Khi là huấn luyện viên trưởng đội tuyển karatedo Quốc gia, ông đã đưa học trò của mình đi tham dự giải đấu lớn ở hơn 40 quốc gia và lập được nhiều kỷ lục. Năm 2001, sau ca mổ tim lần thứ ba, ông nghỉ chức HLV trưởng đội tuyển quốc gia, về "ở ẩn".
Trò chuyện với PV, ông Long kể về niềm đam mê võ thuật từ khi còn rất nhỏ. Thời đó, các trường phái võ bị quản lý khắt khe nhưng ông vẫn khăn gói khắp nơi theo thầy học võ. Số phận nghiệt ngã khiến ông nhiều lần phải đối diện với "lưỡi hái tử thần". Ba lần "sổ tử" ghi tên nhưng ông vẫn chiến thắng trước niềm vui và sự ngỡ ngàng của mọi người. Năm 1981, khi ông xin vào một lớp học võ, chỉ sau vài ngày, người thầy nhận ra trình độ của học viên đặc biệt này và mời ông đứng lớp. Tiếp đó, ông được bổ nhiệm làm HLV trưởng Đội tuyển karatedo Việt Nam.
Ba lần võ sư Đoàn Đình Long phải đối diện với sinh tử
Khổ luyện võ học
Tôi may mắn gặp được võ sư Đoàn Đình Long qua giới thiệu của một người bạn đang theo học tại hệ phái karatedo Đoàn Long do ông sáng lập. Thế hệ trẻ không biết nhiều về tên tuổi của ông, bởi hơn 10 năm nay, ông ẩn danh và không còn xuất hiện trên báo giới. Người ta chỉ biết rằng, sau khi nghỉ chức HLV đội tuyển karatedo Việt Nam và nghỉ dạy ở đội tuyển Công an Nhân dân, ông ẩn mình từ đó.
Ông Đoàn Đình Long sinh năm 1947, quê gốc ở Tiên Lữ, Hưng Yên. Bước sang tuổi 67, trải qua nhiều lần vào sinh ra tử với căn bệnh tim quái ác, nhưng cơ thể ông vẫn rắn chắc, đúng chất của người học võ.
Sinh ra trong gia đình có tới 13 anh em, từ năm sáu tuổi, Đoàn Đình Long đã thích học võ. Hồi đó, cứ mỗi buổi chiều, Long và các anh em lại rủ nhau ra khu vui chơi gần nhà để tập võ. Ở thời điểm ấy, một số nhân vật có võ ở nước ngoài sinh sống gần gia đình ông nên ông sớm được tiếp xúc với các trường phái võ thuật. Ông Long kể, khi ấy, Nhà nước vẫn còn cấm người dạy và học võ. Nếu bị chính quyền bắt gặp, tất cả sẽ bị mời lên trụ sở làm việc. Do đó, số người theo đuổi đam mê võ thuật rất ít.
Mặc dù vậy nhưng ý chí học võ của ông vẫn không ngừng cháy. Để tránh bị phát hiện, cứ sau 23h đêm, ông và 4-5 anh em lại đến khu vui chơi văn hóa gần nhà để rèn luyện cùng một người thầy võ thuật. Tuy không cao to nhưng ông khá nhanh nhẹn, cộng với tinh thần ham học nên ông sớm nổi trội so với người khác. Cứ thế, ngay cả khi học cấp 2 đến cấp 3 ông vẫn hăng say rèn luyện võ thuật.
Năm 20 tuổi, Đoàn Đình Long nhập môn phái Thiếu Lâm ở phố Mã Mây, Hà Nội. Khi ấy, do ông tập luyện về đêm nhiều, thời tiết lạnh lại tranh thủ ngủ ngay tại sân tập khiến ông phải nhập viện vì mất sức. Ở độ tuổi trai tráng nhất, các bác sỹ cho biết, ông bị bệnh tim. Lúc này, bác sỹ cũng như người thân khuyên ông nên ngừng học võ nếu như không muốn bị đột quỵ.
Võ sư Đoàn Đình Long đang rèn luyện cho các học trò tại võ đường của mình
Ba lần "sổ tử" ghi tên
Sau khi được nhận vào làm việc tại viện Nghiên cứu vật liệu xây dựng, Đoàn Đình Long vẫn hăng say sáng tạo trong công việc nhưng không quên rèn luyện võ thuật. Theo một số người bạn đồng nghiệp cũ của ông Long kể lại, hồi đó ông thường mày mò nghiên cứu và phát minh ra nhiều sáng chế bất ngờ. Ví dụ như khi một nhóm công nhân phải vất vả đập dây thép vòng cho thẳng và cắt đoạn thì ông lại có ý kiến sáng chế ra máy làm thay sức người và mang lại hiệu quả cao. Bản thân Đoàn Đình Long cũng nhận được nhiều bằng khen về sáng tạo trong quá trình lao động sản xuất.
