Tôi biết đến ông Phạm Trung Tốn ở thôn Nước Mát (xã Âu Lâu, TP. Yên Bái) qua lời kể của một vài người dân xã Âu Lâu. Họ bảo ông là người đầu tiên lái đò bên bến phà Âu Lâu, cũng là người chiến binh cuối cùng đã từng chiến đấu trong thời kỳ chống Pháp.
Ông Phạm Trung Tốn là chiến binh duy nhất tại bến Âu Lâu thời kỳ kháng chiến chống Pháp còn sống.
Chiến binh cuối cùng
Ông Tốn tâm sự, chiến tranh đã qua lâu nhưng không giây phút nào ông quên được. Bến Âu Lâu còn đó và đã đi vào huyền thoại. Đồng đội của ông bây giờ cũng mất cả. Câu chuyện về bến Âu Lâu giờ chỉ còn mình ông - người chiến binh già nhớ rõ. Tất cả những câu chuyện ngày nào được ông ghi chép đầy đủ vào trong trí nhớ. Nói chuyện với chúng tôi, ông Tốn bắt đầu tóm tắt cuộc đời mình cùng những chiến công oai hùng đã đi vào huyền thoại...
Tượng đài bên bến Âu Lâu - Biểu tượng quyết thắng của quân và dân tỉnh Yên Bái trong kháng chiến chống Pháp.
Mặc dù đã gần 90 tuổi nhưng ông Tốn vẫn còn minh mẫn lắm. Ban đầu biết tuổi của ông, chúng tôi lo sợ không biết người chiến binh này còn nhớ được ký ức ở bến Âu Lâu. Nhưng khi gặp, nghe ông kể lưu loát từ đầu đến cuối những câu chuyện về cuộc đời mình thì sự ái ngại ban đầu của chúng tôi mới tiêu tan. Ông Tốn quê ở huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương.
Năm 1940, chàng trai trẻ theo tiếng gọi của tổ quốc rời quê hương lên đường nhập ngũ. Ông được điều động vào Cục Quân Giới, đóng trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Đầu năm 1952, ông lại được phân công nhiệm vụ vận chuyển bộ đội, vũ khí vượt bến Âu Lâu để phục vụ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Ông cùng các đồng đội dốc sức cho trận chiến cuối cùng với kẻ thù ở chiến trường Điện Biên Phủ. Kể từ đó, cuộc đời ông cứ mải miết bên bến Âu Lâu như duyên, như nợ.
Sau khi đánh thắng giặc Pháp, rồi đến giặc Mỹ, ông Tốn trở về cất một ngôi nhà ven Quốc lộ 37 (đoạn qua xã Âu Lâu). Sở dĩ ông muốn làm nhà ở đây vì ngày ngày sẽ được nhìn ngắm bến đò mình đã gắn bó nửa cuộc đời.
Bến phà Âu Lâu nay không còn hoạt động nữa. Người ta đã xây dựng một cây cầu mới khang trang rộng rãi bắc qua sông Hồng, cách bến cũ chừng 1km để người dân qua lại được thuận tiện, dễ dàng. Bến cũ giờ đây trở thành nơi neo đậu của những tầu hút cát trên sông Hồng. Nhưng cái tên Âu Lâu vẫn như một tượng đài minh chứng cho ý chí, sự quyết tâm và lòng dũng cảm của người dân Việt Nam chống lại giặc ngoại xâm. Trong đó, có tên tuổi của ông Phạm Trung Tốn.
Nhà ông Tốn không rộng nhưng ngày nào cũng đông khách. Người chiến binh ngày nào cho biết, khách đến đây từ những cụ cao niên trong làng, các nhà sử học, đến những đứa trẻ con. Lâu lâu lại thấy có mấy anh chị nhà báo đến hỏi chuyện về bến. Những lúc ấy, ông lại kể cho mọi người nghe về hành trình của những chuyến đò bất tử. Con đò ấy đã "gánh" bộ đội trên vai giúp những người con của tổ quốc vượt sông Hồng lên chiến trường Tây Bắc đánh giặc.
Những năm kháng chiến chống Pháp, tổ lái đò của ông Tốn chỉ vẻn vẹn có chục người. Buổi đầu kháng chiến, tổ lái đò của ông chỉ được dùng mấy con đò gỗ, cũ kỹ lạc hậu. Về sau, khi chiến sự ác liệt, Nhà nước lại cấp thêm cho một chiếc phà gỗ 8 tấn dùng để chở ô tô, vũ khí và đạn dược. Năm 1953, khi cuộc kháng chiến dần đi vào hồi kết, tổ đò này lại được tăng cường thêm một chiếc phà trọng tải 12 tấn để đưa ô tô, vũ khí tăng cường chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ.
Hồi mới tiếp nhận phà 12 tấn, anh em trong tổ lái rất lóng ngóng vì không được đào tạo lái tầu, phà hiện đại. Vậy là ông Tốn lại phải tự mày mò học tập cách vận hành chiếc phà hiện đại để kịp thời đưa vũ khí và bộ đội qua sông ngược miền Tây Bắc. "Chúng tôi quen lái phà gỗ, dùng sức mạnh cơ bắp là chính. Khi có phà hiện đại thì chẳng biết điều khiển thế nào. Phà có nhiều nút điều khiển quá nên anh em phải mày mò, tập lái cả tuần liền", ông Tốn kể lại.
