Cô Sarah Ronan từng phải nghỉ việc trông con vì không đủ khả năng chi trả chi phí cho con đi nhà trẻ.
“Cũng giống như bao bậc phụ huynh khác, tôi phải dành dụm và quản lý chi tiêu sao cho hợp lý và hiệu quả. Trước đây, con trai tôi, trong một tuần, chỉ đi lớp 2 ngày, và những ngày còn lại do ông bà nội hoặc ông bà ngoại trông”, cô Ronan, trưởng dự án Liên minh Giáo dục mầm non và Chăm sóc trẻ của Women’s Budget Group ở Vương quốc Anh, cho biết.
“Nhưng mọi thứ thay đổi khi ông bà hai bên không còn đủ sức khỏe để trông cháu nữa. Thế nên tôi đang phải chi 1.200 bảng Anh (1.356 Euro) mỗi tháng để cho con đi nhà trẻ 5 ngày một tuần, trong khi thu nhập sau thuế mỗi tháng của tôi chỉ là 1.700 Bảng (1.921 Euro)”, cô nói với Euronews.
Câu chuyện của cô Ronan là tình trạng phổ biến ở Vương quốc Anh, đất nước có chi phí chăm sóc trẻ em cao nhất châu Âu, đồng thời cũng là nơi phụ nữ gặp nhiều khó khăn trong công việc sau khi lập gia đình.
“Cú đấm bồi” từ khủng hoảng sinh hoạt phí
Cuộc khảo sát gần đây nhất được thực hiện bởi Tổ chức từ thiện Pregnant Then Screwed cho thấy, 75% thu nhập của cha mẹ ở Anh là để chi trả cho việc chăm sóc con cái.
Vào năm 2022, Anh trở thành quốc gia có chi phí chăm sóc trẻ đắt đỏ nhất trong số các nước phát triển, khiến hàng nghìn người tại khắp các thành phố ở “xứ sở sương mù” tham gia cuộc biểu tình với tên gọi “Cuộc tuần hành của các bà mẹ” vào tháng 10 năm ngoái.
“Cho đến nay chính phủ vẫn chưa có bất kỳ hành động quyết liệt nào để giải quyết cái giá của lạm phát. Điều này dẫn đến việc chi phí chăm sóc trẻ em sẽ tăng thêm ít nhất 10% vào tháng 4 tới”, bà Joeli Brearley, người sáng lập tổ chức từ thiện Pregnant Then Screwed, cho biết.
“Học phí nhà trẻ trung bình mỗi năm là 14,000 Bảng Anh và chúng tôi dự đoán con số đó sẽ còn tăng thêm 1,000 Bảng mỗi năm”, bà Brearley nói với Euronews.
Cứ 3 cặp cha mẹ tham gia cuộc khảo sát thì có một trong số họ tiết lộ rằng họ đã phải dựa vào các hình thức vay nợ để chi trả các khoản cho con cái.
Trong bối cảnh khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở Anh khiến ngay cả những mặt hàng thiết yếu trong cuộc sống cũng trở thành gánh nặng, chi phí chăm sóc trẻ tăng cao càng khiến sự bất bình đẳng trong kinh tế xã hội trở nên trầm trọng hơn, và gây tác động không tương xứng đến phụ nữ, buộc họ phải giảm giờ làm việc hoặc rời bỏ lực lượng lao động.
Khoảng 1.7 triệu phụ nữ ở Anh đang làm việc với số giờ ít hơn bình thường do không đủ khả năng chi trả chi phí chăm sóc con trẻ, theo ước tính của tổ chức tư vấn Center for Progressive Policy có trụ sở tại London.
Tình thế trái ngược
90% trẻ em 3-5 tuổi và 1/3 trẻ dưới 3 tuổi ở các nước châu Âu được gửi đến các cơ sở chăm sóc trẻ em. Tuy nhiên, kinh phí nuôi trẻ giữa các quốc gia có sự chênh lệch rõ rệt.
Theo dữ liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), chi phí nuôi con ở Anh chiếm 52% thu nhập trung bình của phụ nữ, gấp 10 lần so với chi phí ở Đức và Áo – những nước vẫn đang chu cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em công cộng – chỉ chiếm 5% thu nhập của cha mẹ.
Ở đa số các nước châu Âu, cha mẹ được hưởng trợ cấp cao cho việc chăm sóc trẻ, phần nào đã giảm bớt áp lực tài chính của họ.
