Ghép tạng là một thành tựu khoa học nổi bật nhất của thế kỷ XX. Năm 1992, nhờ sự giúp đỡ của một đồng nghiệp người Đài Loan, Việt Nam đã thành công trong ca ghép thận đầu tiên. Đây là dấu mốc đánh dấu rất nhiều ca ghép tạng thành công sau này, mở ra cơ hội sống cho những người bệnh suy tạng giai đoạn cuối.
PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc bệnh viện Việt Đức, nguyên Giám đốc trung tâm Ghép tạng đã có buổi trao đổi với PV báo Người Đưa Tin về những ca ghép tạng ở nước ta.
PV: Thưa PGS, được biết PGS là chỉ huy trưởng của ca ghép gan từ người cho chết não đầu tiên ở Việt Nam, PGS có thể chia sẻ cảm xúc khi đó của mình với độc giả?
PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết: Bệnh nhân là bà Nguyễn Thị Nhâm (Hà Nội). Trước khi ghép gan, bệnh nhân có tiền sử viêm gan B, huyết áp thấp và thấp khớp, kèm theo xơ gan và ung thư gan.
Cả e-kip thực hiện ghép từ tối tới sáng. Sau khi ra khỏi phòng, chúng tôi nhảy lên vì vui sướng. Cả thầy và trò ôm nhau vì đây là thành quả bao đời nay của các thầy mà nay mình mới thực hiện được.
Sau thời gian dài thực hiện ghép gan, các bác sĩ khám lại cho bà Nhâm đều thấy các chỉ số xét nghiệm hoàn toàn bình thường.
PV: PGS có thể chia sẻ sâu hơn về “thành quả bao đời nay của các thầy”?
PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết: Ghép tạng là thay thế tạng suy đó bằng một tạng khỏe mạnh. Từ đầu thế kỷ XX, trên thế giới bắt đầu nghiên cứu ghép tạng bằng những nghiên cứu thực nghiệm. Năm 1953, thế giới thành công ở ghép thận. Năm 1967, thế giới thành công ở ca ghép gan đầu tiên. Cũng trog năm này ca ghép tim cũng được thực hiện thành công và dần dần ghép phổi, tụy, khối tim phổi, ghép mặt, giác mạc…
Ở Việt Nam, GS.Tôn Thất Tùng đã tiếp cận kỹ thuật ghép tạng từ sớm. Năm 1966 – 1967 thế giới thành công ghép gan. Cũng những năm ấy, GS.Tôn Thất Tùng đã thành công ghép tạng thực nghiệm tại Việt Nam.
Ở thời điểm hiện tại, nước ta đã thực hiện được 47 ca ghép gan trong đó có 40 ca là từ người cho chết não và 10 ca là từ người cho sống; 23 ca ghép tim…
PV: Vậy trong ghép tạng, khó khăn nhất mà bác sĩ gặp phải là gì?
PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết: Thời gian đầu với chúng tôi, khó khăn nhất là cơ sở vật chất, các phương tiện chẩn đoán thiếu thốn, thuốc ức chế miễn dịch chưa có nhiều. Còn thời điểm hiện tại, khi trang thiết bị, thuốc men, kinh nghiệm đã phát triển thì khó khăn nhất là nguồn tạng để ghép không có nhiều.
Trong khi đó, có rất nhiều người đang chờ được ghép tạng để có thể trở về lao động bình thường, cuộc sống không phải “bám sát” bệnh viện, tốn kém mọi mặt.
Ngay tại thời điểm này chỉ cần có 1 người chết não cho tạng để chúng tôi ghép cho những bệnh nhân khác nhau.
PV: Trong mỗi ca ghép tạng, bác sĩ phải đối diện với những áp lực như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết: Ghép tạng có thể ghép từ người cho sống hoặc người cho chết não.
Trong mỗi ca ghép, bác sĩ rất căng thẳng không chỉ gặp áp lực về sức khỏe khi đứng mổ cả 10 tiêng đồng hồ liền mà còn căng thẳng vì áp lực cứu sống bệnh nhân. Ca ghép được thực hiện thành công là điều tuyệt vời nhất nhưng không thành thì mất rất nhiều thứ, lớn nhất là tính mạng con người.
Cho tới thời điểm hiện tại, đối với ghép thận, chúng tôi chưa có ca ghép nào thất bại. Tỉ lệ ghép gan thành công ở Việt Đức cũng ngang bằng tỉ lệ của thế giới. Tỉ lệ sống sau 1 năm khoảng 91%, sống sau 5 năm cũng hơn 80%.
PV: Như PGS có chia sẻ, chúng ta đang thiếu nguồn tạng để ghép, vậy, với những người hiến mô tạng cho y học, PGS có suy nghĩ gì?
PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết: Ở Việt Đức mỗi năm có khoảng 1.000 người chết não do tai nạn giao thông hay tai biến mạch máu não nhưng 8 năm nay (từ năm 2000 tới nay) chúng tôi mới xin được hơn 40 tạng.
Những người làm bác sĩ như tôi vô cùng biết ơn và trân trọng những người đã hiến tạng cho y học vì họ đã cho chúng tôi cơ hội để cứu người khác.
Ghép được tạng mang ý nghĩa xã hội tuyệt vời, ý nghĩa nhân văn cao cả. Bên cạnh đó còn mang ý nghĩa tâm linh vì “cứu một người phúc đẳng hà sa”, ghép được tạng mang lại lợi ích cho toàn xã hội.
Xin cảm ơn PGS về cuộc trò chuyện này!
Nguyễn Huệ (thực hiện)