Đi tìm nguồn gạo lậu
Trong vai một đại lý cần nguồn gạo Campuchia để phân phối và bán lẻ ở khu vực quận Gò Vấp, TP.HCM, PV liên hệ với một doanh nghiệp đang cung ứng gạo Campuchia tại quận Tân Phú. Người đại diện tên Lan cho biết: “Hiện gạo Campuchia đang có 2 loại, giá 30.000 đồng/kg và 20.000 đồng/kg...”.
Tuy nhiên, theo nguồn tin mà PV có được, nguồn gạo này chủ yếu là từ các vựa gạo từ các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) đưa về, nhiều nhất là ở chợ Bà Đắc, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Xuôi về miền Tây, vừa qua khỏi địa phận TX. Cai Lậy (Tiền Giang), PV đặt chân đến vựa gạo lớn nhất khu vực ĐBSCL. Tại đây, có hàng chục, thậm chí là hàng trăm cơ sở xay xát lúa gạo lớn nhỏ.
Hàng ngày, các loại phương tiện, chủ yếu là xe tải và container loại lớn ra vào tấp nập khu vực này. Ông Tám, chủ một cơ sở ở đây cho biết: “Nếu cần gạo Campuchia thì cũng có, hiện nay nguồn là từ các tỉnh như Kiên Giang, Đồng Tháp, An Giang... đưa về. Nếu anh cần lấy gạo thì tham khảo giá, đồng ý thì hai bên sẽ ký hợp đồng và tôi sẽ cung ứng nguồn cho anh”.
Tương tự, tại một số cơ sở khác tại khu vực này cũng khẳng định, có thể cung ứng nguồn gạo Campuchia cho PV. Để rõ hơn về nguồn lúa cung cấp cho các cơ sở xay xát này, PV tiếp tục tìm về khu vực biên giới huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Tại đây, hàng ngày hoạt động mua bán lúa diễn ra tấp nập. Điển hình, PV có mặt ở kênh Vĩnh Tế (huyện Tịnh Biên, An Giang) thì thấy có nhiều người chở lúa từ phía bên kia biên giới về Việt Nam. Các ghe thuyền chủ yếu là người chở thuê, làm công, còn chủ các lô hàng này là những thương lái, vựa lúa gạo lớn ở các tỉnh miền Tây.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Hồng, một thương lái mua gạo Campuchia về cho biết thêm: “Việc mua lúa cũng diễn ra cuộc cạnh tranh khốc liệt, giữa các thương lái. Do đó, để có lúa, các đầu mối đã giao cho người ở Campuchia đứng ra gom lúa rồi tiến hành đưa về Việt Nam qua các đường mòn”. Như vậy, hàng ngày đang có hàng chục, thậm chí hàng trăm tấn lúa từ Campuchia “chảy” về Việt Nam mà không qua khai báo, không làm thủ tục nhập khẩu, chỉ là do hoạt động mua bán của các thương lái.
Gạo lậu thành gạo trộn
Lúa ngoại nhưng không được khai báo hải quan, làm thủ tục nhập khẩu... là hàng lậu. Dù vậy, một số thương lái vẫn cố tình làm giá. Trong vai người cần mua lúa Campuchia, PV liên hệ người tên Vi ở xã An Cư (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) thì người này cho biết: “Hiện nay, việc thu gom lúa gạo ở Campuchia hết sức khó khăn, với lại giá đã tăng lên so với trước. Anh muốn mua thì tốt nhất nên lấy gạo thành phẩm, chứ lúa thì khó ăn đó. Nếu anh đồng ý, cứ báo số lượng, loại gạo, tôi sẽ báo giá cho anh”.
Theo ghi nhận của PV, hiện có một lượng lúa Campuchia được nhập về qua các đường tiểu ngạch. Như ở huyện Tịnh Biên, An Giang hàng ngày có hàng chục ghe thuyền đưa lúa từ bên kia biên giới (tỉnh Tà Keo của Campuchia) về các địa phận của tỉnh An Giang qua kênh Vĩnh Tế. Lượng lúa này, sau khi được đưa về tại các bến bãi tập kết ở Campuchia thì sẽ chạy theo đường mòn để đưa ra bờ kênh Vĩnh Tế, giáp giữa huyện Tịnh Biên.
Từ đây, lúa sẽ theo đường bộ hoặc đường thủy (chủ yếu là đường thủy) để đưa về tại vựa lúa gạo lớn nhất khu vực ĐBSCL là Bà Đắc ở xã An Cư, huyện Cái Bè, Tiền Giang. Tại đây có các nhà máy xay xát và tiến hành các khâu xét tuyển, lựa chọn, sau đó sẽ đóng gói bao bì. Tuy nhiên, điều đáng nói là lượng lúa mua về từ các tỉnh miền Tây cũng như Campuchia sẽ được trộn lại, sau đó đóng gói, phân phối đi khắp thị trường trong nước.
“Lúa Campuchia hay lúa trong nước được ghe thuyền chở đến tận các nhà máy xay xát, họ sẽ dùng ống, hút lúa trực tiếp từ ghe, thuyền vào trong kho chế biến. Ở trong đó, chẳng ai biết lúa nào là của Campuchia hay trong nước. Đến khi đóng bao bì thì họ muốn in tên gì cũng được”, ông Chín, một thương lái từng mua lúa cung ứng cho các cơ sở này tiết lộ.
Thực tế, tình trạng thu mua, vận chuyển lúa lậu từ Campuchia đã diễn ra nhiều năm nay, tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng khó xử lý. Điển hình như đối tượng Hou Nat (quốc tịch Campuchia) là một đầu nậu thu gom lúa từ Campuchia để bán cho các thương lái Việt Nam đã bị bắt giữ mới đây.
Thực tế, đối tượng này bị bắt giữ không phải do hành vi buôn lậu lúa mà vì vận chuyển số tiền mặt gần 200 triệu Riel (đơn vị tiền tệ Campuchia), tương đương gần 1 tỷ đồng Việt Nam. Hou Nat khai số tiền này là do bán lúa không khai báo (lúa lậu) trong năm 2017.
Rất khó kiểm soát Ông Trương Tấn Bửu, Trưởng phòng Nghiệp vụ cục Hải quan An Giang cho biết: “Do người dân ở vùng biên giới được phép mua bán, trao đổi hàng hóa, nông sản cho nên lượng lúa gạo hai bên giao dịch rất khó kiểm soát. Theo quy định, người dân biên giới sẽ được trao đổi hàng hóa có giá trị tối đa 2 triệu đồng/ngày nhưng không quá 4 lần/tháng. Hơn nữa, do tình trạng đặc thù của địa phương, người dân tiện đâu đưa về đó nên lúa cũng được đưa về Việt Nam nhiều”. Theo nhiều chuyên gia sự xuất hiện của gạo ngoại nhập lậu đang đe dọa nghiêm trọng thị trường gạo Việt Nam. |