Cuộc đua xuống đáy hay lợi ích chung
Tìm lời giải cho bài toán thuế thu nhập doanh nghiệp trước chính sách thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực vào năm 2024, ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) phát biểu tại Hội thảo khoa học "Giải pháp duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư trong bối cảnh thực thi Thuế tối thiểu toàn cầu", năm 2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thống đốc Ngân hàng các nền kinh tế phát triển G20 đã thống nhất về nguyên tắc giải pháp 2 Trụ cột nhằm giải quyết các vấn đề thuế phát sinh trong nền kinh tế kỹ thuật số.
Trong đó, Trụ cột I quy định phân bổ thuế đối với hoạt động kỹ thuật số, Trụ cột II quy định về thuế suất tối thiểu toàn cầu (TTTC). Việt Nam chắc chắn bị ảnh hưởng từ Trụ cột II, Bộ Tài chính đã có nghiên cứu và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai Trụ cột II về diễn đàn IF, theo đó Thủ tướng đã thành lập tổ công tác đặc biệt đề xuất thuế tối thiểu toàn cầu vào tháng 8/2022.
Thay vì ưu đãi thuế theo thu nhập, một số nước đang phát triển có xu hướng áp dụng ưu đãi thuế dựa trên chi phí (thay vì miễn giảm thuế thu nhập).
Theo GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE, các nước thành viên ASEAN đang cạnh tranh với nhau trong một cuộc đua xuống đáy bằng cách hạ thấp mức thuế TNDN và liên tục đưa ra các ưu đãi thuế cao đối với các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, để bảo vệ lợi ích chung của khối Đông Nam Á, các nước ASEAN buộc phải bàn bạc với nhau để đưa ra một mức thuế suất chung. Đồng thời, cần rà soát các quy định ưu đãi đầu tư của Việt Nam có liên quan đến thuế TNDN, đối chiếu với các văn bản của G7, G20 và OECD để loại bỏ những quy định không tương thích.
Ngoài ra, cần đàm phán với từng TNCs chịu tác động của cơ chế thuế TTTC để thỏa thuận về giải pháp cùng có lợi thông qua chính sách và cơ chế thích hợp với quy định của UNCTAD, các Hiệp ước đầu tư quốc tế và FTAs thế hệ mới mà Việt Nam tham gia.
Tình thế cấp bách, tránh bỏ lỡ cơ hội giành quyền đánh thuế
Theo TS.Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, đối với kinh tế, đầu tư toàn cầu, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ làm giảm sự cạnh tranh trong thu hút đầu tư tại các quốc gia đang phát triển vốn chủ yếu dựa vào ưu đãi thuế để thu hút FDI.
Ở góc độ tích cực, ông Lực thấy việc tham gia triển khai thuế TTTC góp phần tăng cường hội nhập quốc tế của Việt Nam nói chung, cải cách hệ thống thuế theo hướng phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế nói riêng; góp phần tăng nguồn thu từ thuế, hạn chế các hiện tượng trốn, tránh thuế, chuyển giá... của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.
Bàn về giải pháp, ông Thomas McClelland, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Dịch vụ Tư Vấn Thuế, Deloitte Việt Nam cho hay, để bảo vệ nguồn thu thuế, Việt Nam có thể cân nhắc giải pháp trước mắt, áp dụng cơ chế Thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn - QDMTT để giành quyền thu phần Thuế bổ sung trước các quốc gia khác.
QDMTT có thể hiểu đơn giản là một cơ chế nội địa trong đó việc tính toán lợi nhuận thặng dư (“excess profits”) và thuế tối thiểu được áp dụng tương đương với các quy định tại Trụ cột II theo hướng dẫn của OECD.
Tuy nhiên, theo Thomas McClelland, mặc dù được coi là biện pháp phản ứng nhanh trong bối cảnh Trụ cột II, nhưng việc áp dụng QDMTT cũng cần được cân nhắc thận trong trên nhiều yếu tố.
Khuyến nghị tại hội thảo, ông Thomas McClelland cho rằng, Việt Nam cần tiến hành việc chuẩn bị về mọi mặt ngay từ bây giờ cho sự hiện diện thực tế của Trụ cột II, trong bối cảnh nhiều quốc gia sẽ áp dụng chính sách về Thuế tối thiểu toàn cầu ngay từ năm 2024. Các chính sách ứng phó với tác động của Trụ cột II nên được xây dựng trong ngắn hạn cũng như dài hạn.
Hỗ trợ hết sức cho doanh nghiệp đầu tư
Nhìn từ phía doanh nghiệp đa quốc gia, ông Son Won Sik, Chủ tịch Kocham cho ý kiến, Việt Nam cần cải thiện môi trường đầu tư, bảo vệ quyền đánh thuế của mình. Đồng thời ông cũng đưa ra một số giải pháp như ưu đãi dựa trên chi phí phù hợp với tình hình Việt Nam hiện tại, điểm mạnh của nó sẽ ngăn chặn chuyển giá, chuyển lợi nhuận, giúp khuyến khích đầu tư thực chất vào Việt Nam, đưa ra phương án đầu tư dài hạn tại Việt Nam.
"Chúng tôi kiến nghị Việt Nam cần tích cực ưu đãi mới như ưu đãi dựa trên chi phí đầu tư. Điều này giúp tăng tính hấp dẫn đầu tư tại Việt Nam, thu hút "đại bàng" vào Việt Nam, hiện hình thức ưu đãi dựa trên chi phí đầu tư đang đươc nhiều quốc gia áp dụng, Việt Nam tham gia vào sân chơi chung của quốc tế thì nên áp dụng luật chơi chung", ông Son Won Sik cho hay.
Với các doanh nghiệp chưa đầu tư ở Việt Nam, bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng Giám đốc PwC Việt Nam cho rằng cần có các chính sách hoàn toàn mới để cân hòa giữa các doanh nghiệp, chính là dựa vào ưu đãi trên chi phí phát sinh trong những lĩnh vực Chính phủ khuyến khích đầu tư phát triển. Một nguyên tắc mà bên Delloitte đưa ra là cash grants, đó là tính dựa trên tài sản cố định, chi phí lao động, đó là ta tự đưa ra và tính tỉ lệ.
Được hiểu là, với các doanh nghiệp ưu đãi, được miễn thuế, thay vì thu 15%, thì dựa trên 15% "cash-back". Nhìn trên cả giai đoạn, có thể tính được lợi ích của các doanh nghiệp, và bản thân doanh nghiệp cũng sẽ nhìn tổng lợi ích trong 5-10 năm nhất định. Việt Nam cần ban hành cơ chế về thuế tối thiểu nội địa nếu không mất quyền đánh thuế chênh lệch cho bên khác.
Bà Nguyễn Thị Tâm, đại diện cho Tập đoàn Corning tại Việt Nam cũng chia sẻ rằng Chính phủ Việt Nam có thể cân nhắc phương án hỗ trợ bằng tiền, như cách mà Chính phủ Trung Quốc đã làm nhằm thu hút đầu tư, mặc dù mức thuế tại quốc gia này cao hơn Việt Nam.
Bởi trong những giai đoạn mới đầu tư, doanh nghiệp thực sự khó khăn, do đó việc hỗ trợ bằng tiền ngay lập tức trong giai đoạn đó chính là chất xúc tác rất lớn đối với doanh nghiệp. Bà Tâm cũng mong muốn các cơ quan xây dựng Luật khi xây dựng các chính sách về Thuế TTTC sẽ có những chính sách cân đối lại để đảm bảo thu hút môi trường đầu tư.