Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn
Người dân Việt Nam có lẽ không ai không thuộc bài ca dao “Trong đầm gì đẹp bằng sen” (đã trích dẫn ở trên). Và đương nhiên, bài thơ đó gắn liền trong tiềm thức của độc giả như một biểu tượng về những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam.
Bài ca dao được khen ngợi bởi sự “chơi chữ”, phối màu rất hài hòa “Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng/ Nhị vàng bông trắng lá xanh” . Tuy nhiên, theo G.S Trần Đình Sử, chính việc chỉ chú ý đến màu sắc trong bài ca dao đã khiến giá trị của loài hoa sen bị hạ thấp.
Chính cái đẹp vô hình của hoa sen đã thổi hồn cho bao nét đẹp văn hóa của người Việt. Tương truyền, mỗi sáng tinh mơ, chúa Trịnh Sâm thường cho người ra Hồ Tây, hứng từng giọt sương trên lá sen để pha trà. Những giọt sương tinh khiết kết tinh của đất trời, qua một đêm lại được ngấm thêm cái hương thanh, hương lành từ lá sen khiến cho ấm trà mạn của người Việt trở nên thiêng liêng, trong trẻo hơn bao giờ hết.
Cũng chẳng phải vô tình mà người ta thường dùng lá sen để gói cốm - một thứ quà của lúa non. Thứ quà, thứ hương mộc mạc của cánh đồng được sen ấp iu, gìn giữ, phả vào đấy một mùi hương thoát tục khiến những hạt cốm đã thanh, nay còn thanh hơn, đã ngọt, nay còn ngọt hơn.
Vậy mà bài thơ trên chỉ đề cập đến màu sắc - tức hình thức của hoa chứ không hề nhắc đến phẩm chất nội tại cũng như chính thứ đã tạo ra sự đặc biệt - hương thơm của loài hoa đó. Vậy, bài thơ đã có một thiếu sót rất lớn khi chỉ ca ngợi hình thức của hoa sen. Như G.S Trần Đình Sử đã chia sẻ: “Khen như thế chẳng khác nào thấy một cô gái đẹp mà chỉ khen cô ấy ăn mặc chỉnh tề, ngoan ngoãn, không khen sắc đẹp là cái hiếm có nhất. Vì sao tác giả bài thơ lại mù điếc về mùi thơm như vậy?”
Có thể nhiều người sẽ cho rằng luận điểm trên đưa ra là thiếu sót bởi câu cuối cùng của bài thơ “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” đề cập đến vấn đề hương thơm của hoa một cách gián tiếp. Tuy gần bùn tanh hôi nhưng hoa sen vẫn giữ nguyên cho mình một “khoảng cách cao quý” để không bị ám thứ mùi trần tục của bùn tanh đó.
Tuy nhiên, xét cho cùng thì mùi hương của hoa sen trong câu thơ “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” cũng chỉ được nhắc đến khi có sự đối sánh với cái hôi tanh của bùn mà không hề quan tâm đến hương thơm của chính loài hoa đó.
Không những vậy, câu thơ cuối còn khiến loài hoa sen mang tội phản trắc với nguồn gốc của mình. Nhà văn Phùng Quán đã nhận ra điều này từ rất lâu và nói lên nỗi lòng của mình bằng một bài thơ, được in và xuất bản trong tập Thơ Phùng Quán (NXB Văn học, 2003):
Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
Mặc cho câu ca được cả nước lưu truyền
Và đời vẫn tin là ca ngợi phẩm chất của sen.
Nhưng tôi không thể nào tin được
Câu ca này gốc gác tự nhân dân
Bởi câu ca sặc mùi phản trắc
Của những phường bội nghĩa vong ân!
Vốn con cái của giai cấp cùng khổ
Chúng chòi lên cuộc đời quyền lực vàng son
Nghĩ đến mẹ cha chúng xấu hổ
Chúng mưu toan giấu che từ bỏ
Nói xa gần chúng mượn chuyện sen
… Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
Tất cả là trong cái chữ gần
Chỉ một chữ mà ta thấu gan thấu ruột
Những manh tâm bội nghĩa vong ân.
Bùn với sen đâu phải chuyện gần?
Chính là sen mọc lên từ trong đó
Gốc của sen là thăm thẳm bùn đen
Nhị vàng , bông trắng, lá xanh…
Tất cả, tất cả, tất cả…!
Là do bùn nuôi dưỡng
Ngay cả hương thanh khiết ta đặt lên bàn thờ cúng
Cũng là xương thịt của bùn tanh!
Như nhân dân: Gian truân, thầm lặng, vô danh
Đã sinh ra vĩ nhân, anh hùng, nghệ sỹ…
Nhân danh bùn! Nhân danh sen!
Tôi đề nghị: Đuổi câu phản trắc này khỏi kho báu dân gian!
Đương nhiên, khi bài thơ Hoa sen của Phùng Quán ra đời, rất nhiều ý kiến trái chiều đã nổ ra. Người đồng ý với quan điểm đó và cho rằng Phùng Quán đã có sự phát hiện, tìm tòi mới lạ, người lại cho rằng ông đã quá cứng nhắc và thực dụng khi áp dụng thực tiễn vào việc phân tích một tác phẩm văn học.
Và cho đến thời điểm hiện tại, cuộc tranh luận về chủ đề Hoa sen có phản trắc hay không vẫn chưa có hồi kết. Mặc dù xét theo tư duy nghệ thuật thì có lẽ cái nhìn của “phe” Phùng Quán hơi khiên cưỡng và có sự cứng nhắc.
Nhưng nếu xét theo tư duy logic cùng sự phân tích cặn kẽ câu từ thì có lẽ Phùng Quán và những người bảo vệ ông đã thắng thế. Hoa sen mọc lên từ bùn chứ không đơn thuần chỉ “gần bùn”. Chữ "gần" không chỉ phản ánh sai sự thật khách quan về đặc tính sinh học của loài hoa này mà đồng thời nó còn vẽ lên một tư thế ngạo mạn, kiêu kì, chối bỏ nguồn gốc - nơi đã sinh dưỡng ra loài hoa "không tanh mùi bùn".
Quả thật, dù có nghĩ theo hướng nào đi chăng nữa thì chúng ta cũng không thể phủ nhận sự phát hiện mới mẻ, trần trụi của cố nhà văn Phùng Quán. Với cá tính mạnh mẽ và ương ngạnh của ông, có thể lời lẽ của bài thơ Hoa sen hơi khó chấp nhận so với quan điểm truyền thống nhưng nhờ đó mà chúng ta thấy được khiếm khuyết của bài ca dao đã trở thành một biểu tượng hoàn hảo trong văn học dân gian Việt Nam.
Bảo Trang
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Chuyên mục Đa Chiều đưa ra những góc nhìn khác nhau về các vấn đề thời sự - xã hội nóng thu hút dư luận. Độc giả có thể bày tỏ quan điểm cá nhân, đồng tình hoặc phản biện về vấn đề quan tâm. Xin vui lòng gửi thư về địa chỉ: toasoan@nguoiduatin.vn. Mọi quan điểm của độc giả đều cần được tôn trọng! |