Gặp lại cô dân quân nhỏ dùng liềm bắt sống phi công Mỹ

Gặp lại cô dân quân nhỏ dùng liềm bắt sống phi công Mỹ

Thứ 5, 27/12/2012 23:46

Với cô dân quân nhỏ Nguyễn Thị Hường, việc bắt sống tên phi công Mỹ to khỏe bằng chiếc liềm cắt cỏ mãi là ký ức không thể nào quên về một thời mưa bom, bão đạn.

Chiến công huyền thoại

Mặc dù đã bước sang tuổi 73 nhưng khi nghe chúng tôi hỏi về cách khống chế phi công Mỹ như thế nào, bà Lê Thị Hường (SN 1940), trú ở xóm Đình Lăng, xã Nam Hưng, huyện Nam Đàn (Nghệ An) vẫn kể vanh vách như câu chuyện vừa mới xảy ra ngày hôm qua.

Thế giới - Gặp lại cô dân quân nhỏ dùng liềm bắt sống phi công Mỹ

Bà Nguyễn Thị Hường kể lại những giây phút hào hùng.

Bà Hường sinh ra trong một gia đình nghèo ở xã Thanh Lam, huyện Thanh Chương, (Nghệ An). Mồ côi bố từ sớm nên bà cùng với 2 người em phải đi ở cho những nhà giàu có ở trong xã. Đến năm 1964, bà xung phong đi dân quân du kích, vào đội quân cảm tử rà phá bom mìn ở huyện Nam Đàn. Với dáng người nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn bà luôn hoàn thành tốt những công việc đơn vị giao.

Hàng ngày, máy bay Mỹ rà soát liên tục, dội hàng tấn xuống mảnh đất Nam Đàn. Con đường 15A đi qua các huyện Thanh Chương, Đô Lương, Nam Đàn trở thành địa điểm đánh phá quan trọng của địch trong những năm 1965 - 1972. Đây là điểm đánh phá ác liệt nhất của lực lượng không quân Mỹ nhằm phá con đường huyết mạch, ngăn quân dân miền Bắc chi viện cho miền Nam. Lúc đó, bà Hường đang được giao nhiệm vụ canh gác kho súng đạn cho dân quân ở xóm Đình Lăng trên lưng chừng núi. 12h trưa ngày 18/5/1966, máy bay của đế quốc Mỹ đánh phá ác liệt nhiều điểm trên địa bàn xã Nam Hưng. Tiếng máy bay, tiếng bom nổ, tiếng các loại đạn pháo phòng không của quân đội, dân quân du kích nổ chát chúa làm trắng xóa cả một vùng trời.

Để tránh bom đạn, bà Hường chui xuống chiếc hầm gần đó trú ẩn. Một lúc sau, bà phát hiện một chiếc máy bay lao ra hướng thị trấn với một làn khói đen đặc phía sau. Khi đó, cứ nghĩ máy bay đang rơi vào phía mình, nhưng sau mới phát hiện đó là một tên phi công to cao, đang cố gắng tiếp đất bằng 1 chiếc dù màu trắng. "Phải bắt sống tên giặc lái trước khi nó liên lạc với đồng bọn đến ứng cứu". Nghĩ vậy, bà một mình cầm liềm lao đến. Tên phi công một tay cởi bỏ các nút thắt dây dù, tay kia đang dùng máy bộ đàm phát tín hiệu để liên lạc với đồng bọn. Trong lúc bất ngờ đối mặt với tên phi công cao lớn, bà rất sợ hãi, nhưng nghĩ nếu không hành động ngay thì đồng bọn của nó sẽ đến giải vây và nơi đây sẽ diễn ra một trận đánh rất ác liệt không có lợi cho quân ta. Vì vậy, bà đã liều mình chạy đến cầm liềm lăm lăm trong tay về đe dọa tên phi công.

Hoảng sợ, tên phi công bỏ chạy xuống núi. Bà cố gắng đuổi theo, được chừng 300m thì tên giặc lấy súng ra đe dọa và khống chế bà. Hắn chưa kịp bấm cò thì nhanh như cắt, bà lao tới xô hắn ngã xuống, túm lấy cổ áo, lấy cán liềm đập vào đầu rồi giật súng từ tay hắn vứt ra xa và bắt đầu kêu to,. "Nằm im, không tao cắt cổ", giọng bà dõng dạc, tay dùng liềm gí vào cổ tên phi công Mỹ. Quá bất ngờ trước hành động của bà, tên phi công mặt tái mét, run lẩy bẩy, vội vã vứt máy bộ đàm và đầu hàng chịu trói. Khi bộ đội phát hiện sự việc chạy đến thì thiếu tá phi công Mỹ đã bị tóm gọn. Vậy là, chỉ bằng chiếc liềm cắt cỏ, chỉ trong vòng 15 phút, tên phi công đã ngã gục trong tay người đàn bà nhỏ bé nhưng vô cùng anh dũng.

Khi được hỏi về động cơ nào thúc đẩy bà một mình tay không dám lao đến bắt sống tên giặc lái Mỹ to lớn, bà trả lời: "Khi đó tôi tức lắm. Bọn Mỹ bỏ bom chết bao nhiêu người dân, từ già đến trẻ bọn nó có trừ ai đâu. Nói thật, lúc đầu tôi không nghĩ đến chuyện bắt sống, định đưa liềm ngoặc cổ cho hắnchết quách đi. Nhưng khi thấy ánh mắt tội nghiệp như van xin, rứa là tôi trói lại, trói xong tui định chạy báo với dân quân thì có anh Hào bộ đội tới kịp, tôi giao tên thiếu tá cho anh Hào luôn".