Năm 1974, Đoàn Đình Long phải nhập viện vì căn bệnh tim tái phát. Các bác sỹ cho biết, phải thực hiện ca mổ tim tách van hai lá mặc dù tỷ lệ thành công chỉ là 50/50. Khi ca mổ kết thúc, ông bất tỉnh trong suốt nhiều ngày liền và phải dùng máy trợ thở ôxi. Bước ngoặt cuộc đời khi ông chiến thắng số phận và vượt qua lưỡi hái tử thần. Dù vậy, các bác sỹ tiên đoán, bệnh nhân Đoàn Đình Long chỉ sống được khoảng 5 - 7 năm nữa.
Võ sư Đoàn Đình Long kể về những kỷ niệm khi ông bị bệnh tim hành hạ những vẫn theo học võ thuật
Sau thời gian ngắn, ông tiếp tục trở lại công việc ở viện Nghiên cứu vật liệu xây dựng. Là người mang tiền sử bệnh tim nên ông không được vào biên chế mà phải làm theo chế độ hợp đồng. Do kinh tế sa sút, công nhân buộc phải đi lao động nặng. Vì mắc bệnh tim mãn tính, không thể kham nổi những công việc nặng nhọc nên Đoàn Đình Long xin nghỉ việc. Lúc này, ông chuyển sang buôn bán, kinh doanh để mưu sinh và nuôi gia đình.
Giành chiến thắng trước nhiều cuộc thách đấu Năm 1984, nghe tin Đoàn Đình Long mở một võ đường trên phố Tây Sơn (Hà Nội), nhiều cao thủ trong võ thuật đến thách đấu nhưng chưa ai thắng được ông. Cũng trong thời gian này, ông mở thêm một võ đường ở phố Đặng Văn Ngữ và có nhiều môn sinh đến xin học võ. Từ đây, cái tên Đoàn Đình Long gắn chặt với karatedo Hà Nội, góp công lớn trong việc đào tạo hàng loạt những võ sĩ tên tuổi, giúp Hà Nội thống trị làng karatedo nước nhà thời điểm ấy. |
Năm 1978, ông vào Huế thăm người nhà, tình cờ quen võ sư Lê Văn Thạnh, trưởng tràng hệ phái karatedo hệ Suzucho Việt Nam. Máu võ trong người trỗi dậy, ông xin theo học võ. Lúc này ý tưởng theo học võ của ông bị mọi người coi là gàn dở, bởi ông đang phải điều trị bệnh tim. Người thầy nhìn ông ái ngại nhưng thấy ông mang quyết tâm cao, đành cho thử sức. Sau màn đấu chào mắt, người thầy bất ngờ trước sức lực và cách di chuyển tinh nhanh của Đoàn Đình Long. Ông liền gật đầu và thu nhận đệ tử.
Ông luyện tập trên nỗi đau bệnh tật. Năm 1981, khi bước sang tuổi 34, Đoàn Đình Long chính thức mang đai đen (huyền đai). Cũng trong năm này, khi biết tin trung tâm thể thao Quần Ngựa (Hà Nội) chiêu sinh lớp karatedo, Long đăng ký đi học thêm. Chỉ đúng một tuần sau, nhận ra trình độ của học viên đặc biệt này, lãnh đạo trung tâm Quần Ngựa đã giao cho Long đứng lớp.
20 năm sau, năm 1994, khi Đoàn Đình Long đang là huấn luyện viên trưởng karatedo Việt Nam và là người thầy của rất nhiều nhà vô địch Đông Nam Á, trái tim ông lại bất ngờ dở chứng. Khi đó, GS Tôn Thất Bách đang làm việc tại bệnh viện Bạch Mai bất ngờ nhận một ca mổ cho một bệnh nhân mà ông tưởng là đã chết vài năm sau ca mổ thứ nhất.
Được tin thầy Long nhập viện, học trò của ông từ khắp nơi đổ dồn về xin được hiến máu cho thầy. Những người bạn, người thầy, người trò luôn bên cạnh ông suốt ca mổ mà tỷ lệ tử cao hơn sinh. Những tình cảm động đã giúp Đoàn Đình Long đủ sức mạnh vượt qua lưỡi hái tử thần. Bảy năm sau, lần thứ ba Đoàn Đình Long lại đối diện với tử thần. Đó là lúc hai chiếc van tim mà ông đã thay trong lần mổ trước có vấn đề. Đó cũng là lúc mà ông phải mất một thời gian dài chống chọi với ca mổ mà dường như "sổ tử" đã ghi tên ông.
Võ sư Đoàn Đình Long tâm niệm, nghỉ ngơi nghĩa là chết. Vậy nên sau khi xuất viện không lâu, ông lại tiếp tục đứng trên võ đường truyền hơi lửa đến học trò và đưa quân đi thi đấu nhiều giải khu vực và thế giới. Võ thuật chưa bao giờ thôi cháy bỏng trong con người kiên cường ấy…
Lò võ karatedo đầu tiên của Hà Nội ra đời Sau năm 1978, để tiếp tục theo đuổi ước mơ, Đoàn Đình Long khăn gói vào Nam theo học ở một lớp võ thuật danh tiếng. Sau bốn năm, ông trở về và cho ra đời lò võ karatedo đầu tiên của Hà Nội. Nhờ thế, võ thuật karatedo ở Hà Nội có dịp thử sức với nhiều hệ phái võ khác trong cả nước. |
Cao Tuân
(Còn nữa)