Xuất khẩu gạo đạt 1,85 tỷ USD
Theo tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến ngày 8/8, Việt Nam đã xuất khẩu 4,147 triệu tấn, đạt trị giá 1,855 tỷ USD. Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Khối lượng gạo xuất khẩu sang thị trường này trong 6 tháng đầu năm tăng trưởng mạnh, đạt trên 1,29 triệu tấn với giá trị đạt xấp xỉ 526,5 triệu USD, chiếm 33,9% tổng kim ngạch xuất khẩu. So với cùng kỳ năm ngoái, khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc tăng lần lượt là 20% và 16,7%. Kim ngạch xuất khẩu sang Singapore, Angola và Hồng Kông cũng tăng mạnh, tương ứng đạt 37%, 30,6%, và 22,7%.
Cũng theo VFA, giá lúa khô tại kho khu vực đồng bằng sông Cửu Long loại thường dao động từ 5.350- 5.450 đồng/kg, lúa dài khoảng 5.550 - 5.650 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 7.150- 7.250 đồng/kg tùy từng địa phương, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 7.000- 7.100 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương. Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì hiện khoảng 8.200-8.300 đồng/kg, gạo 15% tấm 7.750- 7.850 đồng/kg và gạo 25% tấm khoảng 7.400- 7.500 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương.
Tuy nhiên, theo tin từ Bộ Công thương, trong tháng 7, sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đã giảm 10% so với tháng 6. Mặc dù giá xuất khẩu trung bình có tăng hơn trước nhưng lượng xuất khẩu giảm khiến kim ngạch xuất khẩu giảm hơn 13%. VFA cũng nhận định, do giá tăng, lượng hợp đồng xuất khẩu gạo bị hủy trong tháng 7 cũng đã tăng cao. Tính riêng tháng 7/2013, các doanh nghiệp đã hủy, không giao hàng hơn 180.000 tấn do lỡ ký hợp đồng xuất khẩu giá thấp trước đó. Tính chung 7 tháng đầu năm 2013, số lượng hợp đồng bị hủy lên tới 1 triệu tấn gạo.
Trong khi đó, các thị trường mua gạo của Việt Nam như Trung Quốc, châu Á, châu Phi vẫn ổn định, giá gạo nội địa tại Việt Nam thì vẫn cao do thời tiết xấu, mưa nhiều ảnh hưởng đến thu hoạch lúa ở đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên theo thông tin từ các nhà nhập khẩu nước ngoài và cả các nhà cung cấp Việt Nam, thời gian qua, nhiều hợp đồng mua bán gạo đã bị hủy do giá gạo xuất khẩu tăng đột biến và sự khan hiếm gạo.
Ông Trương Thanh Phong- chủ tịch VFA cho biết, "đối thủ nặng ký" về xuất khẩu gạo của Việt Nam hiện này là Thái Lan. Mặc dù Chính phủ Thái Lan dự kiến bán ra 500.000 tấn gạo cao cấp với giá 445 USD/tấn, chỉ cao hơn gạo cùng loại của Việt Nam 4 USD/tấn nhưng Việt Nam chưa có kế hoạch giảm giá gạo xuất khẩu. Lý do vì khối lượng Thái Lan cho trúng thầu không nhiều, mới chỉ có 80.000 tấn.
Theo lãnh đạo công ty xuất khẩu gạo T.A tại Cần Thơ, thời gian qua Thái Lan đã giảm giá bán một lượng lớn gạo phẩm cấp cao, còn 440 USD/tấn. Với giá này, các doanh nghiệp Việt Nam rất khó cạnh tranh để có mức lãi tương đối so với giá gạo nguyên liệu mua vào. Chưa kể sắp tới, nhiều nước nhập khẩu gạo sẽ vào vụ thu hoạch ở nước họ, nhu cầu nhập khẩu sẽ giảm, gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp.
Cơ hội vàng cho xuất khẩu gạo
Theo nhận định của các chuyên gia, trong bối cảnh nguồn cung trên thị trường gạo thế giới đang dồi dào, việc Trung Quốc gia tăng nhập khẩu gạo đương nhiên là mục tiêu của không ít quốc gia xuất khẩu. Vì thế, trong cuộc đua đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam phải biết tận dụng lợi thế "trời cho" của mình để thúc đẩy ngành hàng này phát triển. Thực tế, hiện gạo Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt bởi nhiều đối thủ mới nổi như Myanmar, Campuchia, thậm chí Thái Lan cũng đang giảm giá bán khiến doanh nghiệp Việt Nam khó cạnh tranh. Tuy nhiên, dù chưa có kế hoạch giảm giá trong bối cảnh hiện tại song sau vụ gạo Trung Quốc bị nhiễm độc là cơ hội tốt cho xuất khẩu gạo Việt Nam.
