Thứ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện tại cả nước có 13.000 cơ sở y tế. Trong số này, khoảng 60% cơ sở đã có hệ thống xử lý chất thải y tế đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn; 40% còn lại (khoảng 5.200 cơ sở y tế) vẫn chưa đạt, là nguồn lây nhiễm bệnh tật, là vấn đề hết sức cấp bách cần được giải quyết. Đây là một con số rất lớn.
Lý giải nguyên nhân về những tồn tại ấy, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay, việc đầu tư kinh phí rất lớn nhưng nguồn lực đầu tư cho công tác này chưa được như mong muốn, còn khiêm tốn.
Bên cạnh đó, do ý thức, trách nhiệm, đặc biệt những tồn tại trong quá trình vận hành như tiết kiệm, hạn chế đầu tư, sự kiểm soát không chặt chẽ từ thủ trưởng các bệnh viện khi coi việc này như việc phụ và chưa quan tâm đúng mức.
Thêm vào đó, việc chưa huy động các nguồn lực xã hội cùng tham gia vào công tác này cũng là một trong những nguyên nhân. Riêng về chất thải lỏng, hiện rất ít cơ sở y tế huy động được nguồn lực, thuê dịch vụ tham gia xử lý.
“Với mục tiêu đảm bảo tất cả chất thải lỏng bệnh viện khi xả thải ra ngoài đều phải được qua xử lý, bộ Y tế xây dựng dự thảo liên quan vấn đề này, trên nguyên tắc huy động nguồn lực vào quản lý và xử lý chất thải y tế.
Vấn đề này chúng tôi đã xin ý kiến các bộ, ngành, hôm nay xin ý kiến lần cuối trước khi trình Thủ tướng Chính phủ”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Về phía cục Quản lý môi trường y tế (bộ Y tế), bà Nguyễn Thị Liên Hương – Cục trưởng chia sẻ: "Hiện tỷ lệ chất thải rắn y tế nguy hại được xử lý đã đạt 97% tại tuyến Trung ương; 71,2% tuyến tỉnh; 78,4% ở tuyến huyện. Như vậy, tuyến Trung ương đã gần đạt mục tiêu đề ra, riêng tuyến tỉnh chưa đạt".
"Đối với nước thải y tế, hiện có 60% bệnh viện có hệ thống xử lý đạt yêu cầu. Cả tuyến Trung ương và tuyến tỉnh đều chưa đạt mục tiêu đề ra. Hầu hết là các bệnh viện xử lý tại chỗ, chỉ có một số bệnh viện thuê hoặc xử lý theo cụm bệnh viện.
Nhìn chung đa số các bệnh viện thiếu kinh phí để đầu tư. Có khoảng 400 bệnh viện có nhu cầu đầu tư nhưng thiếu năng lực quản lý vận hành, không có cán bộ chuyên môn, nhân viên phụ trách không ổn định, tuổi thọ công trình không cao, nhiều hệ thống hỏng hóc không được bảo hành, bảo trì kịp thời”, bà Liên Hương nói.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Liên Hương, mục tiêu đến năm 2020, 100% cơ sở y tế thực hiện xử lý chất thải y tế đạt yêu cầu về môi trường. Muốn vậy, phía bộ Y tế cho rằng cần cơ chế đặc thù về thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế.
Hoạt động thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế sẽ chịu sự giám sát, theo dõi, kiểm tra, đánh giá định kỳ của cơ quan quản lý chuyên ngành về bảo vệ môi trường y tế, và các cơ quan liên quan thuộc thẩm quyền của bộ Y tế, UBND các tỉnh/ thành phố.
Nguyễn Huệ