Nói đến đây, những kỷ niệm từ hơn nửa thế kỷ lại dâng trào lên khiến ánh mắt ông nhòa đi... Giọng ông nghẹn lại. Sau phút trải lòng đó, ông giơ đôi bàn tay nhăn nheo lên bấm từng đốt rồi lẩm nhẩm: "Thằng Quảng Cu, thằng Hoàng, thằng Trọng là bạn chiến đấu của tôi trong những năm kháng chiến. Giờ chúng nó đã mồ yên mả đẹp. Tổ lái tầu năm nào giờ chỉ mình tôi còn sống".
1.000 đêm thức trắng
Trò chuyện với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thái, vợ ông Tốn cho biết: "Ông nhà tôi đưa bộ đội gần ba năm ròng rã. Cứ nhẩm tính 360 ngày/năm nhân ba thì cũng phải gần nghìn đêm thức trắng".
Ngồi bên cạnh, ông Tốn cười bảo, thời đó, tất cả những anh em trong tổ lái sống bằng niềm tin và lý tưởng. Điều này đã giúp các chiến binh vượt qua nỗi sợ hãi để đối mặt với kẻ thù. Đó mới là điều quan trọng chứ gần 1.000 đêm hay nhiều hơn nữa thì cũng chẳng hề hấn gì. Khi cuộc đối đầu giữa ta và địch ngày càng trở nên khốc liệt, công việc bảo vệ bộ đội cùng vũ khí khi qua sông càng trở nên khó khăn. Thực dân Pháp tăng cường đánh bom dọc theo đường vận chuyển quân từ Đông Bắc sang Tây Bắc.
Đến cuối năm 1953, Pháp phát hiện Âu Lâu là mắt xích trung chuyển quân khổng lồ của cách mạng, chúng tăng cường đánh phá cả ngày lẫn đêm. Ông Tốn nhớ lại: Thời điểm đó, Pháp huy động máy bay đánh bom bến Âu Lâu và ga Yên Bái 24/24h. Ban ngày chúng cho máy bay trinh sát quần thảo, hễ phát hiện mục tiêu của ta liền ném bom bắn phá... Còn ban đêm, giặc thả biệt kích xuống khu vực gần ga Yên Bái để đánh sau lưng quân ta. Chúng bắn pháo sáng và nã rốc - két yểm trợ cho biệt kích. Vì thế, việc vận chuyển quân đội, vũ khí qua bến Âu Lâu càng trở nên khốc liệt.
Để đối phó với thực dân Pháp, tổ lái đò của ông Tốn phải thực hiện những chuyến chở quân vào ban đêm. Còn ban ngày, để ngụy trang, họ phải nhấn chìm phà xuống lòng sông Hồng, tránh sự phát hiện của kẻ thù. Đến cuối năm 1953, địch tăng cường thả biệt kích xuống Yên Bái. Tại đây, chúng kết hợp giữa quân biệt kích và không quân đánh bến Âu Lâu khiến cho việc vận chuyển quân vào ban đêm qua đây bị gián đoạn. Tuy nhiên tổ lái của ông kết hợp với du kích địa phương đã thực hiện mai phục, tiêu diệt biệt kích nhảy dù. Đồng thời quân ta dùng pháo phòng không bắn trả khi máy bay địch xuất hiện khiến cho kế hoạch chặt đứt con đường vận chuyển Đông - Tây của địch bị phá sản.
"Khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, tôi tiếp tục được điều động lên sông Đà để sửa chữa máy móc, tầu chiến thu được của quân Pháp. Thời gian đó, tôi là người duy nhất nhận nhiệm vụ sửa chữa, cải tiến trang thiết bị máy móc tàu bè của địch tái đưa vào sử dụng. Do tôi đã có kinh nghiệm trong thời gian lái tàu, phà hiện đại đưa bộ đội vượt bến Âu Lâu nên nhiệm vụ đó với tôi không quá khó khăn", ông Tốn cho biết. Sau kháng chiến chống Pháp, ông Tốn tiếp tục ở lại bến Âu Lâu đưa bộ đội qua sông lên đường đánh Mỹ và gắn bó với con sóng sông Hồng cho đến lúc già.
Nhân chứng lịch sử ở bến phà Âu Lâu Ông Nguyễn Ngọc Bái, nguyên giám đốc Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Yên Bái cho biết: Ông Tốn là cựu binh duy nhất chiến đấu tại bến Âu Lâu còn sống. Ông là người đầu tiên lái đò đưa bộ đội qua sông tiến về giải phóng Điện Biên Phủ. Ngoài ra, người chiến binh này cũng là người đầu tiên cầm lái những con tàu hiện đại ở Yên Bái thời kỳ chống Pháp. Đến nay khi tất cả đã đi vào quá khứ, ông trở thành chứng nhân lịch sử duy nhất còn sống của tỉnh Yên Bái ghi lại những khoảnh khắc hào hùng không thể nào quên trên bến Âu Lâu. |
Phương Phương