Tờ The Wall Street Journal (Mỹ) đưa tin, việc Trung Quốc phát hiện gạo nhiễm độc kim loại nặng cátmi (cadmiu) sẽ là cơ hội tốt cho các nước xuất khẩu gạo ở châu Á, đặc biệt là Việt Nam và Thái Lan những nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 và thứ 3 thế giới có lợi thế cạnh tranh. Pakistan có thể cũng sẽ hưởng lợi như Việt Nam và Thái Lan, trong khi Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới có thể sẽ không tận dụng được cơ hội này để tăng lượng gạo xuất khẩu bởi vì, Bắc Kinh vẫn hạn chế nhập khẩu gạo từ quốc gia láng giềng này do lo ngại về chất lượng.
Ông Nguyễn Văn Bảy- phó chủ tịch VFA nhận định, hiện tại, gạo Việt Nam có lợi thế về giá so với gạo sản xuất ở Trung Quốc. Giá gạo hạt dài ở Quảng Châu thuộc tỉnh Quảng Đông hiện đứng ở mức hơn 600 USD/tấn, trong khi giá gạo cùng loại của Việt Nam (chưa kể phí vận chuyển) chỉ khoảng 400 USD/tấn. Một số nhà xuất khẩu gạo Việt Nam và các nhà cung cấp gạo hương lài thượng hạng Thái Lan đã tăng giá gạo thêm khoảng 5 USD/tấn do nhận định nhu cầu tại Trung Quốc sẽ gia tăng.
TS Đặng Kim Sơn- viện trưởng Viện Chính sách & Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho rằng, Việt Nam cần đẩy mạnh xuất khẩu gạo, nếu không chúng ta có thể để "vuột" khỏi tầm tay cơ hội thắng lợi "kép", mà rất có thể tình trạng "chờ giá xuống" mới đẩy mạnh xuất khẩu trong nhiều năm liên tục lại một lần nữa lặp lại.
Ông Trương Thanh Phong- chủ tịch VFA cũng thừa nhận, dù lượng xuất khẩu chưa nhiều nhưng Campuchia dự báo sẽ là đối thủ đáng gờm của các doanh nghiệp Việt Nam. Theo đó, Campuchia có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển lúa. Chính phủ nước này cũng đã bảo lãnh 50% rủi ro để các ngân hàng thương mại cho vay vốn sản xuất, chế biến và dự trữ gạo. Hiện tại, thị trường chủ yếu của gạo Campuchia vẫn là các quốc gia châu Âu, Thái Lan và Trung Quốc. Riêng tại các nước Liên minh châu Âu (EU), do là một quốc gia kém phát triển nhất nên Campuchia còn được miễn thuế xuất khẩu gạo vào thị trường này.
Được biết, tháng trước, Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế đã nâng dự báo lượng gạo nhập khẩu của Trung Quốc trong năm nay thêm 16% (lên 2,2 triệu tấn) do giá cả của nông sản này tại các nước láng giềng, nhất là Việt Nam và Pakistan đang đứng ở mức thấp. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc có thể sẽ vượt qua Nigeria để lần đầu tiên trở thành nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới trong năm nay.
Một chuyên gia cho rằng, để đẩy mạnh xuất khẩu gạo, Việt Nam cần đi theo hướng "gạo chất lượng cao, bán lấy lời"; cần thay đổi chiến lược sản xuất và xuất khẩu lúa gạo bền vững ưu tiên cải thiện đời sống và thu nhập của người nông dân ngày càng tốt hơn. Đặc biệt là cần tập trung định hướng người sản xuất sản phẩm an toàn theo tiêu chuẩn chung toàn cầu và sản xuất lúa cho xuất khẩu.
Hy vọng, ngày càng có nhiều điển hình liên kết nhiều nhà sản xuất nông nghiệp lớn có sự bao tiêu sản phẩm từ các doanh nghiệp, với đầu ra cuối cùng minh bạch, gắn với lợi nhuận của người nông dân. Ở đây, sản phẩm của nông dân không chỉ mua đứt, bán đoạn, mà ngoài việc đầu tư đầu vào cho sản xuất, nông dân còn phải được hưởng mức độ nhất định lợi nhuận từ kinh doanh xuất khẩu sản phẩm mà họ đã làm ra.
Theo The Wall Street Journal, hiện tại, Chính phủ Trung Quốc chỉ cho phép nhập khẩu gạo từ Thái Lan, Việt Nam, Pakistan, Ấn Độ, Uruguay và Campuchia. Các số liệu của Hải quan Trung Quốc cho thấy gạo nhập khẩu từ Việt Nam, Pakistan và Thái Lan chiếm phần lớn gạo nhập khẩu vào Trung Quốc. Ông Trương Thanh Phong- chủ tịch VFA nhận định: "Thị trường xuất khẩu gạo sẽ tốt lên nhờ nhu cầu từ một số thị trường chính như châu Phi, Trung Quốc, Indonesia chuyển động hơn. Vì vậy bà con nông dân không nên quá lo lắng khi vào vụ thu hoạch mà cần bình tĩnh, VFA sẽ áp dụng các giải pháp để ổn định thị trường". |
Mai Giang