Mới nhất là trường hợp bé gái ở tỉnh Bình Thuận tử vong tại Bệnh viện huyện Tuy Phong khi chào đời chỉ mới chưa được một ngày. Bé gái sinh ra nặng 2,8kg, 4 tiếng đồng hồ sau được tiêm văcxin ngừa viêm gan B và 13 giờ sau đó người nhà phát hiện bé qua đời. Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh cho rằng ít có khả năng bé tử vong do văcxin vì thời gian từ khi chích ngừa đến lúc mất rất lâu.
Chỉ một ngày trước đó, 3 em bé sơ sinh ở Bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, đã qua đời chỉ trong khoảng hơn 10 phút sau tiêm văcxin viêm gan B. Việc các cháu cùng lúc, cùng nơi, cùng chết sau tiêm cùng loại văcxin gây chấn động dư luận. Các chuyên gia đánh giá đây là sự việc hiếm thấy và đáng lo. 2 lô văcxin có liên quan đến mũi tiêm cho 3 bé đã bị Bộ Y tế chỉ đạo ngừng chủng ngừa. Nguyên nhân tử vong vẫn chưa được kết luận chính thức, nhưng các chuyên gia Bộ Y tế tạm khẳng định các cháu bị "sốc phản vệ không rõ nguyên nhân". Nhiều nghi vấn về sự xuất hiện của chất lạ gây sốc phản vệ trong văcxin cũng được đặt ra.
Đã có một số trường hợp trẻ tử vong sau khi tiêm Quinvaxem
Trước đó, nhiều trường hợp tai biến sau tiêm văcxin 5 trong 1 phòng các bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và viêm màng não mủ do HIB, nghiêm trọng dẫn đến chết trẻ, đã xảy ra. Hồi tháng 3, một em bé 4 tháng tuổi sống tại TP Đà Lạt đã tử vong do tai biến sau khi tiêm văcxin này. Chích ngừa xong, bé về nhà sốt cao, gia đình tự cho uống 3 liều paracetamol mà không đưa đến các cơ sở y tế. Cùng đợt tiêm với bé có 5 trường hợp tai biến sau tiêm, rất may đã được phát hiện và can thiệp kịp thời.
Ngày 5/1, một bé trai 3 tháng tuổi ở xã Yên Thường, Gia Lâm, Hà Nội, đã qua đời sau khi tiêm phòng văcxin 5 trong 1 và uống thuốc ngừa bại liệt. Bé sinh thường tại trạm y tế xã, nặng 3 kg, đã được tiêm văcxin viêm gan B 24h sau sinh và một mũi phòng lao. Trước khi tiêm mũi 5 trong 1, bé được cán bộ y tế khám sàng lọc, không sốt nên chỉ định chích. Cả ngày hôm tiêm, bé bú bình thường, không sốt. Đến sáng hôm sau, bé bú ít, có biểu hiện lả đi, gia đình đưa đến bệnh viện cấp cứu, 20 phút sau thì bé tử vong. Nguyên nhân trẻ qua đời không được xác định rõ ràng. Gia đình từ chối khám nghiệm tử thi. 121 trẻ khác tiêm cùng đợt với bé này sức khỏe vẫn bình thường.
Trong đợt tiêm chủng ngày 7/12/2012 tại trạm y tế xã Châu Quang, Quỳ Hợp, Nghệ An, có 65 cháu đến tiêm phòng, trong đó 3 cháu đều 3 tháng tuổi sau khi chích ngừa có biểu hiện nôn quấy, sốt, bỏ bú. Ngày 9/12, một cháu tử vong. Một ngày sau, thêm một cháu qua đời và 5 ngày sau, một bé cũng ra đi. 10 ngày sau, thêm một bé nữa cũng tử vong và được cho là do viêm màng não. Ngoài ra, ở xã Đồng Hợp, Quỳ Hợp, có một bé mất sau khi tiêm 2 ngày. Kết quả kiểm tra cho thấy số văcxin 5 trong 1 được trạm y tế xã lấy về từ 3 ngày trước khi tiêm và được bảo quản đúng quy định.
Cũng tháng 12/2012, 3 trẻ phải nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định sau khi tiêm văcxin 5 trong 1 vì có những biểu hiện phản ứng thuốc. Trong đó, 2 cháu bé có biểu hiện tím tái, khóc thét và một cháu bé có triệu chứng ngưng thở. Rất may, nhờ được cứu chữa kịp thời nên các cháu đã qua cơn nguy kịch. Văcxin dùng để tiêm chủng cho 3 cháu bé trên thuộc lô văcxin phân về khu vực miền Trung và Tây Nguyên, có hạn sử dụng đến ngày 10/11/2015, khác với lô văcxin ở khu vực miền Bắc (trong đó có 3 trẻ ở tỉnh Nghệ An tử vong).