Thế giới - Gặp lại cô dân quân nhỏ dùng liềm bắt sống phi công Mỹ (Hình 2).

Chiếc liềm, vũ khí bà dùng bắt giặc được trưng bày trang trọng trong bảo tàng quân khu 4.

Cuộc sống riêng khó khăn

Sau khi giao tên thiếu tá Mỹ cho bộ đội, bà vác ba lô và súng của tên giặc về kho. Cũng từ sau lúc đó, máy bay địch rà soát và dội bom ngày càng ác liệt hơn. Đoán được tình hình nguy hiểm, bà liền bàn với bộ đội chuyển kho súng đạn đi nơi khác. Vừa chuyển vũ khí được khoảng 2 tiếng thì máy bay Mỹ thả bom xuống nổ tung hết tất cả.

Ngày 27/8/1966, bà Hường được tỉnh đội Nghệ An trao bằng khen về Tấm gương dũng cảm mưu trí. Sau đó, bà được tất cả đơn vị bộ đội, dân quân từ Bắc đến Nam học tập, được đi báo cáo thành tích cho các đơn vị bộ đội, dân quân đóng quân trên địa bàn, được Đảng và nhà nước tặng Huân chương kháng chiến hạng ba do chủ tịch Hồ Chí Minh ký.

Đến năm 1968, khi ông Nguyễn Đình Bảo làm công trình đường đi qua địa bàn xã Nam Hưng, đồng cảm số phận mồ côi cha mẹ, không quê quán, 2 người kết duyên vợ chồng. Kết hôn được 2 năm thì ông bảo xin đi bộ đội vào Nam chiến đấu. Bà ở nhà vừa nuôi con vừa tham gia dân quân, làm bí thư Đoàn, cán bộ phụ nữ đến hết chiến tranh. Năm 1977, do sức khỏe yếu nên ông Bảo xin xuất ngũ để về quê cùng với vợ con. Vốn vất vả từ nhỏ, lấy nhau từ hai bàn tay trắng, một mình bà phải gây dựng lên tất cả. Từ một cái kho bị giặc thả bom cháy rụi hoàn toàn, bà phải xin tre nứa, gỗ, những hòn đá nhỏ rồi nhờ người dựng lên để gia đình có chỗ chui ra, chui vào.

Đất nước hoàn toàn thống nhất, trở về với cuộc sống đời thường, cô dân quân anh dũng, gan dạ Nguyễn Thị Hường ngày nào, bây giờ tuổi đã cao. Cuộc sống gia đình hiện tại tuy còn khó khăn về kinh tế, nhưng bà vẫn giữ được phẩm chất của người lính Cụ Hồ năm xưa - mộc mạc, giản dị. Tấm ảnh chụp người con gái trạc 25-26 tuổi, dáng người nhỏ nhắn, thấp đậm, có đôi mắt sáng đứng cạnh xác máy bay Mỹ bị bắn rơi ở Truông Bồn ngày 27/8/1966 và chiếc liềm vũ khí bắt giặc lái Mỹ năm xưa hiện được lưu giữ trang trọng ở Bảo tàng Quân khu IV.

Thế giới - Gặp lại cô dân quân nhỏ dùng liềm bắt sống phi công Mỹ (Hình 3).

Đây là những bằng khen và Huân chương kháng chiến hạng ba được bà cất giữu như một báu vật.

42 năm qua hai ông bà sống nương tựa vào nhau, dựa vào lon gạo, bó rau của những người hàng xóm tốt bụng. "Tôi chưa bao giờ nghĩ mình bắt giặc lập chiến công mà đơn thuần là một người dân yêu nước thì phải xả thân vì đất nước mà thôi. Nhiều người cứ bảo tôi gửi đơn lên để công nhận đóng góp của mình. Nhưng tôi nghĩ, chẳng lẽ mình đi kể công đối với đất nước. Trong bom đạn ác liệt, được sống là phúc đức lớn rồi, có nhiều anh chị em cùng đơn vị đã hy sinh cả tính mạng cho đất nước", bà Hường chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Hương, người hàng xóm cho biết, "nhiều lần báo chí, đài truyền hình về quay phim và chụp ảnh, tưởng cụ Hường sẽ được đãi ngộ, bù đắp, các cấp sẽ hỗ trợ cho ông bà căn nhà che nắng, che mưa. Nhưng hiện tại, hai ông bà già đang sống trong một ngôi nhà rách nát. Cứ đến mùa mưa bão, 2 cụ lại thấp thỏm lo âu. Đồ đạc trong nhà ngoài tấm Huân chương Chiến công hạng ba, Bằng khen của Tỉnh đội Nghệ An ra thì không có thứ gì đáng giá. Bà Hường cho biết: "Đó là kỉ niệm lớn nhất đời tôi, là kí ức khó quên của một thời đạn bon gian khổ mà hào hùng".

Ông Nguyễn Phùng Chương, cán bộ thuộc ban chính sách xã Nam Hưng cho biết: "Chúng tôi đã chi trả số tiền 1,2 triệu đồng theo chế độ 1 lần khen thưởng của Bằng khen và Huân chương, căn cứ thời gian hoạt động cách mạng theo quy định Nhà nước. Cụ Hường ngày xưa đi dân quân làng nhưng không có xác nhận của Nhà nước nên chúng tôi không thể chi trả chế độ trợ cấp hàng tháng cho bà được. Nhưng hiện tại, hai cụ già cô đơn đang phải sống nương tựa vào nhau, sống bữa nay lo ngày mai. Mong các cấp trên xem xét, hỗ trợ để bù đắp những năm tháng tuổi trẻ tích cực cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, để hai cụ yên tâm vui sống tuổi già”.

Hà Hằng


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.