Toàn là con gái
Giáo sư Trần Văn Khê cho biết, gánh hát Đồng Nữ Ban do bà Ba Viện (Giáo sư Trần Văn Khê gọi là cô ruột, tên thật của bà là Trần Ngọc Viện) sáng lập. Bà Ba Viện là người làng Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, Tiền Giang ngày nay. Nói một chút về cuộc đời bà Ba Viện. Bà có chồng là con một ông Phán nhưng mất sớm. Bà sống chung tình cho tới khi qua đời. Đến khoảng năm 1915 - 1916, được một người bạn giới thiệu, bà lên Sài Gòn và dạy học. Bà Ba Viện được nhận vào trường Nữ Học Đường (hay còn gọi là trường áo Tím, sau này là trường Gia Long và trường Nguyễn Thị Minh Khai ngày nay) dạy môn đàn của khoa Gia Chánh. Vốn là một người biết nhiều điệu hát, lại biết sử dụng nhiều loại nhạc cụ dân tộc, điêu luyện nhất là đàn thập lục (hay còn gọi là đàn tranh như bây giờ) và đàn tỳ bà nên bà rất được coi trọng tại trường. Ngoài ra, người ta còn biết đến bà Ba Viện với nhiều tài khác như may vá, thêu thùa.
Gánh hát Đồng Nữ Ban giờ chỉ còn lại trong tiềm thức của một số người
Khi giảng dạy tại trường Nữ Học Đường bà đọc nhiều sách báo tiến bộ, được biết đến nhiều nhà yêu nước thời ấy. Chính vì vậy, bà bị tình nghi là theo cách mạng cùng với em rể mình, tức ông Nguyễn Văn Bá, chủ bút tờ báo Thần Chung. Tuy nhiên, đó cũng chỉ mới là sự nghi ngờ. Đến năm 1926, sau khi dự đám tang cụ Phan Chu Trinh, một nhà yêu nước chống Pháp, bà bị trường Nữ Học Đường sa thải. Kể từ đó, trường áo Tím cũng không còn môn dạy đàân nữa.
Về lại quê nhà, bà tiếp tục các hoạt động của mình. Đến năm 1927, bà đứng ra thành lập gánh hát Đồng Nữ Ban quy tụ những cô gái trong vùng. Đồng Nữ Ban không phải là đàn bà mà là các cô gái ở làng Vĩnh Kim và các làng lân cận như: Bình Hòa Đông (Đông Hòa ngày nay), Rạch Gầm, Kim Sơn, Đông Hưng. Các cô gái này xuất thân trong các hoàn cảnh gia đình khác nhau, đa phần là nông dân, thậm chí có cả con nhà địa chủ. Họ chưa đi hát lần nào. Tuy nhiên, không phải ai cũng được vào gánh hát này mà phải qua buổi thử giọng và diễn thử do cô Ba tuyển lựa.
Khi được chọn lựa, các diễn viên sẽ được cô Ba đưa về tại làng Đông Hòa để đào tạo. Tại đây, các cô gái được học về nghệ thuật, văn hóa và cả võ thuật. Họ học như những nữ sinh nội trú bây giờ. Ngoài giờ học hát, học diễn thì còn có lịch học văn hóa, may vá, thêu thùa, nữ công gia chánh. Lịch học được sắp xếp theo một trình tự nhất định trong cả tuần và có quy định nghiêm ngặt cho việc thực hiện. Riêng cách ăn nói, đi đứng, trang phục luôn phải nhẹ nhàng, khéo léo, kín đáo và nghiêm túc. Ví như, đi chợ, đi hát thì các cô gái bắt buộc phải mặc áo dài tím (giống như những nữ sinh trường áo Tím), tóc phải bỏ xõa, kẹp sau lưng và sắp hàng hai. Còn ở nhà, các cô gái thường mặc áo bà ba. Sau khi lĩnh hội được những kiến thức căn bản và biết diễn xuất thì gánh đi diễn. Họ di chuyển, ăn ở trên ghe lớn, loại dành cho 50, 60 người sinh hoạt.
Giáo sư Trần Văn Khê cũng từng được cô Ba Viện nuôi dạy khi còn bé
Đoản mệnh
Giáo sư Trần Văn Khê cho biết, các vở diễn, cô Ba đều lấy trong tiểu thuyết giả sử Giọt lệ chung tình của Nguyễn Hữu Ngỡi (hay còn gọi là Nghĩa). Cô không bao giờ lấy các điển tích hay chuyện trong lịch sử Trung Quốc như một số các gánh hát thời ấy vẫn thường làm. Thầy tuồng là Ông Nguyễn Tri Khương (giáo sư Trần Văn Khê gọi bằng cậu Năm), sắp lớp, đặt tuồng và đổi tên tuồng là Giọt lệ chung tình. Lời văn theo thể biền ngẫu, có vần điệu và đối đáp.
Giáo sư Trần Văn Khê kể lại câu chuyện về Võ Đông Sơ và Bạch Thu Hà mà gánh hát Đồng Nữ Ban thời ấy diễn rất thành công: "Vào một buổi chiều, Bạch Thu Hà lên chùa lễ phật, thấy cảnh vắng vẻ, một tên côn đồ đã dùng vũ lực để cướp nữ trang. Trước cảnh bất bình, Võ Đông Sơ ra tay nghĩa hiệp, đánh tên côn đồ chạy mất vía và trả lại nữ trang cho cô gái. Sau khi tìm hiểu, Bạch Thu Hà thấy chàng trai không chỉ ăn nói có duyên, tuấn tú mà còn biết, chàng là người có văn võ song toàn, học rộng tài cao nên đem lòng yêu mến. Hai người như gặp nhau từ thuở nào, Bạch Thu Hà trao chiếc trâm cài và thề non hẹn bể với chàng trai Võ Đông Sơ.
Đến kì thi võ trạng nguyên, có môn thi bắn cung, Võ Đông Sơ bắn trúng đích 3 mũi liên tục còn người cạnh tranh với chàng là Bạch Thiên Hương (anh ruột Bạch Thu Hà) lại chỉ trúng 2 mũi. Thế là võ trạng nguyên thuộc về Võ Đông Sơ. Tức vì thua cuộc, Bạch Thiên Hương yêu cầu đấu với với Võ Đông Sơ để phân tài cao thấp, nhưng các quan khảo thí đã không cho phép và công nhận tân võ trạng nguyên là Võ Đông Sơ.
Tức chuyện thua cuộc, Bạch Thiên Hương về nhà, lấy quyền huynh thế phụ (vì cha mất sớm) gả Bạch Thu Hà cho một công tử bột giàu có, tên Vương Bích. Không đồng ý, Bạch Thu Hà viện lý do là chưa mãn tang cha nhưng vẫn bị ép buộc. Nàng trốn khỏi nhà để trọn tình với Võ Đông Sơ. Trên đường lang thang, Bạch Thu Hà suýt mất mạng vì gặp phải cọp nhưng rồi cũng qua hoạn nạn. Thế nhưng khi gặp phải một bọn cướp thì nàng không thể thoát thân. Trại chủ của bọn cướp thấy Bạch Thu Hà xinh đẹp, ngỏ ý muốn cưới là trại phu nhân. Một lần nữa, nàng định trốn thoát nhưng không được vì bị canh giữ hết sức cẩn mật. Trước tình thế đó, nàng có ý định sẽ quyên sinh.
Trong khi đó, Võ Đông Sơ đã đậu trang nguyên và đi tuần thú gặp trại chủ của băng cướp là Triệu Dõng, một người bạn tri kỷ. Khi biết câu chuyện tình của bạn mình, Triệu Dõng đã bỏ ý định cưới Bạch Thu Hà và trả lại người yêu, cho trai tài gái sắc được gặp nhau. Vở tuồng đến đây là kết thúc, theo kiểu kết có hậu, nhân dân ai nấy xem đều vỗ tay hồi lâu không ngớt.
Cũng vì những vở diễn mang tính nhân văn cao, kết thúc có hậu và bênh vực những kẻ thấp cổ bé họng, yếu thế trong thời cuộc nên gánh hát Đồng Nữ Ban đã bị rút giấy phép, khi ra đời mới hơn một năm. Hơn thế nữa, nhiều đoạn, nhiều vở, chất cổ súy cho cách mạng thấy rõ nên gánh hát đã bị theo dõi liên tục. Ví như đoạn Võ Đông Sơ đánh bại tên cướp và dẫm chân lên tên tướng cướp hỏi: "Sao nhà ngươi đem cường quyền đạp công lý, mượn võ lực dốc tung hoành. Nhà ngươi có biết, phạm tự do thì xã hội dám hy sinh. Đạp công lý quốc dân đành xả mạng”. Tên cướp ngụy biện trả lời: "Nước non cũng vẫn nước non, kẻ lầu son kẻ sao phận bạc. Thân trâu ngựa nên tâm hồn cũng trâu ngựa”. Võ Đông Sơ ngắt lời và nói: "Nhà ngươi nên nhớ, lấy bạc tiền làm nô lệ cho thân hình, chớ nhà ngươi đừng để, vì tiền bạc mà thân hình làm nô lệ. Ôi tệ ôi rất tệ”. Riêng vở Giọt lệ chung tình thì diễn chưa được một năm, mới có một vài buổi ở Vĩnh Kim, vài buổi ở Sài Gòn. Nghe tin gánh hát Đồng Nữ Ban bị thu giấy phép hoạt động, nhiều người thời ấy chỉ biết tiếc nuối.
Giáo sư Trần Văn Khê cũng cho biết thêm, thời ấy, mỗi khi diễn, sân khấu cũng được cô Ba và cậu Năm bố trí sắp xếp hết sức khoa học. Mỗi màn, họa sỹ phải nắm được nội dung và có cách thể hiện phông sân khấu cho phù hợp. Thêm vào đó, giữa mỗi màn đều có một tấm ri đô màu đỏ kéo ngang. Trong lúc chờ đợi, khán giả sẽ được nghe các làn điệu nhạc dân tộc, chứ không có nhạc Tây như một số gánh hát khác thực hiện.
Diễn viên phải có võ Gánh hát này toàn là con gái vốn chân yếu tay mềm nhưng khi diễn các lớp, đoạn có võ thì bắt buộc phải học võ. Họ được thầy Hai, một võ sư dòng võ Bình Định dạy các đường quyền, đường roi, thế tấn và diễn với binh khí thật, chứ không phải các đạo cụ như ngày nay. Cái khó nhất, là đánh giá nhưng làm sao cho người xem thấy các nhân vật đánh thật. Chính vì thế, gánh hát này đã tạo được ấn tượng mạnh với công chúng thời ấy. |
Trung Nghĩa