Trao đổi với VietNamNet chiều 4/10, bà Nguyễn Thị Thu, Chủ tịch UBND xã Chiềng Ken cho biết, nhóm học sinh này cùng trú tại thôn Hát Tinh, gồm 7 em ở cấp THCS, 8 em cấp tiểu học và 2 em ở lứa tuổi mầm non.
Trước đó, trưa 2/10, trên đường đi học về, nhóm học sinh THCS thấy bên đường (cách lề đường khoảng 30m) có 2-3 cây hồng châu, trong đó 1 cây có quả chín màu tím bắt mắt. Do nhầm lẫn với một loại hồng ăn được (loại quả khi chín sẽ có màu vàng, cũng mọc trong rừng), nhóm học sinh đã hái quả ăn và đem về cho các em ở nhà, đang học cấp tiểu học, mầm non.
Sau khi ăn, các em sinh hoạt, ăn cơm trưa bình thường. Tuy nhiên tới chiều, một số bé có biểu hiện đau bụng không rõ nguyên nhân. Gia đình hỏi kỹ và biết con ăn loại quả trên đường đi học về nên đã ra kiểm tra. Khi phát hiện đây là quả không ăn được, cha mẹ vội vã đưa con tới Bệnh viện Đa khoa huyện Văn Bàn cấp cứu vào tối cùng ngày.
Mặc dù được các y, bác sĩ tận tình cấp cứu, điều trị, nhưng đến khoảng 16h00 ngày 3/10, một trẻ không qua khỏi đã tử vong; 8 học sinh được chuyển tuyến về Hà Nội điều trị; 8 em còn lại hiện đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Đa khoa huyện Văn Bàn.
“Bố mẹ nghĩ con chỉ đau bụng thông thường nên không đưa tới viện ngay. Khoảng 12h đêm 2/10, bé được đưa đi cấp cứu nhưng đã không qua khỏi”, bà Nguyễn Thị Thu cho hay. Cũng theo bà Thu, loại quả này trông rất bắt mắt, độc nhiều nhất ở phần hạt. Khi bệnh nhi ăn quả có thể đã cắn vào phần hạt, gây ngộ độc nghiêm trọng.
Ông Phí Công Hoan, Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn thông tin với VOV, ngoài trường hợp học sinh tử vong, các trường hợp đang cấp cứu tại các Bệnh viện đã bắt đầu có dấu hiệu phục hồi sức khỏe.
“Ngay sau vụ việc, huyện đã chỉ đạo chặt hạ toàn bộ cây Hồng Châu nguy hiểm trực tiếp gây ngộ độc tại Chiềng Ken. Đây là một loài cây mọc hoang, ra quả trông rất bắt mắt, nhưng chứa nhiều độc tố. Thời gian tới, huyện sẽ chỉ đạo các địa phương rà soát, chặt hạ triệt để loài cây này, tránh sự cố đáng tiếc tái diễn”, ông Hoan nói.
Minh Hoa (t/h)