Đó là ông Võ Ngọc Hùng (63 tuổi), trú kiệt 36 Kim Long, Phường Kim Long, TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Với đôi tay tài hoa cùng sự đam mê sáng tạo, nhiệt huyết và cơ duyên, ông Hùng đã tự mày mò đi đến việc nghiên cứu và làm nên sản phẩm "nón lá bàng rừng".
Ông Hùng kể, ông đã từng trải qua rất nhiều nghề như giáo viên, vẽ tranh và bây giờ đến nghề làm nón bằng lá bàng rừng, mọi thứ như bắt đầu một trang mới đối với bản thân ông. Nghề làm nón lá bàng rừng đến với ông như một cái duyên.
"Trong một lần tôi đi chơi cùng với một số người bạn ở xã Bình Điền, TX.Hương Trà, tôi tình cờ bắt gặp một chiếc lá khá to trên đường. Sau khi tìm hiểu, tôi mới biết đó là lá bàng rừng, ngay sau đó, tôi đã lấy những chiếc lá này mang về nhà thử nghiệm qua một thời gian không ngờ tôi đã có kết quả như mong muốn", ông Hùng chia sẻ.
Cũng theo ông Hùng, trước đây, ông đã từng tìm hiểu và thử nghiệm với lá Sakê, lá mít, lá môn nhưng điều thất bại vì bị rã. Tuy nhiên, khi biết đến lá bàng rừng, ông phải mất đến 2 tháng mới hoàn thiện được sản phẩm đầu tiên. Thật sự, không đơn giản để làm nên chiếc nón lá bàng, ông phải trải qua rất nhiều công đoạn và tốn khá nhiều thời gian.
Ông Hùng cho biết thêm, điều cốt yếu để làm nên chiếc nón lá độc đáo chính là xương lá, với công thức dùng lá bàng tươi đem nấu và ngâm trong baking soda để chuyển thành washing soda với mục đích loại bỏ mùi hôi và quá trình ngâm phải mất đến 1 tháng rưỡi. Sau đó, ông sẽ loại bỏ để lấy xương lá, xương lá sau khi được làm sạch, sấy khô, ông sẽ đưa cho những người thợ chằm nón để họ tạo nên một sản phẩm hoàn thiện.
Anh Nguyễn Việt Hoàng, một khách hàng đến mua nón lá bàng rừng cho biết, những chiếc nón lá ở đây nhìn rất đẹp, xinh xắn, những đường nét được thiết kế tinh tế, thu hút người nhìn, đối với những người yêu thích du lịch như anh thì đây là một món quà lưu niệm đặc biệt để tặng bạn bè.
Được biết, những chiếc nón lá bàng rừng của ông Hùng được nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đánh giá rất cao. Thời gian qua, đã có rất nhiều người tìm đến nhà của ông để hỏi mua sản phẩm đặc biệt này.
Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó giám đốc sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế thông tin, ông đánh giá cao về sản phẩm này, ý tưởng phát triển sản phẩm cũng rất tốt, tuy nhiên, đây là một trong những sản phẩm mới cần phải thử nghiệm thêm, đơn vị chỉ hỗ trợ về quảng bá truyền thông còn sở Công thương mới là đơn vị hỗ trợ về việc mở rộng sản xuất.
"Trong thời gian qua, sở Du lịch đã phối hợp cùng sở Công thương tiến hành quảng bá các sản phẩm trên các fanpage, trang wed nhằm đưa các sản phẩm này đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước", ông Phúc nói.
Tấn Nhật