Để tìm hiểu về tình hình hoạt động của hãng Phim truyện Việt Nam (VFS) sau gần 3 năm cổ phần hoá, nhóm PV báo Người Đưa Tin đã tìm đến số 4 Thuỵ Khuê (Hà Nội) – Trụ sở của hãng Phim truyện Việt Nam để “mục sở thị” việc hoạt động của đơn vị này sau một thời gian im ắng.
Tuy nhiên, trái với hình dung của chúng tôi, nơi đây rất đìu hiu và vắng vẻ, nhiều phòng làm việc khoá cửa không làm việc, cơ sở vật chất của nhiều khu vực ngày càng xuống cấp. Nhóm PV phải khó khăn lắm mới tránh được các vật dụng, vôi vữa ở những mảng tường cũ rơi vào người. Cơ sở vật chất của nơi này khá tan hoang. Một số phòng đóng kín mạng nhện giăng đầy, có một số phòng mở cửa thì ẩm thấp mặc cho chuột, gián và côn trùng làm tổ.
Các phòng như: Nghệ thuật, Đạo diễn… đều “cửa khoá then cài”, thậm chí có những phòng khoá cửa đã gỉ sét, chứng tỏ đã lâu lắm rồi nơi này không còn hoạt động. Thi thoảng, có bóng dáng của một người bảo vệ, nhưng theo quan sát của nhóm PV, họ cũng chỉ ngồi “ngáp ruồi” vì không có việc để làm.
Theo phản ánh của nhiều nghệ sĩ làm việc tại đây, hiện tại hãng phim hầu như không hoạt động, “ông chủ mới” của đơn vị nghệ thuật này cũng không quan tâm đến đời sống của những người còn làm việc tại đây và đưa ra những quy định mới hết sức vô lý. Theo các nghệ sĩ, một tháng, “ông chủ mới” đến hãng phim vài lần cho có, rồi lại lên ô tô đi mất hút.
Vào tháng 4/2019, Văn phòng Chính phủ đã ra thông báo về Kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình về việc xử lý thanh tra công tác cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam. Theo đó, văn bản nêu bộ VH,TT&DL hoàn trả lại tiền và tiếp nhận cổ phần của nhà đầu tư chiến lược từ Tổng công ty vận tải thuỷ (VIVASO). Như vậy, nếu việc thoái vốn nhanh thì bộ VH,TT&DL sẽ tiếp quản Hãng phim truyện Việt Nam vào thời gian tới.
Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, Đạo diễn Bùi Trung Hải cho hay: "Từ tháng 7/2018, chúng tôi đã bị cắt lương, bảo hiểm xã hội thì có người cắt từ tháng 4/2019, có người cắt từ tháng 7/2019. Hiện tại, đến nay, toàn bộ 40 nghệ sĩ thuộc hãng Phim truyện Việt Nam là không có lương và bảo hiểm. Chúng tôi hoang mang vì không biết sẽ sống như thế nào. Toàn bộ công việc của Hãng phim bị tê liệt. Kịch bản phim Người yêu ơi của tôi đã được duyệt, nhưng không bên nào muốn ký để làm phim này cả. Hiện tại Hãng không có người điều hành nên mọi chuyện không biết đi về đâu. Chúng tôi như đang bơ vơ, không nơi bấu víu".
Theo đạo diễn - NSƯT Bùi Trung Hải, các nghệ sĩ có kiến nghị lên nhà đầu tư chiến lược là Tổng công ty vận tải thuỷ (VIVASO) nhưng phía lãnh đạo của công ty này cho biết họ đang gặp khó khăn nên không thể chi trả được. Vào ngày 29/7/2019, các nghệ sĩ của Hãng phim đã làm đơn đề nghị lên bộ VH,TT&DL về việc chi trả lương, bảo hiểm của các nghệ sĩ, tuy nhiên đến nay, sự việc vẫn chưa được giải quyết, các nghệ sĩ vẫn đang "dài cổ" chờ đợi một công việc đúng chuyên môn, có lương, có thu nhập để mưu sinh.
Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Đức Tùng - Bí thư Đảng uỷ, đại diện vốn Nhà nước của hãng Phim truyện Việt Nam cho hay: "Tôi cũng là một trong những nghệ sĩ bị cắt hết các chức vụ nghề nghiệp và bị cắt lương, bảo hiểm. Hiện tại, tâm tư của những nghệ sĩ ở đây là muốn Hãng phim được hoạt động, được làm nghề. Nếu có đơn vị tiếp quản thì cho chúng tôi một thời hạn nhất định, bao giờ sẽ vực dậy được Hãng? Bộ VH,TT&DL khi nào sẽ tiến hành thoái vốn xong với VIVASO? Nếu cứ để nghệ sĩ "thoi thóp" như vậy thì ai sẽ chịu trách nhiệm? Công ty VIVASO hay đơn vị tiếp quản mới?
Nghệ sĩ ở Hãng phim đều là những người có thành tích, chuyên môn cao nên khi bị đối xử như vậy chúng tôi sốc và cảm thấy bị xúc phạm. Hiện tại, chưa thoái vốn cổ phần thì VIVASO vẫn có con dấu, vẫn là đơn vị điều hành tại đây, nhưng đến giờ phút này, họ mang nghệ sĩ "đem con bỏ chợ".
Đạo diễn Nguyễn Xuân Thành cũng không khỏi bức xúc trước nghịch lý: Nghệ sĩ muốn làm việc nhưng không có việc để làm.
“Hiện tại, nhiều cán bộ, nghệ sĩ của hãng phim muốn có thu nhập để nuôi sống gia đình chỉ có cách ra ngoài làm thêm, nhận các dự án bên ngoài chứ phía lãnh đạo mới không giao việc, không tương tác với chúng tôi.
Thậm chí, cuối năm 2017, tôi đã gửi 3 kịch bản tới lãnh đạo hãng phim mới nhưng không được hồi âm, khi tôi hỏi lại, ông Thuỷ Nguyên nói lúc đó đang đi nước ngoài và không nghe máy vì "cước phí lên đến 6.000 đồng một phút", nhưng sau đó về Việt Nam, ông ấy cũng không “đả động” gì đến các kịch bản của tôi.
Thêm nữa, tôi cũng đã mang về công ty một dự án làm phim của một địa phương, nhưng bị gạt đi vì lãnh đạo cho rằng “không khả thi”… Vậy thử hỏi, sau gần 3 năm cổ phần hoá, họ đã làm gì cho cán bộ, nghệ sĩ nơi đây? Dường như, hãng phim đang chênh vênh, tuột dốc...” – Đạo diễn Nguyễn Xuân Thành cho hay.
NSƯT Vũ Đức Tùng cho biết thêm, mới đây gần 1 tháng, bộ VH,TT&DL có gửi triệu tập cho người đại diện vốn nhà nước một cuộc họp cùng các nghệ sĩ của Hãng phim nhưng sau đó Bộ lại hoãn lại. Hiện tại, các nghệ sĩ muốn có một lộ trình rõ ràng về việc thoái vốn của VIVASO, xem số phận của Hãng phim sẽ ra sao? Và sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình thì bộ VH,TT&DL đã có những động thái gì với Hãng phim.
Sau những ồn ào về việc cắt lương, cắt bảo hiểm khiến các nghệ sĩ lao đao, mới đây nhất, bộ VH,TT&DL đã có những phản hồi với những nghệ sĩ của Hãng phim. Theo đó, vào ngày 28/10/2019, ông Trần Hoàng - Vụ trưởng vụ Kế hoạch Tài Chính (bộ VH,TT&DL) đã gửi công văn tới người đại diện vốn của Hãng cho biết, đơn vị này đề xuất người đại diện vốn Nhà nước phối hợp với Ban giám đốc công ty xem xét, nghiên cứu tham mưu Lãnh đạo Bộ giải quyết theo quy định của Pháp luật và Điều lệ hoạt động của Công ty cổ phần với những vấn đề thuộc trách nhiệm của cổ đông nhà nước.
Nhóm PV đang liên lạc tới các đơn vị liên quan và sẽ thông tin tới khán giả những diễn biến mới của vụ việc ở những bài sau.
Một số hình ảnh phòng ốc tan hoang của Hãng phim truyện Việt Nam hiện nay: