Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo tổng cục Môi trường, bộ TN&MT; đại diện lãnh đạo các bộ NN&PTNN, bộ Xây dựng, bộ Công An; lãnh đạo UBND các tỉnh Hà Nam, Nam Định cùng lãnh đạo sở TN&MT các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Hòa Bình, Ninh Bình, Nam Định.
Nâng cao chất lượng quản lý, đầu tư, bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy
Năm 2017, với sự chỉ đạo, điều hành của Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy được triển khai tích cực và có những kết quả đạt được nhất định, trong đó hệ thống cơ chế, chính sách trong công tác bảo vệ môi trường nói chung đã từng bước xây dựng và dần hoàn thiện từ trung ương đến địa phương.
Hệ thống quan trắc, giám sát môi trường và cơ sở thông tin dữ liệu được các tỉnh, thành phố chú trọng đầu tư, đặc biệt là tăng cường mạng lưới quan trắc, giám sát chất lượng nước mặt và hệ thống tiếp nhận thông tin, dữ liệu quan trắc tự động liên tục từ các đối tượng phải lắp đặt quan trắc tự động nước thải theo quy định của pháp luật, phục vụ cho công tác quản lý bảo vệ môi trường tại các địa phương.
Các tỉnh, thành phố đã triển khai gần 70 dự án, công trình hạ tầng, mô hình quản lý, bảo vệ môi trường trong lưu vực với kinh phí hàng chục nghìn tỷ đồng như: dự án trồng rừng bảo vệ đầu nguồn sông Nhuệ - sông Đáy tại Hòa Bình; mô hình xử lý môi trường làng nghề của tỉnh Hà Nam, Ninh Bình và Hà Nội; đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải y tế cho bệnh viện tại các tỉnh, thành phố trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy... Đặc biệt, dự án xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá có công suất 270.000 m3/ngày, giá trị đầu tư gần 19.000 tỷ đồng với hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt hiện đại.
Đối với công tác thống kê, điều tra nguồn nước xả thải ra lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đã được phối hợp thực hiện từ Trung ương tới địa phương. Mặc dù công tác này vẫn chưa được thực hiện thường xuyên hàng năm và triển khai chưa được đồng bộ, thống nhất, nhưng việc kiểm soát và đánh giá nguồn thải đã dần dần đi vào nhận thức của các ngành, các cấp trong công tác bảo vệ môi trường lưu vực sông. Công tác kiểm soát ô nhiễm do nước thải công nghiệp, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Đồng thời, các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức cho tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng nói chung được tăng cường mạnh mẽ. Đặc biệt là nhận thức của cấp ủy, lãnh đạo UBND các cấp và người dân ven sông về vai trò, trách nhiệm đối với công tác bảo vệ môi trường ven lưu vực sông.
Ngoài ra, sự tham gia, phối hợp của các Bộ, ngành trong năm qua đã tích cực hơn, đặc biệt là sự tham của lực lượng Cảnh sát môi trường, Bộ Công an. Một số địa phương đã chủ động đề xuất các vấn đề môi trường cấp bách cần giải quyết liên vùng, liên tỉnh, kịp thời giải quyết các phản ánh từ thông tin báo chí, người dân.
Bên cạnh đó, các hoạt động của Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy vẫn còn một số tồn tại chủ yếu xuất phát từ cơ chế tổ chức, hoạt động của Ủy ban vẫn còn khó khăn do không có nguồn lực cụ thể để triển khai các dự án, hoạt động chung trên toàn lưu vực. Lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy là khu vực có tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hoá nhanh dẫn đến tình trạng môi trường diễn biến nhanh và phức tạp, nhiều vấn đề ô nhiễm còn tồn tại kéo dài, gây bức xúc trong dư luận và ảnh hưởng đến đời sống nhân dân trong lưu vực. Các biện pháp, công trình và phi công trình về bảo vệ môi trường cũng đã được triển khai nhưng chỉ mới làm giảm tốc độ gia tăng ô nhiễm chưa chưa xử lý dứt điểm triệt để.
Kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở xả thải gây ô nhiễm lưu vực sông
Tại cuộc họp, đại diện các Bộ, UBND tỉnh, các sở của các địa phương Hà Nam, Hà Nội, Ninh Bình, Hoà Bình, Nam Định thuộc lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy cũng tham gia đóng góp những ý kiến tồn tại, những phương hướng, định hướng để phát triển và nâng cao công tác bảo vệ môi trường trong lưu vực. Trong đó, một số các ý kiến tập trung vào những vấn đề thu hút đầu tư để xây dựng các nhà máy thu gom nước thải tại địa bàn địa phương xảy ra ô nhiễm nặng, ưu tiên nâng cấp công suất, trang thiết bị hiện đại cho những nhà máy hiện nay đang hoạt động trên địa bàn; xây dựng các dự án đầu tư vận chuyển nước từ sông Hồng vào để lấy nước tưới tiêu, phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Ngoài ra, các ý kiến cũng đề nghị phải quản lý chặt chặt chẽ công tác xả thải, khi địa phương phát hiện ra nguồn nước có nguy cơ ô nhiễm thì phải thông tin cho các tỉnh bạn biết để xử lý, phòng ngừa; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất và có chế tài xử lý thật nghiêm ngặt với những cơ sở xả thải ô nhiễm ra môi trường.
Đặc biệt, phát biểu tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Nguyễn Phùng Hoan cho biết, với những tỉnh có hệ thống sông bị ô nhiễm thì không thể có sản phẩm nông nghiệp sạch được, kèm theo đó là những ảnh hưởng về sức khoẻ, dịch bệnh, giống nòi phát triển của các thế hệ mai sau. Đồng chí Phó chủ tịch cũng cương quyết chỉ ra rằng khi phát hiện ra những cơ sở gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thì phải đình chỉ hoạt động và khắc phục những hậu quả đã gây ra. Trên góc độ quản lý nhà nước, đồng chí Nguyễn Phùng Hoan đề nghị Bộ có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị làm việc với các tỉnh, thành và phải gắn trách nhiệm của các tỉnh, thành phố nếu để xảy ra tình trạng xảy ra nhiều cơ sở xả thải gây ô nhiễm môi trường...
Phát biểu tổng kết cuộc họp, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đồng tình với những ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương về công tác bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy. Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cũng đồng tình với ý kiến phải gắn trách nhiệm của Tỉnh, Thành phố với mức độ ô nhiễm tại địa phương.
Ngoài ra, với thực trạng ô nhiễm như hiện nay trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, Thứ trưởng chỉ đạo UBND tỉnh Hà Nam, đối với các đoạn sông đang bị ô nhiễm phải tạm thời dừng các hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm cho mục đích sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt cho đến khi chất lượng nước được cải thiện, rà soát điều chỉnh lại kế hoạch lấy nước đổ ải phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2018. Chỉ đạo tổ chức quan trắc môi trường nước các sông trên địa bàn với tần suất nhiều hơn nữa, thông báo kịp thời kết quả quan trắc để các cơ quan, tổ chức và người dân sử dụng nguồn nước biết và chủ động kế hoạch sản xuất, sinh hoạt. Chỉ đạo rà soát các nguồn xả nước thải trên địa bàn hệ thống sông Nhuệ - sông Đáy, xử lý nghiêm những cụm, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất xả nước thải không đạt quy chuẩn cho phép.
Đối với UBND thành phố Hà Nội, Thứ trưởng đề nghị đơn vị quản lý phải chỉ đạo công ty Khai thác công trình thuỷ lợi sông Nhuệ cho mở cống Liên Mạc để lấy nước sông Hồng bổ sung nhằm làm tăng lưu lượng nước sông Nhuệ và làm loãng nồng độ độc các chất ô nhiễm. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án xử lý nước thải và cải tạo, nạo vét hệ thống thuỷ lợi trên sông Nhuệ - sông Đáy, thanh tra, kiểm tra các nguồn xả thải ngăn chặn không cho xả thải trực tiếp ra sông Nhuệ.
Đối với các bộ TN&MT, bộ Xây dựng, bộ NN&PTNN, Thứ trưởng yêu cầu phải phối hợp với các địa phương, UBND tỉnh Hà Nam, TP.Hà Nội tổ chức thanh tra đột xuất đối với các cụm, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có lưu lượng nước thải lớn trên lưu vực sông; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, kể cả biện pháp đình chỉ sản xuất và đóng cửa.
Bộ NN&PTNN phối hợp với UBND tỉnh Hà Nam, TP.Hà Nội vận hành hệ thống thủy lợi và điều tiết dòng chảy từ sông Hồng vào sông Nhuệ - sông Đáy theo quy định, quy trình trình vận hành liên hồ chứa.
Bộ Xây dựng phối hợp với các tỉnh xây dựng các nhà máy xử lý nước thải, nước thải sinh hoạt tại các khu đô thị tập trung, khu công nghiệp... Yêu cầu các chủ đầu tư, dự án của các cụm, khu công nghiệp, khu đô thị phải xây dựng các hệ thống xử lý nước thải đảm bảo đúng quy chuẩn trước khi xả ra môi trường.
Bên cạnh đó, phải tập trung quyết liệt, mạnh mẽ vào công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường. Xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Tổ chức di dời và hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất nằm xem lẫn trong các khu dân cư, vùng đô thị vào các khu, cụm công nghiệp tập trung. Tăng cường công tác thẩm định, cấp phép nhằm phát huy hiện quả trong công tác phòng ngừa ô nhiễm. Tăng cường xúc tiến đầu tư, đa dạng hoá các nguồn đầu tư để triển khai các nhiệm vụ, dự án có kiên quan trên lưu vực sông...
"Lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy là khu vực có tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hoá dẫn đến tình trạng môi trường diễn biến nhanh và phức tạp. Chúng ta cần phải có những hành động mạnh mẽ hơn nữa để bảo vệ môi trường các lưu vực sông này, kiên quyết “không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế" đúng như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ" - Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.
Theo Khương Trung (Monre.gov.vn)