Gần 1 năm “màn trời chiếu đất”
Men theo Tỉnh lộ 534B, thuộc huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, không khó để có thể chứng kiến hàng chục túp lều chênh vênh bên con sông Nậm Nơn hiền hòa. Trời nắng còn đỡ sợ, nhưng khi trời mưa hoặc giông bão thì những túp lều này có nguy cơ đổ sập. Ấy vậy mà các hộ dân đã phải sống như vậy gần 1 năm nay, chỉ với một mục đích chờ được phân đất để tái định cư.
Bà Lô Thị E (60 tuổi), ở bản Minh Phương, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương cho biết, gia đình bà vốn không phải ở đây, thế nhưng 1 năm trước khi thủy điện xả lũ khiến ngôi nhà cũ bị sập, toàn bộ chân móng trôi theo dòng nước. Vì vậy, để đảm bảo an toàn, bà đã nhờ dân bản dựng hộ túp lều nơi đây để sống tạm qua ngày chờ chính quyền xử lý. “Nơi này cách nhà cũ gần 1km, nơi đó giờ không thể ở được nữa rồi. Mà không riêng gì nhà tôi, có hàng chục người cũng rơi vào tình trạng tương tự. Chúng tôi sống tạm nơi đây nên không có điện để dùng, không có nước sinh hoạt. Hàng ngày, chúng tôi phải vào các nhà dân để xin nước sạch, điện cũng phải câu móc tạm. Sống như thế này mệt mỏi lắm nhưng không biết phải làm như thế nào”, bà E nói.
Gia đình bà Lô Thị Lân ở bản Minh Phương, xã Lượng Minh cũng rơi vào tình trạng tương tự. Trận xả lũ thủy điện dịp tháng 8/2018 vừa qua nước đã cuốn trôi cả nhà cửa. Giờ đây, 6 con người trong gia đình phải chui rúc tại căn lều tạm ven đường. Mấy ngày trời mưa to, bà phải ôm cháu chạy sang hàng xóm trú tạm vì chỗ nào cũng dột.
Theo bà Lân, cuộc sống “màn trời chiếu đất” như thế này người lớn có thể chịu được, nhưng chỉ tội các cháu nhỏ. Mùa đông vừa rồi, trời vừa lạnh vừa mưa, nhiều cháu bị cảm sốt. “Chúng tôi có muốn như vậy đâu, ai cũng muốn ổn định cuộc sống để làm ăn. Năm ngoái, chính quyền bảo sẽ di dời chúng tôi tới khu tái định cư mới của bản Xốp Mạt. Thế mà đến giờ vẫn chưa có động tĩnh gì, khi chúng tôi lên hỏi thì họ bảo phải chờ thêm một thời gian nữa”, bà Lân thở dài.
Được biết, hiện nay toàn xã Lượng Minh có 34 hộ, trong đó chủ yếu gồm các bản như: Bản Lạ và Minh Phương bị ảnh hưởng sạt lở ven sông, thuộc thủy điện Nậm Nơn. Từ năm 2017, UBND tỉnh Nghệ An và UBND huyện Tương Dương đã có dự án di dời khẩn cấp người dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở đất. Thế nhưng, đến nay dự án vẫn chưa có nhiều chuyển biến, bà con vẫn tiếp tục phải sống trong những lều bạt tạm bợ.
Liên quan đến vấn đề này, ông Vi Đình Phúc, Chủ tịch UBND xã Lượng Minh, huyện Tương Dương cho hay: “Hiện cả xã có gần 100 hộ thuộc diện cần phải di dời, trong đó có 34 hộ dân ở bản Lạ và bản Minh Phương thuộc diện di dời khẩn cấp. Nhiều nhà dân đã xuống cấp, nứt toác không ở được nữa phải chuyển đi nơi ở khác, có hộ phải thuê ở trọ, trong khi mỗi tháng Nhà nước hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng/hộ. Mới đây, do mưa lũ kéo dài, không chỉ nhà dân sinh sống ở mép sông Nậm Nơn bị sụt lún, nứt nẻ mà tuyến tỉnh lộ 543B cũng bị sạt lở nhiều điểm, gây nguy hiểm cho người dân sống ven sông”.
