Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục Thú y TP.HCM khẳng định, qua hơn một tháng theo dõi, cảnh sát đã phát hiện có sự tiếp tay, nhận tiền để bỏ qua sai phạm của nhân viên thú y thuộc trạm thú y huyện Củ Chi. Hiện, cơ quan điều tra đang làm rõ, khi có kết quả sẽ xử lý những cán bộ sai phạm.
Đồng thời, để xảy ra chuyện này, một phần do nhân viên yếu kém, trong khi người vi phạm có nhiều thủ đoạn tinh vi để qua mặt. Trong lúc thương lái lùa heo vào chuồng, nhân viên thú y xé niêm phong, kiểm tra xe chở heo từ các tỉnh vào lò mổ Xuyên Á. Lúc này lợi dụng sơ hở của nhân viên thú ý, thương lái đã tiêm thuốc an thần vào heo. Đáng nói, họ cho người canh chừng nhân viên thú y, nếu lúc đang thực hiện tiêm thuốc, có nhân viên thú y kiểm tra, họ sẽ dùng cây gõ vào thành chuồng để báo động.
Còn ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng thanh tra chuyên ngành, bộ Nông Nghiệp cho biết, nhờ người dân báo tin nên đơn vị đã phối hợp cùng Cục cảnh sát môi trường (C49,bộ Công an) để theo dõi, điều tra hơn một tháng. Thời điểm kiểm tra có 5.031 con heo chuẩn bị được giết mổ. Qua kiểm tra 144 mẫu nước tiểu của 200 con heo của 13/21 thương lái tại lò mổ Xuyên Á đều tồn dư thuốc an thần.
Cũng theo ông Dũng, mục đích việc tiêm thuốc an thần vào heo là nhằm giúp heo không cắn nhau trong quá trình vận chuyển, thuốc giúp các mạch máu heo co lại, sau khi làm thịt, heo nhìn sẽ hồng hào bắt mắt, tạo cho người mua tin tưởng hơn.
Tuy nhiên, khi ăn phải thịt heo có tồn dư thuốc an thần, người ăn sẽ ảnh hưởng đến thận, thần kinh. Cơ quan chức năng đã tiến hành xử phạt mỗi thương lái có heo nhiễm thuốc an thần 32.5 triệu đồng. Số heo còn lại vẫn được cơ quan chức năng tiếp tục xét nghiệm qua mẫu nước tiểu. Vụ việc vẫn đang tiếp tục điều tra làm rõ.