Ví dụ như ở Hà Lan, nơi mà thị trường bị chi phối bởi các nhà cung cấp dịch vụ tư nhân, chi phí chăm sóc trẻ chiếm 80% thu nhập trung bình của phụ nữ. Tuy nhiên, sau khi được chính phủ hỗ trợ, các bậc cha mẹ có thu nhập thấp chỉ phải chi trả 5% chi phí chăm con.
Ngoài ra, chính phủ Hà Lan đang lên kế hoạch triển khai chế độ trợ cấp 95% chi phí chăm sóc trẻ em cho các bậc cha mẹ đang đi làm vào năm 2025.
Ở Anh, dù chính phủ đã đầu tư 4 tỷ Bảng (4.52 tỉ Euro) để hỗ trợ chi phí chăm sóc trẻ trong suốt 5 năm qua, thông qua 8 phương thức hỗ trợ khác nhau, đây vẫn là nơi có chi phí nuôi con tốn kém nhất.
“Các phương thức hỗ trợ hiện có không còn đáp ứng được nhu cầu của các gia đình nữa”, cô Ronan chia sẻ.
Các gia đình trong hoàn cảnh khó khăn có thể đăng ký Chương trình Thuế Tín dụng Trẻ em của chính phủ Anh, hỗ trợ chi trả tới 85% chi phí chăm sóc trẻ em cho các hộ có thu nhập thấp xấp xỉ 16,000 Bảng (18,080 Euro) mỗi năm, nhưng số tiền này sẽ được thanh toán trả sau. Do đó, khoảng 1 triệu hộ gia đình ở Anh – mặc dù đủ điều kiện tham gia – đều không mặn mà với chương trình này.
Hệ thống Kita ở Đức vẫn còn bất cập
Trái ngược với tình huống ở Anh, chi phí chăm sóc trẻ trung bình ở các quốc gia như Đức chỉ tốn 1,310 Euro mỗi năm.
Từ năm 2013, trẻ em trên 12 tháng tuổi ở Đức có thể được gửi đến các trung tâm chăm sóc trẻ ban ngày, được gọi là Kita, tại các địa phương. Các Kita thường tính phí 70-150 Euro/tháng, nhưng khoản tiền này sẽ được nhà nước trợ cấp.
Cô Clara Gruitrooy, một nữ doanh nhân kiêm bà mẹ 2 con, chia sẻ rằng cô cảm thấy may mắn vì đã chuyển từ Hamburg đến Berlin sinh sống, nơi cô được hưởng dịch vụ chăm sóc trẻ em miễn phí.
Cô Gruitrooy hiện là Giám đốc của Working Moms chi nhánh Berlin, một hiệp hội các bà mẹ ở Đức có cùng chí hướng hỗ trợ lẫn nhau về cách cân bằng giữa nghề nghiệp và nghề “mẹ”.
“Nếu tôi không được hỗ trợ chi phí nuôi con cái, tôi không biết làm cách nào để có được vị trí như ngày hôm nay”, cô Gruitrooy chia sẻ với Euronews.
Dù Kita ở Đức khiến các nước như Anh phải ghen tị, mô hình này vẫn chưa thực sự hoàn hảo. Ở Đức, Kita đang đối mặt tình trạng thiếu nhân lực, trong khi các gia đình có con nhỏ vẫn xếp hàng dài để chờ đến lượt được gửi con ở đây, đặc biệt là trẻ em dưới 3 tuổi.
Theo một cuộc khảo sát do Viện Thanh niên Đức thực hiện năm 2020, 49% phụ huynh có con dưới 3 tuổi cho biết họ cần gửi con đến Kita, nhưng chỉ 24% cơ sở đáp ứng được thời gian mà họ muốn.
“Ở Đức, tìm được chỗ trông trẻ mới khó chứ giá cả không phải là vấn đề”, cô Gruitrooy chia sẻ dưới góc độ người từng trải, khi cô vừa đang xây dựng sự nghiệp của riêng mình vừa phải chật vật tìm chỗ gửi con.
Bởi vì cô có thể điều hành công việc trực tuyến nên cô vẫn đang cố gắng giải quyết ổn thoả mọi việc cho đến khi cô tìm được trung tâm Kita phù hợp để gửi con đến.
“Nếu bạn được tự do lựa chọn dịch vụ chăm sóc trẻ miễn phí thì đây không còn là vấn đề nan giải nữa”, cô Gruitrooy cho biết. “Vấn đề bây giờ sẽ chỉ xoay quanh về chất lượng, về sự bình đẳng và về dịch vụ”.
Nghiêm Mai (Theo Euronews, EU Policies)