở sắp xếp lại Liên hiệp các xí nghiệp thi công cơ giới thành lập tháng 8/1960 và công ty Xây dựng số 18 thành lập tháng 5/1961. Sau hơn nửa thế kỷ phát triển, Licogi là thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực xây lắp, đặc biệt về mảng thuỷ điện. Một số hợp đồng lớn Licogi đã tham gia là tổng thầu thi công gói thầu 14 - Dự án Thủy điện Bản Chát trị giá 4.477 tỷ đồng, tổng thầu Thủy điện Sông Tranh 2 trị giá 2.371 tỷ đồng, xây dựng Thủy điện Sơn La (1.654 tỷ đồng), tổng thầu xây lắp Thủy điện A Vương (1.478 tỷ đồng).
Ngày 11/12/2014, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 2243/QĐ-TTg phê duyệt phương án cổ phần hoá công ty mẹ - Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng (Licogi).
Theo đó, Licogi sau cổ phần hoá có vốn điều lệ 900 tỷ đồng, trong đó Nhà nước sở hữu 40% vốn, bán ưu đãi cho người lao động và tổ chức công đoàn 1,37%, bán cho nhà đầu tư chiến lược 35% và bán đấu giá công khai 23,63% còn lại. Trong phiên IPO ngày 13/4/2015, 21,3 triệu cổ phần chào bán của Licogi đã được 106 nhà đầu tư cá nhân thu gom hết với giá trúng bình quân 10.006 đồng/ cổ phần.
Trước đó, cổ đông chiến lược đã được xác định là công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Khu Đông. Pháp nhân này sở hữu 35% vốn của Licogi với cái giá "nhẹ nhàng" 10.000 đồng/ cổ phần, đúng bằng mệnh giá.
Theo tìm hiểu của PV báo Người Đưa Tin, nhiều cá nhân gom được cổ phiếu của Licogi trong đợt IPO có liên quan tới công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Khu Đông, gồm những cái tên Lê Việt Anh, Nguyễn Thanh Mai, Nguyễn Thị Thu Hương, Nguyễn Thị Thái Anh, Ngô Thu Trang, Vũ Đình Chiến...
Tính tới ngày 16/3/2017, những cái tên cổ đông cá nhân trên bỗng dưng biến mất, thay vào đó là công ty TNHH Đầu tư Gia Cường, sở hữu 20 triệu cổ phiếu, tương đương 22,24% vốn điều lệ của Licogi.
Nguồn tin của báo Người Đưa Tin cho biết Bất động sản Khu Đông và Đầu tư Gia Cường có liên quan chặt chẽ với nhau, nếu không muốn nói là cùng thuộc một "group".
Bất động sản Khu Đông và Đầu tư Gia Cường chiếm tới 57,95% vốn của Licogi, là tỷ lệ quá bán và vượt xa vốn Nhà nước (40,71%). Nhóm cổ đông tư nhân qua đó chính thức kiểm soát Licogi.
Ở diễn biến liên quan, Bất động sản Khu Đông vào cuối năm ngoái đã có văn bản gửi bộ Xây dựng đề xuất mua lại toàn bộ 40,71% vốn Nhà nước. Năm 2016, Licogi lỗ sau thuế 436 tỷ đồng, bằng non nửa vốn điều lệ. Vậy điều gì khiến Bất động sản Khu Đông tha thiết muốn sở hữu Licogi đến vậy?
Mật ngọt đất vàng
Trước khi cổ phần hóa, Licogi không chỉ là đơn vị đầu ngành của bộ Xây dựng mà còn hấp dẫn khi sở hữu hàng loạt khu đất có vị trí đẹp tại Hà Nội, Quảng Ninh, Đồng Nai...
Đơn cử, mảnh đất rộng 1.928m2 là trụ sở Licogi tại Nhà G1, đường Nguyễn Trãi (Hà Nội) và thửa đất 185m2 liền kế bên, 4.712m2 đất nông nghiệp thuê 20 năm tại tỉnh Đồng Nai. Ba tài sản này không tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa.
Theo bản cáo bạch cổ phần hóa, Licogi sở hữu 11 dự án khu đô thị, dân cư, văn phòng với tổng quỹ đất lên tới 151,5ha. Có những khu đất mà nhiều doanh nghiệp bất động sản "ao ước", như: Khu đô thị mới Thịnh Liệt, Hà Nội (35,16ha), trụ sở văn phòng E7 tại Phạm Hùng (6.500m2), Khu đô thị mới Cột 5 – Cột 8 tại tỉnh Quảng Ninh (gồm 33,28ha và 19,86ha, đã có sổ đỏ).
