Sau một tuần đến ăn cùng, ở cùng, ngủ cùng gia đình cô bé, trong một khoảnh khắc bất ngờ, nhiếp ảnh gia chụp cô gái bên cửa sổ.
'Em bé da cam' đã trở thành bức ảnh của năm do quỹ Nhi Đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) bình chọn năm 2010. Từ đây, số phận của cô gái khuyết tật mở sang trang mới khi nhiều người biết đến hơn và hun đúc cho em một ước mơ mãnh liệt phải thực hiện.
Chuyện tình cảm động của người mẹ
Gần 3 năm trôi qua, bé Nguyễn Thị Ly (SN 2001, ngụ phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng) từ khi trở thành nhân vật nổi tiếng trong bức ảnh của nhà nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Mỹ Ed Kashi đã nổi tiếng trong và ngoài nước. Để hiểu rõ hơn về cô gái đặc biệt này. Tìm đến nhà bé Ly ở phường Hòa Phú chúng tôi được gia đình Ly tiếp đón chân tình như người thân trong nhà.
> Giải thưởng lớn cho cuộc thi ảnh Việt Nam Xanh
Bức ảnh “Em bé da cam” nổi tiếng thế giới.
Chị Nguyễn Thị Thu (SN 1971, quê huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, mẹ bé Ly) sinh ra đã mang một khuôn mặt dị dạng, khó nhìn. Nhớ lại tuổi thơ của mình, chị Thu cho biết: "Tôi hồi nhỏ không biết gì về khuôn mặt dị dạng của mình. Sau này lớn lên thì tôi được nghe cha mẹ kể là khi sinh ra tôi chưa được 2kg, chân tay méo mó, mãi đến 7 tuổi tôi mới biết ú ớ gọi tiếng mẹ.
Nhà sinh ra 4 anh chị em thì có mỗi mình tôi bị dị dạng, chắc bị di chứng da cam bẩm sinh của người cha để lại. Trong chiến tranh ba tôi (Ông Lê Duy Tính - PV) từng tham gia cách mạng chiến đấu ở Quảng Trị".
Năm 1999, chị Thu không muốn sống ở vùng quê mà chị luôn cảm thấy "xấu hổ" với thân hình của mình nên khăn gói rời quê vào TP. Đà Nẵng phụ làm hàng cơm cho chị gái ở phường Hòa Khánh (quận Liên Chiểu). Và từ đó, cái duyên cho chị đã tìm gặp người đàn ông của cuộc đời.
Ngày đó, anh Nguyễn Quang Dương (SN 1965) đang làm thợ hồ cho công trình xây dựng trên phường Hòa Khánh. Hàng ngày, anh cùng đám thợ thường xuyên lui tới ăn cơm quán chị Thu và dần thấy cảm động về một người con gái dị tật nhưng chịu khó khiến anh rất cảm phục.
Nhìn anh Dương trìu mến, chị Thu bộc bạnh: "Trong nhóm thợ hồ hồi đó, tôi cũng rất cảm phục anh, một người rất chân thành, chân chất. Thấy anh có tình ý mình cũng sợ, dù quý nhưng chỉ biết giấu kín trong lòng thôi, phận mình thế này ai đâu dám mơ...".
Ngày anh Dương đưa chị Thu về ra mắt họ hàng, hàng xóm không ít người bàn tán xôn xao. Nhiều người còn nói thẳng: "Thằng Dương nó lành lặn, khỏe mạnh thế kia sao lại đi yêu, đi lấy một cô bé dị dạng ở mãi tận đâu đâu", còn bạn bè anh không ít người nói ra nói vào. Vượt qua lời bàn tán xôn xao, đặc biệt là được sự ủng hộ của người cha ông Nguyễn Quang Chương, anh Dương và chị quyết tâm đến với nhau.
Ông Nguyễn Quang Chương chia sẻ: "Tính nó (anh Dương-PV) tôi biết, từ nhỏ nó thích cái gì là làm bằng được. Hơn nữa khi gặp cái Thu, tôi và mẹ nó (bà Xuân mẹ anh Dương - PV) cũng đồng tình. Nhìn cái Thu tuy tật nguyền nhưng chịu khó, nó cũng có quyền được yêu, được hạnh phúc chứ".
Bé Ly cùng hai nhà nhiếp ảnh gia Ed Kashi và Catherine.