Sáng 23/10/2012, một em bé 4 tháng tuổi được mẹ đưa đến trạm y tế Linh Trung, Thủ Đức, tiêm văcxin 5 trong 1. Trước khi tiêm, bé có hiện tượng nghẹt mũi, nhiệt độ cơ thể 36,5 độ C. 30 phút sau tiêm bé không có phản ứng bất thường. 2 giờ sau tiêm, bé uống thuốc hạ sốt, bắt đầu tím tái rồi ngưng tim ngưng thở vài giờ sau đó. Hội đồng khoa học Sở Y tế TP HCM không chứng minh được sự liên quan của văcxin 5 trong 1 với tình trạng tím tái ngưng thở của bé do không khám nghiệm tử thi, đồng thời cũng khẳng định quy trình tiêm phòng của Trạm Y tế Linh Trung không sai. Lô văcxin tiêm cho bé được nhập 318.000 liều, trong số trẻ được tiêm lô văcxin này, ngoài bé còn có một trường hợp phản ứng sau tiêm ở Lâm Đồng.
Đầu tháng 10/2010, một bé gái 3 tháng tuổi tử vong một ngày sau khi tiêm vacxin 5 trong 1 tại trạm y tế phường Bình Đa, thành phố Biên Hòa (Đồng Nai). Sau tiêm cháu chỉ có triệu chứng sốt, hôm sau thì toàn thân tím tái. Chẩn đoán cho thấy, bé bị suy hô hấp nghiêm trọng do sốc nhiễm trùng.
Trước đó, tháng 7/2010, một bé gái 3 tháng tuổi sau khi tiêm chủng văcxin này tại trạm y tế xã Tân Lâm, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, cũng toàn thân tím tái, khó thở và tử vong sau đó tại bệnh viện. Trước khi tiêm chủng, các y bác sĩ ở trạm y tế xã khám và cân trẻ, cháu hoàn toàn khỏe mạnh. Chích ngừa xong, mẹ con bé đã ở lại thêm 30 phút theo hướng dẫn của các nhân viên y tế để theo dõi diễn biến của trẻ. Đợt tiêm phòng này toàn tỉnh Lâm Đồng có hàng nghìn trẻ được chích ngừa tại các trạm y tế của 12 huyện, thành phố trong tỉnh. Không có trường hợp biến chứng xấu nào ngoại trừ bé.
Tháng 5/2009, hai bé sinh đôi ở thôn Quyết Thắng, xã Mông Sơn, Yên Bái, đã tử vong 2 ngày sau khi tiêm văcxin phòng lao. Nguyên nhân được xác định là hai bé suy hô hấp, viêm phổi nặng, cơ thể suy sinh dưỡng. Sau khi tiêm, đáng lẽ bế hai bé về nhà thì người nhà lại đưa ra sân vận động xem thi đấu thể thao, phơi ngoài gió, nên các bé bị nhiễm lạnh, dẫn đến viêm phổi. Bản thân hai bé sinh non, suy sinh dưỡng, cơ địa yếu, tiêm văcxin vào sản sinh ra kháng thể, cơ thể càng yếu nên bệnh chuyển biến rất nhanh.
Không chỉ trẻ em, mà cả người lớn cũng tử vong sau khi tiêm văcxin. Tháng 4 năm nay, một thiếu nữ 18 tuổi đã đến Trung tâm Y tế dự phòng quận 9 tiêm văcxin ngừa ung thư cổ tử cung mũi thứ hai. Mũi đầu được tiêm trước đó một tháng. Về đến nhà, cô than mệt, buồn ngủ, sau đó nằm bất động trong phòng tắm. Sau khi xem xét lại các quy trình và khám nghiệm tử thi, Hội đồng chuyên môn Sở Y tế TP HCM kết luận bệnh nhân qua đời do có lượng propranolol trong máu, dịch dạ dày và nước tiểu cao hơn nồng độ có thể gây chết vì đã dùng thuốc trị tim mạch trước đó.
Trước tình hình Việt Nam có nhiều ca tai biến sau tiêm chủng văcxin 5 trong 1 Quinvaxem, tháng 5, Bộ Y tế quyết định ngưng sử dụng chờ kết quả điều tra của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Sau khi được WHO khuyến cáo nên sử dụng lại, Bộ Y tế đang đề xuất với chính phủ cho phép sử dụng lại Quinvaxem. Trong hai năm 2007, 2008, khoảng 10 em bé cũng tử vong hay gặp tai biến sau khi tiêm văcxin viêm gan B. Khác biệt so với vụ 3 em bé ở Quảng Trị là các trường hợp này diễn ra riêng lẻ, ở các địa phương khác nhau như Hà Tĩnh, TP HCM, Hà Tây, Hòa Bình, Hà Nội. Khi đó, Bộ Y tế cũng tạm ngưng tiêm văcxin viêm gan B cho trẻ theo chương trình tiêm chủng mở rộng một thời gian. |
Theo VnExpress.net