Gặp lại ca sỹ Minh Ánh - linh hồn của ban nhạc 3A ngày nào tại trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, chúng tôi không khỏi bất ngờ với một Minh Ánh dường như "đăm chiêu" hơn trước. Tâm sự với chúng tôi, chị nhẹ nhàng cho biết, khoảng vài năm gần đây, chị gần như giã từ sự nghiệp ca hát để thực hiện công tác quản lý của ngôi trường mình đang theo dạy. "Dù trong công tác giảng dạy, quản lý hay vai trò một nghệ sỹ biểu diễn trên sân khấu, tôi đều cháy hết mình", chị nói.
NSƯT Minh Ánh (bên trái) và cựu Hiệu trưởng trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội Nguyễn Thị Bình
Giảng dạy là hình thức làm nghệ thuật dài hơi
Quyết định dừng sự nghiệp ca hát khi đang ở đỉnh cao. Nhiều người cho rằng đó là một quyết định "khôn ngoan" muốn để lại trong lòng khán giả những hình ảnh đẹp nhất của người nghệ sỹ. Cá nhân chị nghĩ thế nào về điều đó?
Từ năm 1993 đến 2000 được coi là thời điểm mình khá bận rộn với những dự án phát triển nghệ thuật, như vừa làm tốt vai trò của một diễn viên đoàn ca múa Thăng Long, tham gia nhóm nhạc 3A, tiếp tục học lên đại học, tham gia giảng dạy tại trường cao đẳng văn hóa nghệ thuật - ngôi trường mình từng theo học… Dường như tình yêu với mái trường, thầy cô cũng như tình cảm của các em học sinh khiến mình có cảm giác nghề chọn mình.
Việc chuyển nghề đó hẳn là một sự đánh đổi?
Cá nhân tôi không nghĩ đó là sự đánh đổi mà nói đúng hơn đó là bước ngoặt của cuộc đời. Đến năm 2003, tôi được bổ nhiệm làm phó khoa thanh nhạc, đánh dấu việc chính thức tham gia công tác quản lý. Và mới đây tôi được UBND thành phố Hà Nội tin tưởng giao cho trọng trách là Hiệu trưởng trường cao đẳng nghệ thuật Hà Nội. Công việc trong trường, ngoài xã hội lẫn gia đình khiến tôi tốn không ít thời gian. Từ lâu tôi đã ấp ủ những kinh nghiệm của bản thân muốn truyền lại cho các em. Tôi chọn công tác giảng dạy cũng là một hình thức làm nghệ thuật nhưng dài hơi hơn.
Được biết những học sinh do chị trực tiếp đào tạo ít nhiều cũng đã gặt hái được thành tích cũng như tạo được dấu ấn riêng trên sân khấu ca nhạc như: Thu Hường, Hoàng Yến… Ngoài việc truyền thụ kiến thức thanh nhạc, chị có chia sẻ với các em những vui buồn trong cuộc sống?
Đặc thù của lứa tuổi các em là lứa tuổi tâm sinh lý liên tục biến đổi. Đối với các em sinh viên trường, nghệ thuật thì sự bộc lộ khác so với các em sinh viên trường khác cùng với môi trường đặc thù là phương pháp giảng dạy theo lối một thầy, một trò, nên sự gắn bó là thuận theo lẽ tự nhiên. Sự gần gũi chia sẻ đó phải cân bằng cả yếu tố tích cực lẫn tiêu cực. Đặc trưng lứa tuổi nhạy cảm nên việc tô hồng cho nghề một cách quá đà là điều không nên. Tôi cốt cho các em hiểu một cách giản dị về nghệ sỹ, đặc biệt là ca sỹ cũng chỉ là một nghề trong xã hội. Có khác chăng là được phủ hào quang hơn các nghề các. Tuy nhiên đằng sau đó là mồ hôi, nước mắt cũng như sự trả giá. Hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật là nghề có tuổi thọ ngắn nên việc phân tích, định hướng cho từng em học sinh về tương lai để tránh những ảo tưởng là việc làm vô cùng cần thiết, bắt nguồn từ cái tâm của mỗi người thầy.
Cụ thể những chia sẻ đó là gì, thưa chị?
Mỗi tiết học kéo dài 45 phút nghĩa là toàn bộ khoảng thời gian ngắn ngủi đó thầy trò phải làm việc cật lực. Muốn giờ học đạt hiệu quả tốt buộc giáo viên phải tìm hiểu sắc mặt cũng như tâm trạng của học sinh, bởi nếu sức khỏe không tốt hoặc các em lo lắng, suy nghĩ quá sâu vào một vấn đề gì đó tất sẽ bị phân tán tư tưởng dẫn đến âm giọng không đạt yêu cầu hoặc thăng, giáng không tới tầm.
Ngoài ra mình cũng phải có phương pháp khéo léo để gợi mở cho các em những chân trời mới về cuộc sống xung quanh mà các em chưa có cơ hội tiếp cận. Ví dụ, để thể hiện một bài hát chủ đề tình yêu sẽ rất khó với những em học sinh chưa yêu bao giờ. Lúc đó mình đành phải hướng cho các em tham khảo thêm trên ti vi, phim ảnh để biết cách "vay mượn" cảm xúc và biến nó thành của mình.
NSƯT Minh Ánh và hai con
Định hình phong cách quyết định sự tồn tại ban, nhóm
Đã từng có thời gian dài hoạt động trong một nhóm nhạc khá uy tín. Chị nghĩ thế nào về việc hiện nay các ban nhóm được thành lập rầm rộ nhưng chỉ hoạt động một thời gian lại tan rã?