Cháy bỏng với ước mơ bình dị
Chị Thu cho biết thêm: "Càng lớn, Ly càng có những biểu hiện khác thường, khuôn mặt của cháu càng bị biến dạng hơn, cổ họng với hình lòng chảo nên mỗi khi thở là xương ép vào tim. Nhìn con đau đớn mỗi khi thở, chuyển người mà đau đến nghẹn lòng. Gia đình thống nhất đặt tên cho con là Ly, nghĩa là ly biệt ấy, nhìn con như thế không biết lúc nào cháu đi, thôi thì mình đặt tên Ly, với mong muốn giữ cháu được ngày nào quý ngày ấy".
Hơn 2 tháng trời nằm trong lồng kính cũng là chứng ấy thời gian gia đình thức trắng cả đêm. Các bác sĩ ở bệnh viện cũng hết tâm tận tình chữa bệnh, chăm sóc nên Ly đã qua được cơn nguy kịch. Chị Thu đưa con về nhà thì cuộc sống càng khốn khổ hơn. Tiền bạc vay mượn nuôi cháu trong bệnh viện chưa trả đủ hết nên đành nhờ vào lòng thương của bà con trong xóm, các hội đoàn thể giúp đỡ.
Anh Dương nhớ lại: "Tháng 7/2010, chị Hương ở tổ chức Trẻ em Việt Nam tại Đà Nẵng có đưa hai ông bà người Tây đến quay phim chụp ảnh về đề tài da cam ở Việt Nam. Gia đình rất bất ngờ, vinh dự khi được quan tâm đến vậy, đặc biệt là cháu Ly. Trong thời gian 1 tuần, họ đã sống cùng chúng tôi với tất cả tấm lòng của những con người muốn được chia sẻ. Họ luôn động viên, ân cần tạo tiếng cười vang trong căn nhà lâu nay hiu quạnh.
Tất cả mọi sinh hoạt trong đời sống, từ việc đi học của hai cháu, đến việc nấu cơm, giặt giũ đều được hai ông bà Ed Kashi và Catherine ghi lại. Có khi suốt một ngày, chúng tôi dường như quên mất đang có ống kính theo dõi. Khoảng được tháng sau thì gia đình nhận được thư, cùng những bức ảnh họ đã ghi lại toàn bộ cảnh sinh hoạt cuộc sống thường ngày của gia đình, đặc biệt là cháu Ly".
Một thời gian sau, gia đình chị Thu bất ngờ khi nhật được tin bức ảnh chụp con gái chị mang tên "Em bé da cam" chụp trong bối cảnh em đứng bên cửa sổ của ông Ed Kashi được Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc bình chọn là bức ảnh của năm. Bức ảnh "Em bé da cam" chụp bé Ly từ đây được nhiều người trên thế giới và trong nước biết đến.
Đến bây giờ, Ly là học sinh lớp 5, dù tật nguyền, bị bệnh tim bẩm sinh nhưng năm nào em cũng đạt học sinh tiên tiến của lớp. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, với giọng nói khá chậm, bé Ly cho biết: "Trong các môn học, cháu thích nhất là môn tiếng Việt. Lớn lên cháu thích làm một cô giáo, để sau này cháu có thể lên lớp dạy chữ cho các bạn có hoàn cảnh tật nguyền không được đến trường. Và để có tiền để giúp bố khỏi bệnh thôi". Ước mơ thật bình dị nhưng rất cháy bỏng trong tâm khảm của một cô bé tật nguyền.
Thông điệp gửi đến toàn nhân loại Trong cuộc bình chọn bức ảnh của năm của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tổ chức, bức ảnh "Em bé da cam" của nhiếp ảnh gia Ed Kashi đã vượt qua 1.263 bức ảnh khác đến từ 33 quốc gia khác nhau. Đây là bức ảnh thể hiện rõ đời sống nội tâm cũng như ước mơ mãnh liệt của một cô bé tật nguyền. Đây cũng là bức ảnh mà thông điệp của nó được gửi tới đến toàn nhân loại yêu hòa bình trên thế giới: Hãy quan tâm và chia sẻ nhiều hơn đến trẻ em đặc biệt là những trẻ em tật nguyền bị di chứng của chất độc da cam/ dioxin. |
Lê Hữu Tiến