Thông tin từ VTC News, bệnh nhi là Triệu Tài V., 13 tuổi, trú tại xã Tân Tri, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Khoảng 1 tháng nay, V. có tình trạng ho không dứt, đồng thời bị khàn tiếng, đôi lúc còn khạc ra máu tươi.
Bệnh nhi được chuyển vào bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn để cấp cứu vào chiều ngày 24/1. Trước đó, cháu V. được phát hiện có dị vật ở thanh quản, hạ họng sau khi gia đình đưa vào khám tại trung tâm Y tế huyện.
Thời điểm nhập viện bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, V. không có dấu hiệu gì đặc biệt và được chỉ định nội soi họng. Kết quả nội soi phát hiện một con đỉa ở thanh quản thò lên hạ họng.
Do cháu V. sợ hãi, các bác sĩ không thể gắp được dị vật khỏi thanh quản nên bệnh nhi được chuyển xuống phòng mổ để gây mê, gắp đỉa chiều cùng ngày. Ngoài ra, dị vật lại nằm ở vị trí phức tạp, trong đường thở, nên việc loại bỏ dị vật cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Các bác sĩ phải tiến hành bóp bóng hỗ trợ thay vì đặt ống thở, bởi có thể làm dị vật tiến sâu vào đường khí quản, gây khó thở cho người bệnh và sẽ không gặp được dị vật.
Gần 1 giờ đồng hồ thực hiện phẫu thuật, dị vật được các bác sĩ gắp thành công ra khỏi cơ thể bệnh nhi 13 tuổi. Dị vật được xác định là con đỉa, dài khoảng 6 cm (bằng ngón tay út của người trưởng thành).
Bệnh nhi tiếp tục được theo dõi tại bệnh viện và được xuất viện ngày 25/1 sau khi tái khám được đánh giá tình trạng ổn định.
Trước đó, hồi tháng 8/2017, các bác sĩ của bệnh viện Đa khoa Lào Cai cũng từng gắp thành công một con vắt dài khoảng 6cm sống nhiều ngày trong cổ họng bé trai 6 tuổi, Hà Nội Mới đưa tin.
Nguyên nhân được xác định là do bệnh nhi này đi rừng và bị vắt rừng nhỏ chui vào mũi, hút máu rồi lớn dần. Khi bệnh nhân đau quá, đi khám các bác sĩ mới phát hiện con vắt và tiến hành gắp khỏi mũi bệnh nhân.
Các bác sĩ khuyến cáo, để hạn chế những trường hợp động vật như vắt, đỉa chui vào đường thở, mọi người không nên uống nước lã từ sông, suối, vũng; thận trọng khi tắm tại các nguồn nước tự nhiên.
Theo các chuyên gia, vắt rừng thường sống ở nước suối, bình thường chỉ nhỏ như đầu tăm nên người dân thường không để ý. Khi con vắt theo đường miệng chui vào các khoang mũi, họng, thanh, khí, phế quản sống ký sinh, hầu hết mọi người đều không biết, chỉ sau 10-15 ngày mới thấy ngứa cổ, buồn nôn. Khi gặp các triệu chứng như: Ho ra máu, tức ngực, khó thở, cổ nhiều đờm thì phải đến ngay các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.
Mai Anh (tổng hợp)