Bến sông và những số phận
Ngay trên bờ bến sông ấy là hai cây quéo cổ thụ, chẳng biết có từ khi nào. Thuở nhỏ, lũ trẻ chúng tôi thường lăng xăng chạy quanh gốc cây già, tìm đá ném lên cành cây để cho những quả non hay những chùm hoa rơi xuống. Rồi tranh nhau nhặt, ăn ngon lành. Miệng đứa nào cũng tím đỏ màu hoa quéo. Cái vị quả non, hoa non rất lạ. Nó vừa chua vừa chát nhưng lại có sức hấp dẫn kỳ lạ với lũ trẻ.
Hai anh em bâng khuâng. Cây quéo cổ do thời gian, bão lũ đã bị đốn ngã. "Bến không chồng" của Dương Hướng giờ đã thành làng mạc, nhà cửa. Dòng sông Đình Đoài như hẹp lại, nhưng nơi bến sông vẫn lác đác mấy chiếc vó bè, tạo khung cảnh êm đềm, nên thơ của vùng quê giàu truyền thống.
Tôi khẽ hỏi Dương Hướng về những nhân vật trong cuốn tiểu thuyết của anh. Đứng lặng hồi lâu, anh trầm ngâm: Nhiều người gọi "Bến không chồng" là bức tranh thê lương thời hậu chiến. Ở đó những Nguyễn Vạn, những Nghĩa đã bước ra với đủ cơ cực, đắng cay của số phận người lính sau cuộc chiến. Ở đó, chị Nhân, cái Hạnh, những người yêu, người vợ lính đã âm thầm hy sinh, giữ lấy đức hạnh mà quên đi hạnh phúc riêng. Và đó cũng là bức tranh điển hình của làng quê Việt Nam những năm 70 của thế kỷ trước.
Nhà văn Dương Hướng.
Bị thương nặng sau một cuộc chiến, Nguyễn Vạn trở về làng Đông với tất cả thương yêu, nhung nhớ. Vai khoác ba lô, ngực áo đính đầy huân chương, từ trên đê Nguyễn Vạn phanh ngực nhìn về làng Đông. Anh xông xáo, nhiệt tình với tất cả những công việc của làng xã. Nhưng, đối diện với Nguyễn Vạn là những hủ tục lâu đời của dòng họ. Những hủ tục có thể bóp nghẹt cuộc đời một con người. Đối diện với Nguyễn Vạn là lề thói cũ mòn cả trăm năm ở làng quê, là dư luận, là điều tiếng, là nếp sống cũ kỹ đã đóng đinh vào những người nông dân từ bao đời nay.
Vì những hủ tục, những lề thói đã tồn tại cả trăm năm ấy, Nguyễn Vạn không dám sống thật với mình. Ý thức mãnh liệt nhất trong anh là giữ gìn hình ảnh. Anh không thể vượt qua dư luận để yêu, để được sống như một người bình thường với mưu cầu bình thường nhất về hạnh phúc. Anh không dám đến với chị Nhân. Chị Nhân cũng không thể đến với Nguyễn Vạn, lý do chỉ vì chị là vợ liệt sỹ. Chị ở vậy thờ chồng, nuôi con. Đã có thời như thế, những lề thói cổ hủ nghiệt ngã giết chết những mưu cầu hạnh phúc giản đơn nhất của con người.
Tên thật: Dương Hướng; Sinh năm: 1949; Nơi sinh: Thụy Liên- Thái Thụy - Thái Bình; Hiện đang sinh sống tại Quảng Ninh; Bút danh: Dương Hướng; Thể loại: Tiểu thuyết, truyện ngắn Các tác phẩm: Gót son (1989); Bến không chồng (1990); Trần gian đời người (1992); Người đàn bà trên bãi tắm (1995); Bóng đêm mặt trời (1998); Dưới chín tầng trời (2007). Giải thưởng văn chương: Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam năm 1992 cho cuốn tiểu thuyết Bến không chồng |
Cùng với cuộc đời của Nguyễn Vạn là tình yêu bất hạnh của Nghĩa và Hạnh. Cuộc chiến đã cướp đi những người đàn ông khỏe mạnh, cường tráng của làng quê. Sau lũy tre làng chỉ còn lại những người đàn bà mòn mỏi vì chờ đợi. Và buồn hơn, trên bến nước mỗi chiều những người phụ nữ, già có, trẻ có, cô đơn ngồi bên nhau lặng thinh như hoá đá. Trong những bước ngoặt cùng cực của cuộc đời, Hạnh đã bị xô đẩy vào bế tắc cùng với Nguyễn Vạn. Hạnh có thai. Sau khi sinh con, Hạnh trở về làng. Nguyễn Vạn- người đàn ông đã sống thoi thóp trong lề thói làng xã bao năm, nay biết tin mình có con với Hạnh (con gái của chị Nhân), đã sửng sốt, bất ngờ và quyết định treo cổ tự vẫn trên cầu Đá.
Năm 2000, đạo diễn Lưu Trọng Ninh chuyển thể tiểu thuyết "Bến không chồng" thành kịch bản phim. Dương Hướng kể cho tôi chuyện bị ông chú ở quê mắng nhưng anh lại vui. Chả là, sau khi VTV3 giới thiệu bộ phim, chú anh gọi điện bảo: Anh làm phim cả nước biết đến, tiền lĩnh tới mấy trăm triệu mà không góp vào với họ mạc vài chục triệu để xây từ đường là thế nào. Trước đó, anh đã gửi tiền về đóng góp theo quy định nhưng chú anh nhất định bảo, anh phải đóng thêm, không thể đóng như người bình thường vì Dương Hướng là người nổi tiếng kia mà. Bị ông chú mắng mỏ, trách cứ nhưng Dương Hướng lại thấy vui vì sự ngộ nhận đó. Câu chuyện với ông chú qua điện thoại làm anh càng yêu mến xóm giềng, dòng tộc.
