Gánh lan rừng đưa con vào đại học

Thứ 6, 28/12/2012 00:01

Chị Tạ Thị Chân ở thôn Đồng Nhân (Đông La, Hoài Đức, Hà Nội) là một nữ doanh nhân sở hữu hàng ngàn giỏ lan với vài trăm loài khác nhau. Chị là một phụ nữ tần tảo, biết vượt lên số phận. Từ gánh lan rừng, chị đã đưa các con vào đại học.

Năm 18 tuổi, chị Chân thi đỗ vào trường Đại học Nông nghiệp I (Hà Nội). Nhưng vì gia đình khó khăn, chị không thực hiện được ước mơ trở thành một kỹ sư nông nghiệp. Bỏ dở việc học, chị Chân lấy chồng ở tuổi 20. Các con lần lượt ra đời, chị lại thêm khó khăn khi chồng ốm nặng, chị phải một tay chèo lái gia đình. Sau một năm ốm nặng, chồng chị qua đời khi đứa con thứ ba mới được 3 tuổi.

Chị Tạ Thị Chân bên những khóm hoa lan

Không chịu lùi bước trước cuộc sống khó khăn, chị nghĩ đến tương lai các con mình. Chị gửi con cho ông bà, một mình lang thang bán hoa dọc các con đường, lên Hà Nội đi dọc các con phố, các nẻo đường... hy vọng để kiếm được dăm đồng về nuôi con qua ngày.

Khi đã làm quen với hoa lan, chị quyết định phải đến tận gốc lấy với giá rẻ. Cuộc hành trình lên ngàn tìm hoa lan của chị được bắt đầu từ Miếu Môn (Hà Nội) đến Tân Lạc, Mai Châu (Hòa Bình) rồi tận rừng Cúc Phương (Ninh Bình). Cứ thế, chị dần có kinh nghiệm về việc chọn, trồng và bảo quản các loài hoa lan.

Chị đọc qua sách báo, học hỏi từ những người có kinh nghiệm về loại hoa này. Khi thấy nhu cầu chơi hoa lan của mọi người lên cao chị quyết định đầu tư vào việc kinh doanh lan rừng. Đất vườn đã có sẵn, chị dựng cột làm giàn, vay tiền từ Quỹ tín dụng của xã, của những người thân. Chị thu gom hoa lan ở khắp các nơi với giá thấp về phân loại và chăm sóc.

Nhiều lần thất bại nhưng không làm chị vơi đi ý chí làm giàu từ nghề này. Những mánh khóe của dân buôn như để cân cho nặng người bán đã ngâm nước suối, khi mua về lan chết vì úng, hoặc gió bão làm đổ giàn... một đôi lần chị phải chuyển nghề sang làm miến, bánh kẹo, lấy ngắn nuôi dài mong khi có điều kiện sẽ khôi phục nghề hoa.

Giấc mơ thoát nghèo cùng với sức lao động cần mẫn và tình cảm của những đứa con ngoan học giỏi là động lực khiến chị quyết vực dậy nghề ghép lan rừng. Của không phụ công người, ngày tháng khó khăn cũng qua đi, chị đã tìm thấy cho mình niềm vui trong sự cố gắng và gánh hoa lan ấy đã đưa con gái vào đại học.

Hiện nay, trên thị trường đã xuất hiện nhiều giống lan công nghiệp, chị nghĩ: "Nếu mình cũng kinh doanh hoa công nghiệp như bao người thì sẽ rất khó cạnh tranh và không tạo ra được sự khác biệt. Vì thế, tôi nghĩ đến lan rừng và gắn bó đời mình với nó".

Chị tìm đến những người trồng lan lâu năm, sưu tầm sách, báo nói về hoa lan, cách chăm sóc, nuôi dưỡng... lan rừng. Chị vận động anh em, họ hàng vay tiền đầu tư làm giàn, thu gom lan từ các nơi về phân loại, rồi cấy ghép. Bằng sự miệt mài, sức lao động cần mẫn, vườn lan ngày một xanh tươi, dần dần nó đã cho thu nhập, giúp gia đình bớt phần khó khăn. Chị còn trợ giúp kỹ thuật cấy ghép cho nhiều hộ trồng hoa trong xã. Vì thế, mỗi khi gặp sự cố về thời tiết mọi người lại tìm đến chị.

Đến nay, vườn lan mang tên Huyền Chân của chị đã có hàng ngàn giỏ với gần 200 loài, trong đó có rất nhiều loài quý hiếm. Nhiều khách hàng đến tận vườn tìm mua, có những khách nước ngoài và Việt kiều đến từ Đức, Thụy Điển, Anh... Họ rất thích Lan Hài của rừng Việt Nam mà ở vườn của chị có đủ các loại Lan Hài thu thập trong nước. Đó chính là thế mạnh, là ưu thế ở vườn lan rừng của chị Chân.

Thủy Yến

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.