Duyên nợ với văn chương
Căn nhà khá khang trang của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh nằm trong một con ngõ nhỏ trên đường Trần Khát Chân (Hà Nội). Ông sinh năm 1933 ở Cổ Nhuế (Từ Liêm, Hà Nội). Theo lời kể, trước kia nhà ngoại ông nằm trên phố Huế. Nhưng vào đầu thế kỷ XX, những ngôi nhà ở con phố này đã bị Tây đốt. Vì thế mà gia đình ông chuyển đến ngôi nhà nhỏ trong con ngõ Trần Khát Chân. Tính ra, ngôi nhà này đã gắn bó với gia đình nhà văn đến gần một thế kỷ. Hiện tại, ông sống cùng vợ, người con trai cả và vợ chồng người con trai út. Vợ ông, người phụ nữ cũng đã vào cái tuổi thất thập, vẫn giữ nét hiền hậu, giản dị của người phụ nữ Hà thành.
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh
Nguyễn Xuân Khánh bắt đầu viết văn từ năm 1955, khi ông còn trẻ và vẫn đang công tác ở tạp chí Văn nghệ Quân đội, sau đó chuyển sang làm phóng viên báo Thiếu niên tiền phong. Nhưng có lẽ cái duyên với văn chương chỉ thực sự đến với Nguyễn Xuân Khánh khi ông đã có tuổi, lúc tiểu thuyết Hồ Quý Ly ra mắt bạn đọc. Đây là điều khá đặc biệt trong cuộc đời của nhà văn.
Ông về hưu sớm vào năm 1973, khi mới 40 tuổi. Trong cuộc đời cũng đã trải qua đủ mọi nghề mưu sinh. Nghề cao sang thì có dịch thuật, dịch sách, viết văn, viết báo còn những nghề vất vả, cực nhọc cũng không ít: Làm thợ may 7 năm, bán máu 3-4 năm, rồi làm thợ khóa, nuôi lợn, gác nhà kho... Thật khó để tưởng tượng sau ngần ấy năm bôn ba vất vả ông vẫn gắn mình với cây bút. N
guyễn Xuân Khánh bảo: "Khi viết, tôi dùng toàn bộ tri thức và kinh nghiệm sống của mình vào tác phẩm”. Có lẽ đối với ông, càng gian khổ bao nhiêu thì những điều ông góp nhặt được lại càng nhiều bấy nhiêu. Cũng giống như nhà văn Nga vĩ đại Macxim Gorky, ông quan niệm: "Trường đại học lớn nhất của tôi là trường đời".
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh và bạn hữu
Nhìn bề dày mỗi cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh, người ta không khỏi giật mình. Cuốn nào cũng dày đến hàng trăm trang: Ít thì như tiểu thuyết Hồ Quý Ly (804 trang), Mẫu thượng ngàn (808 trang), nhiều thì kể đến Đội gạo lên chùa (866 trang). Ở thời hiện đại, khi mọi người đều dùng máy tính thì ông vẫn miệt mài, cần mẫn bên những trang văn viết tay.
Ông bảo: "Dùng máy vi tính thì tiện nhưng tôi quen viết tay rồi”. Viết xong thì thuê người đánh máy hoặc nhờ con trai đánh cho. Thế mới thấy sức lao động không biết mệt mỏi của ông khiến người khác nể phục. Nguyễn Xuân khánh không viết liền một mạch, cũng không viết theo cảm hứng nhất thời mà là ép mình phải viết. Ông làm việc đều đặn, dứt khoát, kỷ luật tạo thành một nếp sống. Mỗi ngày ông dành ra một khoảng thời gian nhất định để viết, cứ tuần tự hoàn thành từng chương một. Có những khi bí quá ông tạm nghỉ, đi chơi đâu đó một thời gian.
Căn phòng làm việc của ông khá rộng rãi và sạch sẽ, ba mặt bức tường đều là giá sách khá đồ sộ. Nguyễn Xuân Khánh bắt đầu mua sách từ thời sinh viên, đến nay số sách đã lên đến hơn 2.000 quyển. Chiếc bàn làm việc của ông lại nằm khiêm tốn trong một góc nhỏ của căn phòng.
Cái duyên nợ với nghiệp viết chắc hẳn rằng chính nhà văn là người cảm rõ nhất, như ông từng nói: "Văn chương đối với tôi là một khu đền đài linh thiêng, dù vô tình lạc bước, nhưng đã đến một lần rồi thì không thể quay trở lại được nữa".