Kỷ niệm 120 ngày đêm vật vã "cày"... "Bến không chồng"
Kể lại thời kỳ thai nghén đứa con tinh thần "Bến không chồng" Dương Hướng bùi ngùi: Lúc đó, tôi đang công tác tại Hải quan Quảng Ninh. Trăn trở, đau đáu với những số phận, tôi xin nghỉ không lương 6 tháng, ngồi "cày" 4 tháng mới xong. Giờ nghĩ lại thấy mình thật kiên cường. Anh bảo, nhớ lại cái hồi viết tiểu thuyết "Bến không chồng" mà kinh. Bây giờ mà phải ngồi kẽo kẹt viết tay như thế thì... chắc chết. Lúc đó, phải viết tay hai lần, rồi đánh máy, cái máy chữ cậm cạch như một lão già cần mẫn.
Vậy mà đứa con tinh thần ra đời lại gây ấn tượng. Nhớ lại chuyện ấy, nhà văn khôi hài khoe: Cũng may, lúc đó biết đánh máy chữ nên bây giờ thằng con rể tặng máy tính xách tay, anh làm được ngay. Tuy nhiên, anh mới chỉ sử dụng laptop như một... cái máy đánh chữ, tất cả các Folder, Ducoment bày hết ra Desktop, cho dễ tìm. Đặc biệt, tất cả các Folder được rải trên khắp Desktop theo hình sin, giống những con sóng. Thấy tôi ngạc nhiên, Dương Hướng giải thích: Quê gốc chúng ta cách biển 3 cây số nhưng tuổi thơ anh còn nhớ như in những lần theo người làng nửa đêm xuống biển bắt con cáy, con don. Huyện Thụy Anh (cũ), nay là huyện Thái Thụy chưa lăn đê, lấn biển nên sóng ngày nào cũng ì oạp làm ướt chân người. Sau này, anh làm việc ở Hải quan Quảng Ninh, suốt cuộc đời gắn bó với biển. Hình sin trên Desktop giống như những con sóng cũng là để anh cảm ơn biển đã nuôi dưỡng tâm hồn anh, giúp anh có động lực sáng tác.
Hỏi về những dự định trong năm mới, nhà văn Dương Hướng mùa xuân này tóc đã điểm bạc trả lời rất khiêm tốn: Thật ra giai đoạn này anh chưa định viết gì cả. Nghỉ hưu, về làm ở báo Hạ Long, phụ trách biên tập mảng văn xuôi, cũng thấy yêu nghề vì văn là sở thích của anh. Còn một chuyện nói ra thì xấu hổ lắm. Gặng mãi, anh mới thổ lộ: Đã hơn 5 năm rồi anh thai nghén một cuốn tiểu thuyết. Tên đã đặt "Góc khuất", nhiều bạn bè chờ đợi. Nhiều tờ báo cũng phỏng vấn nhưng cho đến nay vẫn chưa nên cơm cháo gì. Hỏi lý do tại sao, Dương Hướng nhát gừng: Nếu viết cho xong thì đã xong lâu rồi. Nhưng anh không thể dễ dãi với chính mình, bạn đọc không cho phép anh dễ dãi trong sáng tác. Còn tại sao xấu hổ ư? Những năm trước, tạp chí Văn nghệ quân đội đã tạo điều kiện cho anh vào thực tế Quân khu V, nằm 2 tuần, ôm về hơn 10 ký lô tài liệu mà vẫn bế tắc.
Bật mí về đề tài thai nghén trong tiểu thuyết "Góc khuất", nhà văn thổ lộ: Cũng là đề tài chiến tranh, về những người lính thời hậu chiến. Nhưng khác ở chỗ là những thân phận ấy có góc khuất không thể phơi bày. Về vấn đề này một số tác giả đã đề cập đến nhưng Dương Hướng muốn viết những cái mà họ chưa nói hết. Ở đó có những con người chịu đựng hai luồng tư tưởng, họ cứ lơ lửng giữa giời, không biết sẽ ra sao. Đó là bi kịch của chiến tranh, là góc khuất của nhiều thân phận mà chúng ta đã ít nhiều chứng kiến.
Nâng chén rượu xuân, tôi với anh không ai nói ra nhưng dường như đều có chung ý nghĩ, mong cho cuộc đời này không còn "góc khuất". Và nếu có thì sẽ được hoá giải để cùng nhau sống thanh thản, yên bình khi tết đến, xuân về.
Tiểu thuyết "Bến không chồng" được trao giải thưởng của Hội nhà văn năm 1991. Tiểu thuyết đặt câu chuyện của mình trong bối cảnh làng Đông- một làng quê được đặc tả với những nét văn hóa điển hình Bắc Bộ. Tiểu thuyết được bạn đọc đánh giá cao và tái bản tới 7 lần. Bộ phim "Bến không chồng" của đạo diễn Lưu Trọng Ninh được sản xuất dựa theo tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Dương Hướng. Khi đưa lên phim, mỗi nhân vật trong truyện hiện ra rõ nét, trực diện, gây ấn tượng trong lòng người xem. |
Minh Phượng