Cha của hai đứa con tự kỷ
Sau ngày đất nước giải phóng, Huỳnh Tấn Mẫm có mười năm gắn bó với chương trình hiến máu nhân đạo trong thời gian công tác tại hội Chữ thập đỏ TP.HCM. Sau đó, ông còn gắn bó với nhiều tổ chức từ thiện xã hội nhằm giúp đỡ cho những người dân nghèo khó. Sau mối duyên với người vợ trước không trọn vẹn, được sự khuyến khích của hai cô con gái, ông đã đi bước nữa và quyết định thụ tinh trong ống nghiệm vì tuổi đã cao. Hai đứa con trai kháu khỉnh chào đời và lớn lên như mọi đứa trẻ bình thường khác.
Thế nhưng, khi được 2 tuổi, tự dưng hai cậu con trai bé bỏng mất dần khả năng giao tiếp. Bác sĩ Mẫm chia sẻ: "Trường mẫu giáo không nhận các cháu vào lớp học. Gia đình tôi lo lắng nhưng cứ nghĩ chắc các cháu chỉ chậm phát triển, mãi đến khi các con 5 tuổi, tôi mới để ý thấy trí não của cháu không bằng lúc 2 tuổi nữa. Đưa các cháu đi bệnh viện Nhi đồng 2 khám thì mới biết là cháu mắc chứng tự kỷ".
Trẻ tự kỉ dưới mái nhà chung tại trường chuyên biệt Khai Trí
Ông lục tìm tài liệu về căn bệnh này, tìm người để học, ở đâu có tọa đàm về tự kỷ là ông đi. Cứ như vậy, dần dần những mối quan hệ xung quanh toàn là những phụ huynh có con tự kỷ. "Chúng tôi đã thành lập một chi hội trẻ tự kỷ thuộc hội Trẻ tàn tật TP.HCM. Thế nhưng, băn khoăn chung của các phụ huynh là muốn cho con mình học trường chuyên biệt nhưng chưa biết học ở đâu, vì thường các trường dạy cho trẻ khuyết tật nói chung chứ chưa chuyên về trẻ tự kỷ", bác sĩ Mẫm cho hay.
Chính vì vậy, bác sĩ Mẫm đã vận động những người bạn cùng hoạt động trong phong trào sinh viên học sinh trước đây chung tay mở trường chuyên dạy trẻ tự kỷ. Sau khi thành lập được mái nhà chung, bác sĩ Mẫm miệt mài cùng đồng nghiệp của mình tìm kiếm ra những biện pháp trị liệu tốt nhất gắn liền với từng bữa ăn, từng cái đồ chơi của trẻ. Bác sĩ Mẫm cho biết: "Hầu hết những đứa trẻ tự kỷ đều mê nước, mất thăng bằng cảm giác, khóc rất nhiều và không nói được. Vì vậy việc chữa trị cho trẻ tự kỷ khó khăn nhiều lắm".
Những đứa trẻ từ hành tinh khác
Theo bác sĩ Mẫm, sự mất thăng bằng cảm giác của trẻ tự kỷ không giống nhau mà mỗi đứa một vẻ, muôn hình vạn trạng. Nhiều đứa mất thăng bằng về thị giác nên mỗi lần nhìn thấy ánh sáng sáng quá là nó nhìn đi nơi khác. Có cháu thì chỉ cần nghe một âm thanh, tiếng động nhẹ là bỏ chạy hoặc bịt lỗ tai lại. Có những cháu thì chỉ ăn được một món ăn duy nhất. Thậm chí, nhiều cháu còn đập đầu ăn vạ, đánh người khác một cách vô cớ. Nói chung, những đứa trẻ tự kỷ giống như những người ở hành tinh khác xuống Trái đất.
Để trẻ tìm lấy lại sự thăng bằng trong các giác quan và nhận ra mình là ai, ông đã đặt tại phòng tắm những tấm kính lớn để trẻ nhìn vào đó mà biết được trên cơ thể mình gồm có những bộ phận gì; tập cho trẻ quen với mùi vị của những món ăn khác ngoài những thứ chúng thích bằng cách pha trộn các loại thức ăn này với nhau. Ông lấy từng cái bàn chải chà lên áo để kích thích cảm giác ở da, từ đó làm cho não bé quen dần với kích thích này hoặc dùng những trái banh có gai, những chiếc cầu uốn lượn, để tăng cường sự điều chỉnh của não.
Không chỉ vậy, bác sĩ Mẫm còn cùng với các cô giáo tìm hiểu sở thích, năng khiếu của trẻ thông qua từng cử chỉ, điệu bộ hay ánh mắt. Từ đó khai thác, chuyển hóa để sau này hướng cho trẻ một nghề nghiệp thích hợp với năng lực trong tương lai. Nếu không, nó sẽ là gánh nặng cho gia đình và xã hội. "Công việc quá tải lại phải chạy vạy khắp nơi, nhiều lúc tôi bị căng thẳng vì stress nằm cả tháng trời", ông Mẫm chia sẻ.
Niềm vui đầu tiên ông gặt hái được sau bao ngày vất vả khi một ngày chứng kiến cuộc điện thoại của một cháu bé gọi về cho mẹ nói: "Mẹ ơi!" rồi cả ba và mẹ đứa trẻ cùng òa khóc. Được trị liệu bằng biện pháp giáo dục chuyên biệt cho trẻ tự kỷ, hai người con trai của ông đã dần tiến triển. Một cháu đã học lớp 4 trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn, cháu còn lại phát triển chậm hơn, chưa học chữ được nhưng đã cho ông ôm ấp, nói chuyện, vui chơi cùng với mọi người, khi ông ngủ đâu cháu cũng tìm đến để nằm bên cạnh.
Thơ Trịnh