Ăn gì đây, uống gì đây bây giờ?
80% các mẩu bánh canh, phở, bánh hỏi được xét nghiệm đều nhiễm chất tẩy trắng tinopal, một loại chất tẩy trắng sử dụng trong công nghiệp, tuyệt đối không dành cho thực phẩm vì rất nguy hiểm cho sức khoẻ của con người. Đó là thông tin từ TPHCM.
Ở Hà Nội cũng không sáng sủa gì hơn, 90% mẩu nước giải khát trên đường phố nhiễm khuẩn ecoli. Các nhà khoa học phân tích những tác hại do các chất độc trong thức uống đến sức khoẻ của con người, như có thể gây ngộ độc cấp, bệnh ung thư…
Chất tẩy tinopal được sử dụng trong công nghiệp dệt vải, cấm sử dụng trong sản xuất thực phẩm, nhưng dân mình coi thân xác như súc vải, cứ đổ tinopal vào thực phẩm để tẩy. Mỗi ngày ăn một bát phở hay bún có chứa chất này, nếu không đi bệnh viện vì ngộ độc cấp, thì trước sau cũng vào bệnh viện vì ung thư hay một căn bệnh nan y nào đó. Sức khoẻ, mạng sống của người Việt Nam mong manh quá. Ra đường như đi vào một cuộc chiến tranh, có thể bị xe đụng chết, bị một gã côn đồ chém, bị một nhánh cây rơi xuống đầu… và có thể chết hay nhập viện vì một bát phở chứa chất độc.
Gạo nhiễm độc, bún nhiễm huỳnh quang... ăn gì để sống thời nay?
Đó là chưa kể các loại rau với dư lượng thuốc bảo vệ thực vật rất cao như bồ ngót bán trên thị trường Hà Nội được "tắm" chất độc hại mà báo chí phát hiện. Ngoài ra, một lượng lớn rau quả nhập khẩu qua đường biên mậu cũng đầy rẫy các chất độc hại mà cho đến nay vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa phát hiện 5 mẫu thịt gà lấy trên thị trường có tồn dư kháng sinh cloramphenicol, loại chất từ lâu đã bị cấm sử dụng trong chăn nuôi vì nguy cơ gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Không chỉ miếng ăn, nhiều loại thức uống như trà túi lọc, nước giải khát đường phố và đồ gia dụng cũng trong tình trạng đáng báo động. Trong 81 mẫu thực phẩm và đồ gia dụng như hộp xốp, chén nhựa, muỗng nhựa, đũa tre có 27 mẫu không đạt vệ sinh, nhiễm các chất nguy hại.
Trao đổi với PV, ông Huỳnh Lê Thái Hòa - chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm TPHCM cho biết: “Lấy 25 mẫu nước giải khát đường phố thì có đến 8 mẫu nhiễm khuẩn Coliforms và Ecoli vượt tiêu chuẩn cho phép”.
Biết độc nhưng vẫn phải ăn
Chị Hằng (Khương Đình, Hà Nội) cho biết: "Tôi đang độc thân, bạn chung phòng giờ giấc mỗi đứa không giống nhau nên nấu ăn rất khó khăn, vì vậy tôi hầu như phải ăn bên ngoài cho tiện. Mỗi ngày, tôi thay đổi một món cho đỡ ngán nên bún, phở, bánh canh, hủ tiếu là thứ không thể thiếu trong thực đơn hằng ngày. Khi báo chí đưa tin về những loại thực phẩm này có chứa chất độc, tôi thấy hoang mang quá. Nấu cơm để ăn một mình thì cũng khó, nhiều khi biết những loại đồ ăn có chất này chất kia gây hại sức khỏe, tôi cũng nhắm mắt ăn cho qua bữa. Bạn bè tôi thường hay đùa nhau “ăn cũng chết, không ăn cũng chết, thôi thà chết độc còn hơn chết đói”. Nói vậy để cười với nhau chứ bản thân tôi thấy rất lo lắng trước tình hình thực phẩm chứa chất độc tràn lan như hiện nay".
Chị Nguyễn Thị Hiền (giáo viên, Q.Bình Thạnh, TP.HCM), đang mang bầu tháng thứ 6 phàn nàn: "Vợ chồng tôi thỉnh thoảng cũng hay ăn sáng với các món chế biến từ bột gạo như bún, phở. Nhưng bây giờ nghe nói những loại này nhiễm độc thì tôi lo lắng quá, nhất là lo cho em bé trong bụng không biết có ảnh hưởng gì từ các chất này không? Nhịn những món này chắc cũng chỉ được thời gian chứ làm sao nhịn được cả đời. Nói thật là tôi thấy mệt mỏi. Trước đây, tôi tin tưởng đồ ăn mua ở siêu thị lắm, nhưng giờ mấy thức ăn lấy mẫu ở siêu thị cũng chứa chất cấm thì những người nội trợ như chúng tôi chẳng biết mua ở đâu nữa".
Đâu phải người dân nào cũng có đèn cực tím để soi bún bánh phở. Và chúng tôi cũng đâu làm sao biết mà phân biệt màu trắng trong và trắng đục ở giữa chợ mua bán chen chúc... Tại sao chỉ khuyến cáo người sản xuất mà không đóng cửa, rút giấy phép kinh doanh. Rõ ràng là họ lừa đảo trong kinh doanh, thu lợi bất chính. Quản lý nhà nước như vậy có phần lỏng lẻo, đẩy hết trách nhiệm về người tiêu dùng... Trần Quý (thienphuc2009@... Trước tình hình các nhà sản xuất thực phẩm đưa ra thị trường thức ăn “ăn để chết”, tôi nghĩ Nhà nước nên điều chỉnh pháp luật để xử phạt những nơi vi phạm cho “đến chết”. Đồng thời cần xem lại trách nhiệm và xử lý trách nhiệm cho đến “ngắc ngư” các công bộc của nhân dân có chức năng kiểm tra, kiểm soát chuyên ngành này ở cơ sở. Nghĩa (phamvannghia40@...) Để phân biệt được gà có tồn dư kháng sinh hay không thì không thể dựa trên cảm quan mà phải lấy mẫu thịt, mẫu máu để phân tích mà chuyện này thì phụ thuộc vào giới chức. Tương tự, rau xanh cũng chẳng thể biết được cái nào độc, cái nào không vì chúng hoàn toàn như nhau và chỉ có một chút khác biệt rất nhỏ và cũng chỉ là dựa vào những kinh nghiệm của người trồng người bán. Đến như giới trong nghề, có chuyên môn còn bị nhầm huống hồ người thường vốn thiếu thông tin. Linh Linh (hoangtran....@...) |
Phú Sang