Cũng như quy luật của tự nhiên, có bắt đầu ắt phải có kết thúc. Tương tự như thế, việc thành lập ban nhóm rồi đường ai nấy đi cũng là thuận theo quy luật tự nhiên. Quan trọng là ban nhạc đó đã kịp ghi lại dấu ấn gì trong lòng công chúng hay chưa. Vì thế việc định hình phong cách cũng như thời điểm xuất hiện là những yếu tố quan trọng quyết định cho việc ghi dấu ấn riêng trong lòng khán giả.
Theo chị, tình trạng chung dẫn đến việc đường ai nấy đi hiện nay là do thiếu những yếu tố gì?
Thời điểm ban nhạc 3A thành lập, tính cả trong Nam lẫn ngoài Bắc thì số lượng nhóm nhạc chỉ đếm trên đầu ngón tay như: Ba con mèo, Tam ca áo trắng… vì thế sự thu hút công chúng sẽ không bị phân tán rộng rãi như bây giờ. Các bạn trẻ hiện nay có lợi thế trưởng thành và hoạt động trong thời đại công nghệ cao đặc biệt là truyền thông nên để mọi người biết đến mình không khó. Chỉ cần thu một vài bài hát thị trường tung lên mạng hôm trước là hôm sau đã có hàng ngàn người truy cập không cần biết ca khúc đó hay hay dở, kỹ thuật phối ghép đã chuẩn chưa… Nhiều bạn chạy theo thị hiếu chung, dẫn đến tình trạng nhóm nhạc này na ná giống nhóm khác, màu sắc riêng vì thế không được khẳng định.
Ban nhạc 3A từng được coi là một ban nhạc dài hơi. Tuy nhiên một thời gian sau khi ca sỹ Ngọc Anh rời bỏ nhóm, chị và Minh Anh vẫn tiếp tục duy trì ban nhạc chỉ gồm có hai thành viên là nhờ có động lực nào?
Tôi quan niệm, khán giả vẫn còn cần mình thì mình phải có trách nhiệm cống hiến. Trước đây việc duy trì một ban nhóm ba thành viên tựa như một cái kiềng 3 chân, có thể đa dạng phong cách hơn. Còn khi chỉ còn hai thành viên lại có lợi thế là hai chị em ruột nên những ưu điểm riêng như: Việc thông cảm cho nhau hay thời gian, giờ giấc bố trí sắp xếp công việc…
Chắc chắn khán giả đều muốn biết hiện tại hai thành viên của ban nhạc 3A năm nào hiện giờ ra sao? Chị có thường xuyên liên lạc với ca sỹ Ngọc Anh không?
Với Ngọc Anh, nếu có dịp đưa gia đình về Việt Nam, chúng tôi vẫn gặp gỡ hoặc gọi điện hỏi thăm nhau. Còn với Minh Anh hiện tại cô ấy không theo nghề diễn mà chuyển sang làm ở Tổng công ty hàng không. Mỗi người một con đường riêng nhưng với chúng tôi những kỷ niệm thời còn hoạt động trong nhóm nhạc 3A luôn rất đẹp và chúng tôi có ý thức phải giữ gìn, trân trọng.
Chị nghĩ thế nào về việc cho đến bây giờ nhắc đến cặp đôi Minh Anh - Minh Ánh nhiều người vẫn làm phép so sánh bởi Minh Anh khá mờ nhạt so với chị?
Là người trong cuộc, tôi có thể khẳng định mỗi người chúng tôi đều có những điểm mạnh riêng và việc phát huy những điểm mạnh đó cùng với sự phối hợp ăn ý mới có thể chinh phục được khán giả. Do tâm lý là chị nên tôi luôn ý thức được việc đứng mũi chịu sào trong cuộc sống đời thường lẫn trong nghệ thuật. Tuy nhiên Minh Anh có lợi thế sở hữu một chất giọng sáng hơn, khả năng diễn xuất bằng ngôn ngữ cơ thể tốt hơn khi đứng trên sân khấu. Còn khâu xử lý cảm nhận về bài hát cũng như nhào nặn nên những dấu ấn riêng lại là tôi.
Truyền thống gia đình là yếu tố nền tảng Vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu NSƯT năm 2012, được UBND thành phố Hà Nội quyết định bổ nhiệm chức danh hiệu trưởng trường cao đẳng nghệ thuật Hà Nội tháng 5/2013 (là một trong những hiệu trưởng trẻ tuổi nhất trong hệ thống các trường cao đẳng - đại học chuyên về nghệ thuật trong cả nước) dường như đây là quãng thời gian viên mãn nhất của nghệ sỹ - ca sỹ Dương Minh Ánh. Minh Ánh tâm sự: "Tôi vốn sinh ra trong một gia đình truyền thống nghệ thuật. Ông bà ngoại là diễn viên cải lương còn các cô các bác đều là giảng viên các trường nghệ thuật. Vì thế việc tôi quyết định đi theo nghệ thuật hoàn toàn được gia đình ủng hộ. Cho đến khi quyết định rẽ ngang, chọn công việc giảng dạy rồi đến bây giờ là công tác quản lý cũng đều theo truyền thống của gia đình. Ngay từ nhỏ, tôi đã ý thức được những việc mình làm đều phải đạo và lấy gia đình làm căn bản để có động lực phấn đấu". |
Tuệ Linh