Gặp PV trong căn nhà riêng trên phố Khâm Thiên nhân dịp kỷ niệm 45 năm “Hà Nội – Điện Biên phủ trên không”, Trung tá Vũ Xuân Trường (70 tuổi), nguyên công an khu vực đồn Công an 42 Khâm Thiên vẫn ám ảnh về sự hủy diệt của máy bay B52.
Ông Trường kể, năm đó, TP có lệnh sơ tán, nhiệm vụ của ông là vận động nhân dân đi sơ tán, bảo vệ tài sản của dân khi họ vắng nhà.
Kể về đêm 26/12/1972, ông Trường không kìm được cảm xúc: “Đêm hôm ấy, máy bay B52 địch rải bom, tên lửa của ta bắn sáng rực, những tiếng nổ rung trời lở đất. Ngớt tiếng bom cả khu vực Khâm Thiên chìm trong màn đêm đen đặc. Khi chuông báo yên còn chưa reo, tôi chui ra khỏi hầm, lao lên mặt đất, chạy về được trụ sở đồn Công an 42. Đúng lúc đó thì một quả bom phát nổ ở số nhà 126 và một quả nổ ở ngõ Cống Trắng bây giờ. Thế nhưng mọi sợ sệt tan biến, trong lòng chỉ đinh ninh một điều rằng, phải cứu người dân càng nhanh càng tốt”.
Suốt nhiều giờ đồng hồ sau đó, người công an trẻ cùng đồng đội của mình và các lực lượng khác đã đào bới hàng mét đất trong đống đổ nát, cõng không biết bao nhiêu người dân thoát khỏi những căn hầm trú ẩn bị sập và bị gạch đá đè vào.
Trường hợp ông Trường nhớ nhất là khi qua ngõ Khâm Đức thì gặp ông Tư (một người dân) run rẩy chỉ vào chiếc hầm cá nhân bị trúng bom “bóp” méo. Trong căn hầm là bà Thuận, vợ ông Tư đang ngất dưới đó trong tư thế ngồi, máu trên đầu tuôn xối xả. Ông Trường nhanh chóng kéo bà Thuận từ dưới hầm lên rồi cứ thế cõng trên lưng chạy đến điểm cứu thương.
“Từ địa điểm cứu người bị thương chạy ra đến trục đường chính chỉ có 30m, nhưng bom khoét, nhà cửa đổ nát lấp hết đường, tôi phải đi vòng khá xa. Khi ra đường chính, tôi bắt gặp một chiếc xe ô tô chạy qua. Tôi nhao ra chặn đường, yêu cầu xe dừng lại đưa người bị thương đi cấp cứu. Bất ngờ, chiếc xe đó chính là xe của cấp trên đang đi thị sát tình hình. Và sau đó bà Thuận được cứu”, ông Trường vừa kể vừa như sống lại với quá khứ.
Theo lời kể của ông Trường, sau trận bom cả tháng trời đường phố vẫn tan hoang. Có người gần 1 tháng mới tìm được xác.
Cũng chính “đêm bom” Khâm Thiên năm ấy, đã cướp đi 4 người đồng chí trong đồn Công an số 42 của ông Trường. Đó là Phó trưởng đồn Tô Đình Tường và 3 cán bộ là Phan Sĩ Hợp, Nguyễn Đình Mừng và Nguyễn Văn Liên.
45 năm trôi qua nhưng mỗi mùa đông đến cái ký ức đêm bom Khâm Thiên năm nào vẫn ám ảnh người chiến sĩ Cảnh sát khu vực năm nào. Giờ đây, dù tóc đã điểm bạc nhưng trong tâm trí ông không thể quên những gương mặt hiền lành của bà con khu phố, những âm thanh của bom nổ và hình ảnh đồng chí trong đồn Công an số 42 của mình.