Tố giác nhiều, khởi tố ít
Phóng viên: Thưa ông, nhiều bị cáo ra tòa phản cung, tố giác mình bị dùng nhục hình, bức cung trong quá trình điều tra. Ông nghĩ như thế nào về vấn đề này?
+ TS Phạm Mạnh Hùng: Trong năm năm (2006-2010), căn cứ các tin báo, tố giác tội phạm, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã thụ lý 63 vụ có dấu hiệu bức cung, dùng nhục hình nhưng chỉ có căn cứ khởi tố, điều tra bảy vụ (10 bị can) về tội dùng nhục hình.
Thực tế này cho thấy có những hạn chế, bất cập trong các quy định của BLHS hiện hành về tội dùng nhục hình (Điều 298 BLHS) và tội bức cung (Điều 299 BLHS). Cái khó nhất là chứng cứ chứng minh hành vi sai phạm của người tiến hành tố tụng, dẫn đến tin báo tố giác nhiều nhưng có căn cứ khởi tố, điều tra thì rất ít.
Tuy nhiên, trong hai năm 2011-2012 và sáu tháng đầu năm 2013, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã thụ lý 21 vụ, khởi tố, điều tra 13 vụ (26 bị can) về tội dùng nhục hình. Như vậy, gần đây số tin báo tố giác bức cung, dùng nhục hình giảm xuống đáng kể nhưng số vụ được khởi tố, điều tra lại tăng lên cho thấy có những tiến bộ đáng kể trong nhận thức và phương pháp xem xét, giải quyết loại tội phạm này của các cơ quan chức năng.
Một điều rất đáng chú ý là trong 10 năm qua, mặc dù có những tin báo, tố giác về hành vi dùng nhục hình, bức cung nhưng Cơ quan điều tra VKSND Tối cao chỉ khởi tố một số vụ về tội dùng nhục hình chứ chưa khởi tố vụ nào về tội bức cung cả.
Vì sao, thưa ông?
+ Tội bức cung và tội dùng nhục hình rất gần nhau, phần lớn trong các vụ án thì cán bộ tư pháp dùng vũ lực (đánh đập) nhằm mục đích bức cung nên đã bị khởi tố, xét xử về tội dùng nhục hình. Còn việc chỉ dùng lời nói đe dọa, dụ dỗ, tác động về mặt tinh thần, hạn chế gặp người thân thăm nuôi… để ép buộc khai sai sự thật thì lại càng khó chứng minh về chứng cứ nên khó khởi tố về tội bức cung.
Theo TS Phạm Mạnh Hùng, BLTTHS nên quy định việc lắp camera theo dõi ở những nơi lấy lời khai của bị can để tránh việc nhục hình, bức cung. (Ảnh chỉ mang tính minh họa)
Ngoài ra, theo BLHS hiện hành, tội bức cung có cấu thành vật chất, đòi hỏi dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm là gây hậu quả nghiêm trọng nên càng khó khởi tố. Thậm chí nếu chứng minh được có hành vi bức cung (hứa hẹn, dụ dỗ, mớm cung, dẫn cung) mà không chứng minh được có gây hậu quả nghiêm trọng thì cũng đành chịu. Vì vậy, theo tôi, cần sửa đổi tội này theo hướng cấu thành tội phạm hình thức (chỉ cần có hành vi trái pháp luật, ép buộc người bị thẩm vấn khai trái với ý muốn của họ mà không bắt buộc có hậu quả nghiêm trọng).
Giải pháp hạn chế
Thưa ông, trong phòng hỏi cung chỉ có điều tra viên và bị can. Vì vậy, việc các tòa yêu cầu bị can cung cấp chứng cứ mình bị đánh đập, bức cung có phải là “nhiệm vụ bất khả thi”? Nên chăng quy định việc hỏi cung bắt buộc phải có mặt người bào chữa, nếu bản cung nào không có chữ ký của người bào chữa sẽ không được chấp nhận là chứng cứ hợp pháp trong vụ án, thưa ông?
+ Theo tôi, hiện nay chưa thể quy định “cứng” là bắt buộc việc lấy lời khai phải có mặt người bào chữa bởi lẽ số lượng luật sư nước ta còn ít, không đủ đáp ứng điều kiện này. Thực tế, không phải vụ án hình sự nào bị can cũng mời luật sư, còn luật sư chỉ định chỉ có trong một số trường hợp bắt buộc. Ngay cả khi bị can có mời luật sư thì cũng gặp nhiều “phát sinh” trở ngại từ chính các luật sư. Chẳng hạn luật sư hôm ấy không khỏe hay bận đi cãi cho thân chủ khác… Không lẽ các hoạt động điều tra vụ án cứ phải dừng toàn bộ để “chạy” theo lịch làm việc của luật sư? Thế thì án dồn, tồn đọng, vi phạm thời hạn tố tụng… cũng ảnh hưởng đến quyền lợi của chính bị can. Chưa kể, thực tế vẫn có những tình huống câu kéo “làm khó” nhau vì mục đích riêng.
Nếu không có “người thứ ba” chứng kiến buổi hỏi cung, vậy có cách nào khác để phòng ngừa, phát hiện, thu thập chứng cứ về hành vi dùng nhục hình, bức cung, thưa ông?
+ Tôi nghĩ BLTTHS nên quy định việc lắp camera theo dõi ở những nơi lấy lời khai của bị can. Khi có tố giác về hành vi dùng nhục hình, bức cung thì người có thẩm quyền có thể kiểm tra băng ghi hình để xác định rõ sự thật. Điều này tốt cho cả hai phía: Bị can không phải lo bị dùng nhục hình, bức cung mà điều tra viên cũng tránh được rủi ro là bị tố giác oan, mang tiếng oan. Tất nhiên, cũng cần có một cơ chế kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo bí mật điều tra.
Ngoài ra, luật cũng nên ghi nhận “quyền không đưa ra những lời khai chống lại mình” hay “quyền im lặng” của người bị tình nghi, bị can, bị cáo. Trên cơ sở đó, Điều 308 BLHS về tội từ chối khai báo nên được sửa đổi theo hướng loại trừ trách nhiệm hình sự của người bị tình nghi, bị can, bị cáo.
Xin cảm ơn ông.
Bổ sung thêm tình tiết định khung tăng nặng Đối với tội dùng nhục hình và tội bức cung, BLHS hiện hành chỉ quy định các khung hình phạt theo mức độ thiệt hại là gây hậu quả nghiêm trọng, gây hậu quả rất nghiêm trọng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Để phân hóa trách nhiệm hình sự cụ thể hơn, làm cơ sở để cá thể hóa hình phạt một cách chính xác, công bằng, đối với hai tội này cần bổ sung các tình tiết tăng nặng định khung như phạm tội có tổ chức, phạm tội nhiều lần đối với một người hoặc đối với nhiều người, phạm tội đối với người chưa thành niên. Ngoài ra, với tội bức cung cần bổ sung thêm tình tiết tăng nặng định khung là dùng nhục hình. Ông NGUYỄN QUỐC VIỆT, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp), phát biểu tại hội thảo về hoàn thiện các quy định của BLHS nhằm bảo vệ các quyền cơ bản của công dân trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam ngày 23-7 |
Theo Bình Minh (Pháp luật TP HCM)