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh bên bàn làm việc
Nét riêng tạo nên sự khác biệt
Có câu: “Văn học là nhân học”, học văn là học cách làm người, cũng có nghĩa, văn chính là người. Để hình dung về Nguyễn Xuân Khánh chắc chắn không gì đầy đủ hơn bằng cách đọc và cảm tác phẩm của ông. Qua một loạt những Hồ Quý Ly, Mẫu thượng ngàn, Đội gạo lên chùa, hình ảnh của Nguyễn Xuân Khánh hiện lên không chỉ đơn thuần là một nhà văn mà còn là một nhà văn hóa, một nhà nghiên cứu.
Tiểu thuyết của ông là sự kết hợp giữa các yếu tố lịch sử - văn hóa phong tục. Bối cảnh xuyên suốt trong các tác phẩm của ông là không gian của lịch sử, con người của lịch sử với những giá trị về nhân văn, nhân sinh. Cái mà ông quan tâm đến là phần hồn, phần giá trị tinh thần chứ không chỉ đơn thuần là những giá trị về vật chất.
Nguyễn Xuân Khánh nói rằng, nhà văn là nhà sáng tạo, và ông viết những cái gì chưa ai viết. Như một nhà phê bình từng phát biểu: "Nhà văn giỏi nhất là người viết ra được những vấn đề thẳm sâu của xã hội, nói ra được những khát khao ẩn ngầm của thời đại, của dân tộc thì có thể thấy, mảnh đất mà Nguyễn Xuân Khánh khai phá đã thực sự thành công”.
Năm 2000 khi tiểu thuyết Hồ Quý Ly xuất bản liền nhận được sự đón nhận nồng nhiệt từ độc giả cũng như từ phía các nhà nghiên cứu, phê bình. Rồi sau đó, sách lại được nối bản và tái bản liên tục (tính đến nay là 15 lần). Đây là động lực rất lớn đối với Nguyễn Xuân Khánh. Cũng là liều thuốc khích lệ tinh thần để ông tiếp tục cho ra đời Mẫu thượng ngàn (2006) và Đội gạo lên chùa (2011).
Ông bảo: "Để viết một tác phẩm thì không mất nhiều thời gian. Cái quan trọng nhất là ý tưởng. Có ý tưởng rồi còn phải nghĩ ngợi, suy ngẫm, vạch ra cốt truyện, tái tạo nên nhân vật, bối cảnh. Từ lúc có ý tưởng đến lúc tác phẩm hoàn thành là một quá trình phấn đấu không mệt mỏi của nhà văn. Khi viết một tác phẩm, tôi dồn hết tâm huyết cho nó. Tôi nghĩ về nó mọi lúc, mọi nơi, lúc nào cũng suy ngẫm. Những suy nghĩ ấy cứ theo tôi cả trong lúc ăn, lúc nghỉ".
Nguyễn Xuân Khánh và tiểu thuyết mới nhất
Lấy đạo Phật làm lối sống
Khi những người cùng lứa tuổi dành thời gian nghỉ ngơi và vui vầy bên con cháu thì Nguyễn Xuân Khánh vẫn mải mê sáng tạo văn chương. Điều lạ lùng nhất là ông thành danh khi đã ở cái tuổi xế chiều. Nhưng cũng không khó để tìm ra nguyên nhân lý giải cho sự lạ lùng ấy.
Nguyễn Xuân Khánh bảo ông chịu ảnh hưởng của nhiều thứ nhưng không chịu ảnh hưởng của nhà văn nào cố định. Không phải là phật tử nhưng nhà văn rất quý trọng và đọc nhiều sách về đạo Phật. Ông tìm hiểu về Phật giáo từ những năm 60, khi mới 27, 28 tuổi. Ngoài việc đọc, ông còn gặp gỡ nhiều tăng ni, phật tử.
Trong tiểu thuyết gần đây nhất là Đội gạo lên chùa, quan niệm Từ - Bi - Hỷ - Xả ông nêu lên là đích đến cho lối sống ấy. Nhà văn giải thích: "Từ là phải có lòng thương với tất cả mọi sinh vật từ cây cỏ đến con vật, con người... Bi là đối với những người gặp khó khăn, khổ sở, gặp bất hạnh phải luôn cứu giúp. Hỷ là đối với những người thành công ta cũng phải vui với họ, không được ghen tị, kèn cựa... Còn Xả là tất cả những gì thành công, thất bại ta đều coi là bình thường. Đối với tôi đạt được bốn chữ này là thỏa mãn".
Những giáo lý của nhà Phật đã bén rễ và ăn sâu vào tâm thức của ông, để tạo nên một Nguyễn Xuân Khánh như ngày hôm nay. Hiện tại do mắt kém, sức khỏe yếu nên Nguyễn Xuân Khánh cũng tạm dừng sáng tác. Ông bảo mình chưa có ý định viết tiếp, nhưng có thể lúc nào có hứng thú sẽ tiếp tục sáng tác. Khả năng lao động không mệt mỏi của lão văn sĩ ấy là tấm gương đáng khâm phục với thế hệ trẻ.
Thanh Loan