Tác giả của những tác phẩm chấn động
Ông kể: "Trước khi làm nghệ thuật, tôi đã làm rất nhiều nghề để nuôi thân, để nuôi con đường nghệ thuật miễn là nó hợp pháp và lương thiện". Phải đến tháng 5/1970, cái tên Phạm Văn Hạng đã khiến giới điêu khắc biết đến. Theo đó, trong một cuộc triển lãm nghệ thuật được tổ chức tại Quảng Trị, ông đã "vác" "bức tranh" "S.O.S Việt Nam" (Sau này được đổi tên thành "Chứng tích") được ông "vẽ" bằng những mảnh xương sọ, ruột người, vòng kẽm gai, mảnh bom, đạn...
Tập thơ được ông xem như của để dành đã được khắc trên đồng nặng hơn 250 kg.
Thời điểm đó, "Chứng tích" thực sự là một người khách lạ trong ngôi nhà mỹ thuật nước nhà. Tuy nhiên, vị khách lạ trên đã nhanh chóng khẳng định được vị trí cũng như giá trị nghệ thuật của mình. Thế nên, dẫu lạ, dẫu đậm chất kỳ dị nhưng Chứng tích ghi dấu cho sự ra đời một trường phái mới ở Việt Nam: Nghệ thuật sắp đặt.
GS-TS mỹ thuật Nguyễn Quỳnh, Đại học Towson University MD Hoa Kỳ từng nhận xét: "...Lối làm tác phẩm táo bạo này không thua gì số nghệ sĩ Hoa Kỳ trong thập niên 50 - 60. Đây không phải là trường hợp của Pop-Art, nhưng hiển nhiên là cách làm mới. Cảm hứng của ông ngẫu nhiên giúp chúng ta thấy rõ tinh thần thời đại".
Nói về cảm hứng chủ đạo ẩn sau bức tranh để đời trên, vị kỳ nhân già tâm sự: "Thời đó người ta thể hiện, biểu lộ lòng yêu nước, tinh thần phản chiến bằng nhiều cách. Nhưng tôi không làm như họ được. Tôi không thể cắt tay lấy máu viết truyền đơn, vẽ băng rôn biểu tình, tôi cũng không xuống đường tham gia các cuộc bạo động nhưng tôi thể hiện nó qua các tác phẩm". Từ tác phẩm phản chiến trên, sau này hầu hết tác phẩm của Phạm Văn Hạng đều hướng đến sự lên án chiến tranh, khao khát tự do và đề cao hòa bình.
Theo đó, bức "Tượng đài Mẹ dũng sĩ Quảng Nam - Đà Nẵng", được lắp ghép từ vỏ đạn đồng, đặt ngay cửa ngõ thành phố này, một tác phẩm được đánh giá rất cao ở thời điểm khánh thành.
Điêu khắc gia Phạm Văn Hạng cho biết: "Công trình này khởi công theo phác thảo định sẵn trong điều kiện Đà Nẵng mới giải phóng, mọi phương tiện hỗ trợ còn thiếu thốn, thời gian thi công lại cập rập, phải hoàn công đúng dịp chào mừng 10 năm giải phóng Quảng Nam - Đà Nẵng. Thế nên, phải mất hơn một năm tận lực bằng các thao tác thủ công như: Cắt, trui, gò, hàn... 10.000 vỏ đạn đồng 105 ly để lắp ghép thành công tượng "Mẹ dũng sĩ" cao 15m trên một hệ thống xi măng cốt thép vững chãi. Đó đúng là một nỗ lực vượt bậc".
Cùng chủ đề trên, còn có Đài Tưởng niệm ở Hà Nội, tượng đài Nhà Đày Lao Bảo (Quảng Trị). Và cũng đã hơn một lần những người biết đến ông, biết đến các Vườn tượng của ông ở các địa phương gắn bó với ông như: Đà Nẵng, TP.HCM, Đà Lạt khẳng định: Đề tài hòa bình luôn là ý tưởng chủ đạo trong những tác phẩm của ông.
Một phần bức Chứng tích khởi đầu con đường nghệ thật độc đạo của ông.
"Tôi là người đơn thương độc mã..."
Ông bảo: "Tôi sinh ra một mình, đi trên con đường nghệ thuật một mình. Trên con đường nghệ thuật mà Trịnh Công Sơn gọi là "độc đạo" ấy, tôi không dựa dẫm vào núi, vào sông, vào biển mà chỉ đi trên đôi chân mình. Nổi tiếng, tai tiếng tôi cũng không màng và chỉ biết đi bằng sự lao lực, lao động chân chính".
Theo đó, ông cho biết, ông không thuộc một tổ chức nào và vì vậy cũng không có tuổi "nghỉ hưu". Thế nên, ông sinh ra để làm và làm chừng nào còn cảm thấy mình cống hiến được thì vẫn cứ làm việc.
Và dù chưa bao giờ tốt nghiệp bất kỳ một trường lớp về kiến trúc nào, nhưng công trình kiến trúc độc đáo với những ý tưởng cao đẹp, đậm chất nhân văn liên tiếp ra đời.
Như ông nói, một cách thẳng thắn, không hoa mỹ và đầy thực tế: "Lao động kiếm tiền để sống. Tôi từng làm những hợp đồng rẻ mạt và làm rất nhiều nghề để kiếm sống" nhưng tâm trí ông không lúc nào không hướng đời nghệ thuật mình vào lịch sử, văn hóa dân tộc. Đó là lý do ông khắc tượng Hàn Thuyên, Alexandre de Rohdes tặng Thư viện Quốc gia Việt Nam.
Vốn là "người đơn thương độc mã" trên con đường nghệ thuật độc đạo", tập thơ ông cũng khác đời. Theo đó, ông "bỏ ngoài tai" những đàm tiếu của miệng đời, bỏ ra 5 năm ròng gò chữ trên đồng, tạo 4 tập thơ bằng tiếng Việt, Anh, Pháp và Hoa với tổng trọng lượng khoảng 250 kg. Theo ông, việc thực hiện một tập thơ bằng đồng đã được ông nung nấu từ năm 1970 với hi vọng lưu lại 29 bài thơ là tâm huyết, là những tinh hoa của đời mình.
Được biết, từ khi hoàn thành tập thơ để đời trên, ông không sáng tác nữa. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa là lửa đam mê lao động trông ông đã lụi tàn. Đến hôm nay, dù tóc đã bạc màu, ông như một con ong cần mẫn. Hơn thế, dù khi trai trẻ hay lúc già lão, con ong ấy chưa một phút, một giây nào ngừng nghỉ kiếm tìm cái đẹp trên con đường nghệ thuật bao la.
Tình yêu nghệ thuật, tinh thần dân tộc, yêu chuông hòa bình của người nghệ sĩ già không chỉ âm ỷ cháy trong đất nước Việt Nam mà đã vượt ra thế giới. Được biết, năm 2009, điêu khắc gia Phạm Văn Hạng đã gửi đến Tổng thống Mỹ, Barack Obama bày tỏ ý tưởng xây dựng Nhà Hòa Bình: "Tôi trân trọng mời gọi Tổng thống cùng tham gia khởi động và thể hiện một ý tưởng "Nhà Hòa Bình" - sẽ là nơi quảng bá và giao lưu văn hóa hòa bình giữa các dân tộc trên thế giới". |
Hà Nguyễn - Ngọc Lài