Tại TP.Hạ Long, Quảng Ninh, Licogi còn hai dự án quy mô lớn khác là Khu dân cư đồi T5 và Khu đô thị mới Nam Ga có diện tích lần lượt là 8,2ha và 23,8ha...
Nhưng phần tài sản dự án này mới chỉ có khoảng 24,4 tỷ đồng được tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa.
Thua lỗ ngay sau cổ phần hóa
Năm 2016 – năm đầu tiên hoạt động với mô hình công ty cổ phần, Licogi gây bất ngờ cho giới đầu tư sau khi thoát khỏi “chiếc áo” doanh nghiệp Nhà nước. Tuy nhiên, bất ngờ mà Licogi đem lại khiến nhiều cổ đông méo mặt khi báo lỗ kỷ lục 436,6 tỷ đồng. Bước sang 9 tháng đầu năm 2017, tổng công ty này tiếp tục lỗ sau thuế thêm 46,4 tỷ đồng, đẩy lỗ luỹ kế lên mức 514 tỷ đồng.
Tình hình “bi đát” đến độ hãng kiểm toán PwC phải đưa ra cảnh báo về khả năng hoạt động liên tục khi nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn 1.050 tỷ đồng và lưu chuyển tiền thuần âm 126 tỷ đồng.
Licogi thua lỗ lớn là điều không nhiều người nghĩ tới trước khi đơn vị này được cổ phần hoá. Năm 2015 trở về trước, mặc dù kết quả kinh doanh có suy giảm, song Licogi vẫn báo lãi đều đặn hơn 100 tỷ đồng, như năm 2011 lãi 167 tỷ đồng, năm 2012 lãi 143 tỷ đồng, năm 2013 lãi 101 tỷ đồng.
Nguyên nhân thua lỗ được doanh nghiệp lý giải do phải tăng chi phí quản lý doanh nghiệp, trích lập các khoản phải thu, khoản tạm ứng cho các dự án. Và hơn hết, trong báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2017, đơn vị kiểm toán là AASC lưu ý: “Tại ngày lập BCTC, Tổng công ty – công ty mẹ chưa nhận được phê duyệt từ các cơ quan có thẩm quyền về các phương án xử lý tài chính được áp dụng trong báo cáo giai đoạn chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước sang công ty cổ phần. Vì vậy các số dư đầu kỳ ngày 1/1/2017 có thể thay đổi tùy thuộc vào kết quả phê duyệt của các cơ quan có thẩm quyền”.
Kinh doanh lao dốc, thua lỗ nặng, “ăn mòn” vào vốn chủ sở hữu nhưng tại sao cổ đông chiến lược là công ty Khu Đông lại nhiệt tình muốn mua lại toàn bộ phần vốn Nhà nước tại Licogi? Chưa kể, những con số trong báo cáo của doanh nghiệp sau cổ phần hóa chưa được công nhận, cổ đông có quyền đặt câu hỏi liệu có tồn tại tình trạng "lỗ thật, lỗ ảo" hay không? Hơn hết, những con số trên báo cáo tài chính hiện nay hoàn toàn có thể được xử lý về mặt kỹ thuật.
Licogi thua lỗ càng lớn, thì giá trị phần vốn Nhà nước khi định giá doanh nghiệp được cổ phần hóa càng suy giảm, số tiền cổ đông tư nhân phải bỏ ra để mua lại cũng theo đó "nhẹ" đi rất nhiều.
Hiện nay, nhóm cổ đông Khu Đông – Gia Cường nắm tỷ lệ chi phối 57,24% tại Licogi – tỷ lệ chi phối doanh nghiệp, thì liệu 40,71% vốn Nhà nước chuẩn bị thoái tại Licogi có còn hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư khác, hay sẽ tiếp tục dễ dàng bị thâu tóm như cách đây 2 năm?
Trả lời đề xuất muốn mua lại 40,71% vốn Nhà nước tại Licogi của công ty Khu Đông, cuối tháng 5/2017, bộ Xây dựng cho biết việc thoái vốn Nhà nước tại Licogi không thuộc thẩm quyền của bộ Xây dựng.
Tháng 3/2017, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã có kết luận cho hay, Licogi thuộc nhóm 1 trong các doanh nghiệp có vốn góp của bộ Xây dựng, yêu cầu giữ nguyên tỷ lệ vốn Nhà nước là 40,71% vốn điều lệ tại Tổng công ty Licogi – CTCP và chuyển quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp này về Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước quý I năm 2017.
Bộ Xây dựng yêu cầu Người đại diện phần vốn Nhà nước tại Tổng công ty Licogi-CTCP phối hợp với Hội đồng quản trị Tổng công ty lập phương án theo đúng chỉ đạo.