Theo vị Chủ tịch xã, hiện tượng sạt lở, sụt lún nhà cửa ở bản Lạ và bản Minh Phương xuất hiện từ năm 2014 là do tích nước lòng hồ thủy điện Nậm Nơn. Sau khi được người dân phản ánh, chính quyền địa phương đã vào cuộc tích cực giải quyết để di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, sớm ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ dân phải sống cảnh tạm bợ, thiếu thốn như vậy.
Nguyên nhân do thiếu kinh phí?
Chính quyền nỗ lực là vậy, nhưng thực tế có nhiều nguyên nhân khiến người dân phải sống tạm bợ như hiện nay, trong đó nguyên nhân chính là do khu tái định cư chưa được xây dựng xong, mà chủ yếu là do thiếu kinh phí. Trong 2 năm 2017 – 2018, chính quyền xã đã nhiều lần kiến nghị xây dựng xong khu tái định cư, với mục đích để người dân ổn định cuộc sống, nhưng không hiểu sao đến nay vẫn không có chuyển biến.
Ông Lô Thanh Nhất, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết, theo thống kê trên địa bàn có tới 71 hộ dân dọc sông Nậm Nơn cần di dời khẩn cấp. Ngoài những hộ bị ảnh hưởng do thủy điện Nậm Nơn, thì trong đợt mưa lũ tháng 8/2018, có thêm 37 hộ bị thiệt hại do thủy điện Bản Vẽ. “Nhiều hộ bỗng dưng rơi vào cảnh sống tạm bợ. UBND huyện đã nhiều lần xuống khảo sát và tìm địa điểm để làm khu tái định cư sớm cho người dân. Nhưng nguyên nhân thì trước do thiếu quỹ đất, còn giờ lại hạn hẹp kinh phí nên vẫn chưa thể thực hiện được”, ông Nhất nói.
Theo đại diện UBND huyện Tương Dương, dự kiến sẽ có 3 khu tái định cư cho người dân, trong đó, khu tái định cư cho 34 hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở bởi thủy điện Nậm Nơn, được quy hoạch xây dựng san nền gần 39.900m2, cùng với hệ thống nước sinh hoạt, điện với tổng trị giá trên 13 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay chỉ mới được giải ngân 3 tỷ đồng, đơn vị thi công đang tập trung hạng mục san nền.
Còn khu tái định cư thứ 2 ở bản Xốp Mạt, cho 17 hộ ở bản Minh Phương trị giá 7 tỷ đồng, nhưng chỉ mới đạt 70% khối lượng san nền. Khu tái định cư thứ 3 ở khe Chóng, bản Vẽ, xã Yên Na cho 20 hộ dân được quy hoạch ở bản Vẽ, vùng công nhân xây dựng nhà máy thủy điện trước đây sinh sống. Khu tái định cư này hiện đã có 12/20 hộ vào dựng nhà ở. Khó khăn đặt ra hiện nay là khu này chưa được đầu tư đường giao thông, điện, nước.
Huyện đã lập dự án, dân bình tĩnh… chờ
Riêng việc hỗ trợ cho người dân bị mất lũ cuốn nhà, UBND huyện cũng đã lập dự toán xong. Cụ thể, đối với 34 hộ thuộc vùng ảnh hưởng sạt lở của thủy điện Nậm Nơn đã được hỗ trợ 6,5 tỷ đồng (Nhà nước hỗ trợ 4 tỷ đồng, thủy điện hỗ trợ 2,5 tỷ đồng). Đối với 37 hộ bị ảnh hưởng do thủy điện Bản Vẽ xả lũ gây thiệt hại, mỗi hộ dân được hỗ trợ 70 triệu đồng (trong đó Nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng, thủy điện hỗ trợ 20 triệu đồng), chủ yếu là tiền di dời nhà cửa đến nơi ở mới.
Anh Ngọc